Thuốc nào bán chạy có ngay hàng giả

ANTĐ - Đối với bệnh nhân như Yasir Hassan người Pakistan, điều đáng ngại hơn cả mỗi lần đi ra nhà thuốc là làm sao không mua phải thuốc giả. Trước nạn sản xuất thuốc giả tràn lan, những bệnh nhân ở đây coi việc mua được thuốc thật giống như một trò may rủi.
Thuốc nào bán chạy có ngay hàng giả ảnh 1

Số tân dược giả bị nhà chức trách Mỹ thu giữ tại Los Angeles này có cả thành phần vôi vữa và keo dán sàn

Uống thuốc chữa bệnh tim giả, 120 người chết

“Con gái tôi bị bệnh viêm phổi, vì vậy tôi cho con uống thuốc bột mua ở chợ”, anh Shazill Maqsood kể lại. Không thấy con gái đỡ, anh đã đưa con đến khám bác sỹ. “Ông ấy nói là ngừng ngay thuốc đó. Chính các gói thuốc đó đã đầu độc con gái tôi”. Shazill Maqsood nghe lời bác sỹ, may mắn là con gái anh sớm bình phục.

Thị trường tân dược nhộn nhịp của Pakistan có đầy kiot bán đủ loại thuốc từ viên nang, viên nén đến siro cho tất cả các loại bệnh. Nhưng đáng tiếc là gần như không thể phân biệt nổi đâu là thuốc chính hãng, đâu là thuốc giả có khả năng gây chết người. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính rằng có đến 1 triệu người trên toàn thế giới mỗi năm chết vì thuốc giả. Riêng tại Pakistan, trong năm 2012 đã xảy ra một vụ mà 120 người thiệt mạng sau khi uống thuốc chữa bệnh tim giả.

Ngã ngửa sau khi xem phóng sự của CNN

Phóng viên kênh truyền hình Mỹ CNN đã mục kích một xưởng sản xuất thuốc giả, trong đó ghi hình được cảnh tượng một số lao động miệt mài nghiền bột bằng bộ chày cối cũ trong một con hẻm, cách không xa chợ bán thuốc là mấy. Một người đàn ông cố tình giấu mặt của mình nói: “Ở đây chúng tôi làm tất cả mọi thứ, bất cứ thứ gì có nhu cầu cao trên thị trường”.

Trong môi trường đầy bụi bẩn, những bàn tay thoăn thoắt cho các viên nang vào lọ thuốc thành phẩm. “Tất cả các loại viên nang, chúng tôi đều cho vào thành phần tương tự. Và siro cũng vậy, thành phần chỉ có một nhưng màu sắc thì khác nhau”, một người nói. Một người khác lại khoe khoang về việc mua nguyên vật liệu rất dễ dàng.

“Tất cả mọi thứ có sẵn ở chợ như lọ, hộp, nắp chai, viên nang...”. Javed Iqbal, một chuyên gia về cung cấp thuốc nói ông bán các thành phần này nhưng phủ nhận về việc biết đến chuyện sản xuất hàng giả khi người mua rời khỏi cửa hàng của mình. “Họ mua thì chúng tôi bán, đó là công việc kinh doanh. Nhưng chúng tôi không thể biết họ đưa vào những lọ, chai đó cái gì, có thể là rượu, cũng có thể là thuốc. Chúng tôi không biết”. Một chuyên gia của cơ quan thực thi pháp luật xuất nhập cảnh và hải quan Mỹ (ICE) cho biết, kết quả phân tích thành phần các loại thuốc giả bị thu giữ tại thị trường Mỹ cho thấy dấu vết của thuốc trừ sâu, thuốc diệt chuột, bụi gạch, sơn và các thành phần khác...

Người bán khuyên người thân tránh mua

Năm 2010, Bộ trưởng Nội vụ Pakistan khi ấy, ông Rehman Malik đã nêu lên một tình trạng báo động trước Quốc hội nước này khi có đến 45-50% số tân dược trên thị trường Pakistan là giả hoặc không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Từ đó, Pakistan đã thành lập cơ quan quản lý thuốc Pakistan, sau này mở các cuộc tấn công trấn áp việc buôn bán thuốc ở chợ đen. Nhưng nạn thuốc giả vẫn phổ biến ở nước này. Thống kê của Hiệp hội dược sĩ Pakistan cho biết, Pakistan hiện có khoảng 4.000 nhà thuốc được cấp phép nhưng cũng có khoảng 100.000 cơ sở khác buôn bán thuốc bất hợp pháp.

  “Công nghệ đóng gói hiện giờ rất hiện đại và hấp dẫn, khiến bệnh nhân không nghi ngờ nội dung bên trong”, Farmann Abbass, một dược sĩ nói. Nhưng ông cũng khẳng định thuốc giả, nhái hàng là hành vi phạm tội bởi “thuốc giả lừa bệnh nhân, không có hiệu quả gì và bệnh nhân không thể hồi phục”. Tất nhiên, “pháp luật và các quy tắc luôn tồn tại nhưng lại không có tác dụng trên thực tế”, ông nói.

Thực ra, những kẻ làm thuốc giả tại Pakistan không có ý định đầu độc người khác nhưng họ tìm những nguyên liệu rẻ nhất để tối đa hóa lợi nhuận của mình. Hầu hết các loại thuốc giả sản xuất tại Pakistan được bán cho người Pakistan, một số ít được bán trực tuyến sang các nước ở châu Âu và Mỹ.

Theo các số liệu mới nhất của WHO, thị trường tân dược giả thu về 431 tỷ USD trong năm 2012. Với khuôn mặt đã giấu kín, một người bán thuốc giả trực tuyến từ Pakistan cho biết: “Đó chỉ là công việc kinh doanh của chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi thường khuyên những người quen biết là không nên mua các loại thuốc này vì đơn giản là chất lượng không tốt”.