Tai vạ từ thế giới ảo

ANTĐ - Ba năm liền, họ đã trở thành mục tiêu bị đe dọa, bị xâm phạm quyền riêng tư, mất việc, mất bạn bè, chưa kể những nỗi lo thường trực và nhiều vấn đề tâm lý khác. Tất cả là do tin tặc bí ẩn nào đó gây ra. Câu chuyện hoàn toàn có thể xảy ra với bất kỳ ai, khi người ta bỗng dưng trở thành nạn nhân của “bóng ma” thời đại kỹ thuật số.

Tai vạ từ thế giới ảo ảnh 1Gia đình ông bà Paul và Amy Strater lao đao vì bị tin tặc phá hoại

Nỗi ám ảnh “bóng ma” kỹ thuật số

Cuộc sống của Paul và Amy Strater, người Mỹ bắt đầu gặp rắc rối khi… bánh pizza xuất hiện ở cửa nhà họ ở Oswego, Illinois, một vùng ngoại ô cách Chicago chừng 80km. Nhà Strater không đặt hàng nhưng ai đó đã gọi điện đưa tới. Cứ vài tuần, người giao hàng lại nhấn chuông gọi cửa, đưa bánh, chờ thanh toán và nghe lời phân bua: “Vâng, đúng địa chỉ. Nhưng không, chúng tôi không gọi”.

Ông Paul Strater, một kỹ sư làm việc tại một đài truyền hình địa phương và vợ, Amy - cựu nhân viên y tế dần quen với những chuyện khó xử như thế. Thế nhưng, cuộc sống của ông bà Paul Strater không chỉ bị xáo trộn, sách nhiễu mà còn gần như bị phá hoại đến thê thảm. Mọi việc bắt nguồn từ khi Blair - cậu con trai 20 tuổi của họ xích mích với một tin tặc ở phòng chat trên Internet. Blair nhận mình là hacker “mũ trắng”, có nghĩa là chuyên hoạt động về bảo mật, không xâm nhập và tấn công trái phép hệ thống máy tính để gây hại người khác. Theo Blair, anh và một hacker độ tuổi thiếu niên người Phần Lan tên Julius Kivimäki có va chạm, chuyện không hiếm ở những phòng chat như vậy. Nhưng đó mới chỉ là khởi đầu một chiến dịch “trả đũa” kéo dài nhiều năm mà nạn nhân là gia đình Strater.

Tháng 11-2012, cảnh sát địa phương nhận được email từ địa chỉ tương tự như của Blair trong đó có lời đe dọa đánh bom. Vì năm 2010, Blair dính đến chuyện phá hoại trang web của trường trung học nên lần này anh đã bị bắt giam. Ba tuần sau, thanh niên này được trả tự do sau khi nhà chức trách xác định đó là một trò lừa bịp. 

Tránh càng xa càng tốt

Sau đó, những sự việc quái lạ dồn dập đổ lên nhà Strater. Các loại dịch vụ từ bánh pizza đến xe tải kéo, hoa, cát sỏi… được đưa đến nhà dù họ không hề đặt hàng. Một người nào đó giả là Paul Strater còn hủy hợp đồng điện và khí đốt của gia đình, may mà họ đã ngăn chặn kịp thời.

Khoảng 4h sáng 24-10-2013, lực lượng đặc nhiệm tràn vào nhà Straters sau khi nhận được cuộc điện thoại của một người tự nhận mình là Blair Strater nói rằng anh ta đã giết hại mẹ mình. “Sự cố này tái diễn vài lần khuấy động dân cư yên tĩnh khiến láng giềng tẩy chay chúng tôi. Họ không nói chuyện với gia đình tôi nữa vì không hiểu chuyện gì đang xảy ra”, bà Amy kể.

Tháng 5-2014, tài khoản LinkedIn của bà Amy bị hack với dòng “tuyên chiến” với công ty bà đang làm: “Một công ty kinh khủng của người Do Thái”. Bà Amy rụng rời khi nghe ông chủ nói bà bị đuổi việc, mặc dù bà ra sức kêu oan. Mất việc, bà Amy rơi vào trầm cảm. Bà không thể kiếm việc nào khác trong ngành quản lý bệnh viện vì chỉ cần gõ tên bà trên công cụ tìm kiếm Google là ra hàng loạt những sự vụ rắc rối mà bà không thể giải thích được.

Ông Paul đã nhiều lần nhờ cơ quan thực thi pháp luật, bao gồm cả Cục Điều tra Liên bang Mỹ - FBI can thiệp để theo đuổi một vụ kiện chống lại Kivimäki nhưng đây là vụ việc liên quan đến trẻ vị thành niên ở Phần Lan nên rất khó giải quyết. Thực tế là đầu năm nay, nhà chức trách Phần Lan đã kết án Kivimäki (hiện đã 18 tuổi) phạm các tội liên quan đến an ninh mạng, từ ăn cắp thông tin thẻ tín dụng, gọi điện thoại đe dọa đánh bom giả đến rửa tiền ảo Bitcoin. Kivimäki đã nhận bản án 2 năm tù treo và nộp phạt 7.000 USD.

Thời gian gần đây, cuộc sống của ông bà Strater đã yên ổn hơn, không còn những chuyến giao hàng lạ hay các cuộc tấn công vào tài khoản mạng xã hội của họ, có lẽ như lời bà Amy: “Chúng tôi đã không còn gì để mất”. Nhắn nhủ với mọi người sau tất cả những gì đã xảy ra, bà nói: “Đừng dùng Twitter, LinkedIn hay Facebook. Càng tránh xa mạng xã hội bao nhiêu, càng tốt bấy nhiêu”.