Thổ Nhĩ Kỳ tham chiến - Thùng thuốc súng đã bắt lửa

ANTĐ - Thổ Nhĩ Kỳ đột ngột thay đổi thái độ khi đồng ý tham gia cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, rồi bất ngờ chuyển hướng sang tấn công cả lực lượng Đảng Công nhân người Kurd (PKK). Những toan tính của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đẩy tình hình Trung Đông, vốn được ví như một thùng thuốc súng, đi tới đâu?

Thổ Nhĩ Kỳ tham chiến - Thùng thuốc súng đã bắt lửa ảnh 1
Tại sao lại là Thổ Nhĩ Kỳ

Sau nhiều tháng đứng ngoài cuộc, cuối cùng Thổ Nhĩ Kỳ cũng đồng ý hợp tác với Mỹ triển khai các cuộc không kích chung nhằm vào các phiến quân IS ở Syria và Iraq. Ngày 23-7, các máy bay tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã lần đầu tiên không kích nhiều mục tiêu của IS nằm trong lãnh thổ Syria. Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho phép Mỹ sử dụng căn cứ không quân Incirlik ở miền Đông nước này để phát động không kích chống IS.

Ngoài Incirlik, máy bay chiến đấu Mỹ còn được phép sử dụng các căn cứ không quân Batman, Diyarbakir và Malatya nằm ở phía Đông Thổ Nhĩ Kỳ “trong trường hợp khẩn cấp”. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng cả pháo binh để hỗ trợ các cuộc không kích và đã thực hiện nhiều vũ nã đạn được mô tả là nghiền nát các vị trí của IS trong lãnh thổ Syria.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ tham chiến không chỉ gia tăng về số lượng thành viên trong liên quân quốc tế chống IS do Mỹ dẫn đầu mà còn tạo một bàn đạp thuận lợi để tính toán các bước đi tiếp theo. Nhưng điều bất ngờ là chỉ một ngày sau đợt không kích đầu tiên chống IS, các máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa thêm PKK vào danh sách mục tiêu.

Nguyên nhân trực tiếp khiến Ankara thay đổi chiến lược được cho là vụ đánh bom liều chết do IS tiến hành hôm 20-7 tại thị trấn Suruc nằm sát biên giới Syria khiến 32 người thiệt mạng và một số vụ tấn công khác được cho là do PKK gây ra. Tuy nhiên, giới phân tích đã chỉ ra rằng có những lý do chính trị đằng sau chiến dịch quân sự này. Việc tấn công PKK có thể là một toan tính của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trước thềm một cuộc bầu cử đột xuất có thể sắp diễn ra.

Trong cuộc bầu cử hồi tháng 6 vừa qua tại Thổ Nhĩ Kỳ, Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền của ông Erdogan dù vẫn giành chiến thắng song không đủ số ghế tại quốc hội để một mình đứng ra thành lập một chính phủ. Điều này đồng nghĩa với việc ông Erdogan không thể hiện thực hóa tham vọng sửa đổi Hiến pháp nhằm chuyển sang chế độ Tổng thống và giành nhiều quyền lực hơn - mục tiêu được nhà lãnh đạo này theo đuổi suốt thập kỷ qua.

Quá trình đàm phán để thành lập chính phủ liên minh tại Thổ Nhĩ Kỳ đã được khởi động và trong trường hợp thất bại, chắc chắn sẽ có một cuộc bầu cử tiếp theo, dự kiến vào tháng 11 tới. Có lẽ ông Erdogan đặt cược vào khả năng giành lại phiếu từ tay Đảng Dân chủ Nhân dân (HDP) thân PKK vốn giành được 10% số phiếu cần thiết để lần đầu tiên đặt chân vào Quốc hội trong cuộc bầu cử vừa qua. Logic ở đây có thể đơn giản hóa như sau: việc chứng minh cho cử tri thấy mối đe dọa từ IS và PKK với các vụ khủng bố đẫm máu liên tiếp sẽ hạ uy tín HDP, trong khi hành động quân sự quyết đoán sẽ xây dựng hình ảnh của ông Erdogan và AKP như một vị “cứu tinh” không thể thiếu.

Thổ Nhĩ Kỳ tham chiến - Thùng thuốc súng đã bắt lửa ảnh 2

Mượn đường diệt quắc

Nguyên nhân chủ yếu khiến Thổ Nhĩ Kỳ không muốn gia nhập liên minh chống IS là vì nước này muốn mượn tay IS lật đổ Tổng thống Syria Bashar Al-Assad, hay chí ít cũng là gây hỗn loạn tại Syria để thực hiện mục tiêu này. Trong khi đó, PKK và phe cánh của đảng này ở Syria mang tên Các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG) là một trong những lực lượng chủ chốt trên mặt đất chiến đấu chống lại IS.

