Mặc dù bị trừng phạt, nhiều ngành kinh tế Nga vẫn thăng hoa

ANTĐ - Trong bối cảnh phương Tây tiếp tục kéo dài lệnh trừng phạt chống lại Nga, một phong trào xuất hiện khắp châu Âu để thể hiện sự nghi ngờ liên quan tới chính sách chống Nga do Mỹ dẫn đầu. Nhà phân tích chính trị Mark Sleboda đã chỉ ra rằng, mặc dù bị trừng phạt, nhiều lĩnh vực kinh tế của Nga vẫn đang thăng hoa.

Nga coi những biện pháp trừng phạt của phương Tây là động lực để nhiều lĩnh vực kinh tế giảm sự phụ thuộc vào bên ngoài

Trong bối cảnh các nước phương Tây đồng lòng “chống Nga”, ngoại trưởng Pháp lại có ý kiến trái chiều, qua đó gợi mở khả năng Paris sẽ sớm chủ động thoát khỏi con đường chung hiện nay, để “làm lành” với Nga.

Nhà phân tích Sleboda bày tỏ: “Chúng ta chắc chắn đã nhìn thấy sự phản đối tăng dần lên trên khắp châu Âu. Nhưng một lần nữa, chúng ta lại thấy sự phản ứng cứng rắn đến từ Đức, đặc biệt là từ nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel. Bà ấy đã thể hiện rằng quan điểm của bà bị ảnh hưởng rất nhiều từ những yêu cầu của Mỹ. Dòng tư tưởng của Mỹ-Đức vẫn còn thống trị hiện nay, do vậy, các biện pháp trừng phạt Nga sẽ vẫn được duy trì”.

Tuy nhiên, một điều đáng chú ý theo ông Sleboda, là mặc cho các lệnh trừng phạt bị kéo dài thêm 6 tháng nữa, nền kinh tế Nga thậm chí còn thăng hoa ở một số lĩnh vực kinh tế, đi ngược lại sự chờ đợi của những nhà lãnh đạo phương Tây có chủ trương “chống Nga”.

“Tất nhiên, đó là một vấn đề chính trị. Nhưng rất nhiều doanh nghiệp Nga đã vận hành vô cùng tốt, trong bối cảnh bị trừng phạt. Đặc biệt, các lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất và xuất khẩu của Nga đang phát triển bùng nổ”, phân tích gia Sleboda chỉ rõ.

Bên cạnh đó, những yếu tố khách quan trong nội bộ EU cũng ảnh hưởng tới chiến lược trừng phạt Nga của các nước phương Tây.

Chẳng hạn, theo ông Sleboda, việc Anh vừa quyết định “Brexit” – tách khỏi EU – cũng sẽ tạo ra ảnh hưởng tới việc trừng phạt Nga, bởi trước đó, Anh là một trong những nước ủng hộ mạnh mẽ cho kế hoạch “chống Nga”.

Trong cuộc chiến không tiếng súng với Nga, nhiều công dân và tổ chức ở phương Tây đã xuống đường biểu tình vì “cuộc chiến” này gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới chính công ăn việc làm của họ.