Lật tẩy thủ đoạn buôn người di cư trái phép vào Anh

ANTĐ - Làn sóng người di cư trái phép từ thành phố cảng Calais - Pháp, vượt qua đường hầm eo biển Manche vào Anh vẫn chưa có dấu hạ nhiệt. Cảnh sát Calais cho biết, từ đầu năm 2015 đến nay, họ đã phá vỡ 19 đường dây đưa người di cư trái phép qua Calais đến Anh. 1.225 kẻ buôn người bị bắt giữ, 7 trong số các băng nhóm tội phạm là người Albania.
Lật tẩy thủ đoạn buôn người di cư trái phép vào Anh ảnh 1

Những người di cư ở Calais chờ đợi thời cơ để di chuyển đến Anh

Phí vận chuyển phụ thuộc vào quốc tịch

Cảnh sát Calais cho biết, ngoài 7 băng nhóm đưa người di cư trái phép vào Anh là người Albania, 12 băng nhóm còn lại có đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Mới đây nhất, vào ngày 10-8, 4 người Albania và 2 phụ nữ Pháp bị bắt vì cáo buộc tổ chức đưa người di cư trái phép vào Anh. Quá trình điều tra cho biết, 6 người này đã tổ chức 44 vụ, đưa tổng số 250 di dân trót lọt vào Anh trước đó.

Làn sóng người di cư đến Anh qua thành phố cảng Calais vẫn hết sức sôi động. Cảnh sát Calais luôn được đặt trong tình trạng báo động cao và thường xuyên phải đối mặt với tình trạng hỗn loạn bởi quá nhiều người di cư cố gắng tiếp cận bờ biển của Anh. Hàng nghìn người di cư, từ các nước nghèo túng và chiến tranh tàn phá đang tập trung ở Calais và chờ đợi thời cơ để di chuyển. Ước tính, có khoảng 5.000 người di cư đang ở Calais, chờ màn đêm buông xuống và tìm cách đến Anh. Nhờ công nghệ buôn người nhập cư, các băng nhóm đã “đút túi” từ 500.000 đến 1,4 triệu bảng Anh.  

Tờ Le Monde của Pháp cho biết, khá nhiều người di cư từ Albania đến Anh. Họ đã trả tiền cho các băng đảng ở trong nước trước khi cuộc hành trình bắt đầu, thông thường chi phí là 5.000 bảng Anh/người. Khi đến Anh, người di cư tiếp tục phải trả thêm khoản tiền 500 đến 1000 bảng Anh cho tài xế.

Tờ Le Monde tiết lộ thêm rằng, chi phí di cư không đồng nhất mà phụ thuộc vào quốc tịch của người di cư. Eritreans là những người di cư nghèo nhất. Họ thường chọn “gói dịch vụ” đi bằng xe tải có giá 300 bảng Anh. Trong khi đó, người di cư Trung Quốc luôn chọn gói “dịch vụ VIP” có giá lên đến cạnh tài xế  với giá 5.000 đến  7.000 bảng Anh. Bên cạnh đó, nếu bị cảnh sát phát hiện và trục xuất lại khu vực biên giới, số tiền sẽ được hoàn trả lại cho “khách hàng”.

Có sự bắt tay của mafia Anh và Pháp?

Franck Dhersin, Thị trưởng thành phố Téteghem (Pháp) cho biết, mafia Anh có liên quan đến hoạt động buôn người từ miền Bắc nước Pháp vào Anh. “Họ nói tiếng Anh, dùng bạo lực đe dọa người di cư. Chúng muốn kiếm tiền từ những người di cư”, ông Dhersin nói. Ông Dhersin cho biết thêm, hoạt động buôn người của các băng đảng Anh đã tồn tại khá lâu và ngày càng hoạt động bài bản, tổ chức chặt chẽ hơn.

Một người di cư Syria đề nghị giấu tên nói rằng, ông đã phải trả cho những kẻ buôn người tổng số 15.000 bảng Anh, bao gồm 3.000 bảng cho kẻ buôn người ở Anh. “Họ đe dọa sẽ sử dụng bạo lực nếu chúng tôi không nghe theo mệnh lệnh. Tôi thực sự rất sợ hãi. Họ có súng và sẵn sàng gí súng vào đầu một ai đó và nói rằng: tự ý làm những gì mình muốn, điều đó đồng nghĩa với cái chết”, người đàn ông nói.

Pascal Aerts, một quan chức của cảnh sát Pháp nhận định: “Chúng tôi biết rằng, có mối liên kết giữa những kẻ buôn người ở Anh và Pháp”. Một phát ngôn viên của Bộ Nội vụ Anh cho biết: “Chúng tôi đang làm việc chặt chẽ với các cơ quan chức năng Pháp để giải quyết tình hình ở miền Bắc nước Pháp. Chúng tôi đang tăng cường hoạt động tình báo để nắm thông tin về các băng nhóm tội phạm tổ chức đưa người di cư trái phép vào Anh, từ đó đưa ra giải pháp phù hợp”.

Tờ Le Monde cho biết, các băng nhóm tội phạm ở Ấn Độ, Sri Lanka và Bangladesh chuyên cung cấp giấy tờ giả và hộ chiếu cho người di cư vào Anh. Vào tháng 3-2015, các cơ quan chức năng phá vỡ một đường dây tội phạm Bangladesh chuyên cung cấp thị thực du học Anh giả tại Strasbourg (Pháp).Tháng 6-2015, Cảnh sát phát hiện một băng đảng Sri Lanka chuyên cung cấp hộ chiếu Anh giả được thực hiện tại Thái Lan. Giá mỗi hộ chiếu giả khi đến tay khách hàng có giá dao động từ 2.000 đến 16.000 bảng Anh.