Các tay súng ủng hộ PKK ở Syria hiện cung cấp các thông tin mục tiêu cho các cuộc không kích IS của Mỹ. Tương tự, PKK đã cung cấp lực lượng trên bộ để kiểm soát phần lãnh thổ mà IS bỏ lại sau các vụ không kích. Nếu không có sự hỗ trợ như vậy, các cuộc không kích hầu như không có tác dụng. Phải chăng, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ muốn “mượn đường diệt quắc”, tức là lấy các cuộc không kích IS làm vỏ bọc để tiêu diệt các mục tiêu của PKK.

Một mặt, Thổ Nhĩ Kỳ giúp IS dù bị Mỹ không kích vẫn có thể kiểm soát các vùng lãnh thổ ở Syria, mặt khác ngăn PKK thành lập chính quyền khu vực người Kurd ở Syria mô phỏng nhà nước người Kurd ở Iraq. Như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ cùng lúc đạt được hai mục tiêu là tạo điều kiện lật đổ Tổng thống Assad và ngăn chặn người Kurd.

Ngoài lý do chính trị liên quan tới cuộc bầu cử sắp tới thì không thể phủ nhận mối lo của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đối với lực lượng PKK và xa hơn là người Kurd nói chung. Được thành lập từ năm 1978 và bắt đầu phát động phong trào nổi dậy chống lại Ankara từ năm 1984, đến nay PKK đã có khoảng 17.000 tay súng và hiện diện ở cả Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, miền Bắc Iraq và Syria.

Có dư luận cho rằng các lượng lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ dường như đã cố tình “bất cẩn”, thậm chí đồng lõa trong vụ tấn công tại Suruc khiến 32 chính trị gia thân PKK thiệt mạng. Lý do có sự nghi ngờ này là bởi một số người Kurd có quan hệ với PKK đã bị cảnh sát chặn không cho vào khu trung tâm văn hóa nơi xảy ra vụ tấn công, trong khi một kẻ đánh bom liều chết lại có thể lọt vào.

Các tay súng người Kurd phản ứng lại bằng việc giết cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ và kích động bạo loạn trong dân chúng ở khắp vùng Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ có đông người Kurd sinh sống. Đây cũng chính là cái cớ để Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành không kích PKK. Một biểu hiện khác cho thấy Ankara không mấy mặn mà trong cuộc chiến chống IS hiện nay là việc bất đồng với Mỹ về huấn luyện phe đối lập ở Syria.

Vấn đề nằm ở chỗ Mỹ chủ trương hỗ trợ lực lượng vũ trang tại chỗ, trong đó có cộng đồng người Kurd, chống lại IS. Còn Thổ Nhĩ Kỳ lại lo ngại cộng đồng người Kurd trong nước, được khích lệ từ sự lớn mạnh của người Kurd ở Iraq và Syria, sẽ đẩy mạnh nỗ lực thành lập một nhà nước độc lập. 

Việc Thổ Nhĩ Kỳ tham chiến đang khiến thùng thuốc súng Trung Đông thêm nóng. Những tính toán của Ankara khiến tình hình tại Syria càng thêm hỗn loạn, cơ hội chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 4 năm qua tại đây càng trở nên mờ mịt. Thực tế cuộc chiến chống khủng bố trong hơn một thập kỷ qua (kể từ sau vụ tấn công ngày 11-9 ở Mỹ) cho thấy không một sức mạnh quân sự nào có thể tiêu diệt tận gốc thứ chủ nghĩa chết chóc này.

Taliban dù bị lật đổ ở Afghanistan vẫn tồn tại và sinh sôi. Osama Bin Laden đã bị tiêu diệt nhưng Al-Qaeda vẫn cắm sâu rễ ở nhiều quốc gia Trung Đông và Bắc Phi. Ngoài ra còn có các tổ chức khét tiếng khác như Boko Haram, Al-Shabaab... Khi tham gia cuộc chiến chống IS nhưng lại nuôi dưỡng những ý đồ khác, chính Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang phải đối mặt với nguy cơ phải hứng chịu thêm các vụ tấn công khủng bố.

Cuộc chiến bên trong lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không có chiến tuyến, không có các mục tiêu cụ thể để đưa máy bay F-16 tới thả bom và phóng tên lửa. Trong cuộc chiến này, sẽ chỉ có những thành phố với những địa điểm công cộng như hệ thống tàu điện ngầm, bến xe buýt hay nhà thờ và chợ búa trở thành mục tiêu. Nạn nhân sẽ là vô số những người dân vô tội, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em. Những ngày qua, cả IS và PKK đều tuyên bố sẽ đáp trả các cuộc tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.