Phe đối lập biểu tình đòi Thủ tướng từ chức tại Thủ đô Bangkok hôm 9-12
Phát biểu trên truyền hình sáng 9-12, bà Yingluck tuyên bố: “Tôi không muốn đất nước của chúng ta và người dân Thái Lan chịu đựng thêm nhiều mất mát nữa. Tôi quyết định giải tán Quốc hội”. Tuyên bố của bà Yingluck được đưa ra khi những người biểu tình bắt đầu diễu hành tiến về phía Toà nhà chính phủ trong một nỗ lực mới nhất nhằm lật đổ chính quyền của bà.
Thực ra thì bà Yingluck cũng khó có cách nào khác. Bất chấp mọi đề nghị ngồi vào đàm phán, thủ lĩnh phe đối lập vẫn tuyên bố bà Yingluck phải ra đi. Đảng Dân chủ đối lập chính đã rút toàn bộ 150 thành viên của họ khỏi Quốc hội, còn thủ lĩnh đối lập Abhisit Vejjajiva thì tuyên bố cuộc biểu tình bắt đầu từ thứ hai (9-12) là “trận chiến cuối cùng”. Trong bối cảnh quân đội và cảnh sát tuyên bố trung lập, các công sở coi như bỏ ngỏ cho người biểu tình tràn vào, bà Yingluck buộc phải điều chỉnh chiến thuật.
Nếu nhìn bề ngoài, bế tắc hiện nay ở Thái Lan xuất phát từ yêu sách của phe đối lập muốn đưa Thái Lan thoát khỏi ảnh hưởng của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, anh trai của bà Yingluck, người đã bị lật đổ trong một cuộc đảo chính đổ máu vào năm 2006 và hiện đang sống lưu vong tại Dubai. Thế nhưng, bản chất của tình hình bất ổn kéo dài tới hơn 7 năm qua ở Thái Lan phức tạp hơn nhiều.
Có thể nói rạn nứt trong xã hội Thái Lan là hệ quả từ hai quan điểm đối lập nhau mà đại diện là hai lực lượng đối lập và ủng hộ chính phủ. Trước hết là những người ủng hộ, phần lớn xuất thân từ tầng lớp dân nghèo tỉnh lẻ, đấu tranh cho nền dân chủ theo hướng cải cách, chống lại cái họ gọi là những nhà tư bản cũ. Số này ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin và bà Thủ tướng hiện nay Yingluck, coi 2 nhân vật này là đại diện cho nền dân chủ cần được duy trì tại Thái Lan.
Lực lượng đối lập lại phần lớn là tầng lớp trung lưu thành thị và dân Thủ đô Bangkok. Những người này chống lại những nhà tư bản mới mà đại diện là cựu Thủ tướng Thaksin. Lực lượng đối lập cáo buộc ông Thaksin thực hiện chính sách mị dân và giàu lên nhanh chóng bắt nguồn từ việc trục lợi khi nắm quyền lực trong tay. Họ coi bà Yingluck chỉ là người đóng thế ông Thaksin nên phải lật đổ. Với quan điểm không khoan nhượng như vậy, có được thỏa hiệp là điều vô cùng khó khăn.
Thực tế là bất chấp việc bà Yingluck đã có bước nhượng bộ khi tuyên bố giải tán Quốc hội để bầu cử sớm nhưng phe đối lập vẫn không chấp nhận. Các lãnh đạo phe đối lập cho biết, quyết định của Thủ tướng là quá chậm trễ và việc giải tán Quốc hội hiện giờ là vô nghĩa. Họ đòi thiết lập một “hội đồng nhân dân” để lãnh đạo đất nước, thực chất là đảo chính gạt bỏ bà Yingluck.
Trước mắt thì bà Yingluck có chút lợi thế bởi yêu sách của phe đối lập thành lập “Hội đồng nhân dân” trong vai trò là cơ quan lập pháp và lựa chọn một nhân vật không liên quan đến chính đảng nào làm Thủ tướng là hành động vi hiến. Một chính phủ được thành lập không qua bầu cử như vậy sẽ ảnh hưởng đến thanh danh và sự ổn định của Thái Lan.
Tuy nhiên, một khi phe đối lập không thỏa hiệp, Thái Lan sẽ tê liệt. Kinh tế nước này sẽ thiệt hại tới 33 tỷ USD và kéo theo nhiều hệ lụy khác.
Biển người tràn về trụ sở chính phủ
Khoảng 150.000 người biểu tình đã tràn về Thủ đô Bangkok và tới trụ sở chính phủ Thái Lan chiều qua 9-12. Những người biểu tình chống chính phủ sẵn sàng dùng vũ lực để mở cổng tòa nhà chính phủ và đang đợi lệnh của thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban.
Trong khi đó, người biểu tình tại các tỉnh lân cận như Surat Thani, Trang, Chumphon, Nakhon Ratchasima, Pattani, Yala… đã trở lại cuộc sống thường nhật sau khi bà Yingluck tuyên bố giải tán quốc hội.