Hiệp ước buôn bán vũ khí: Các "ông lớn" còn đứng ngoài cuộc

ANTĐ - Có người ví von rằng việc buôn bán các loại nông sản như chuối hay cà chua thậm chí còn chịu những quy định nghiêm ngặt hơn việc mua bán nhiều loại vũ khí trên thế giới.
Hiệp ước buôn bán vũ khí: Các "ông lớn" còn đứng ngoài cuộc  ảnh 1

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ký ATT tháng 9-2013

Hội nghị đầu tiên

Cách so sánh trên chỉ ra một thực trạng là việc mua bán và sử dụng vũ khí (thông thường) trên thị trường thế giới vẫn chưa được kiểm soát một cách chặt chẽ, theo các nguyên tắc toàn cầu, mang tính minh bạch và bắt buộc. Từ ngày 24 đến 27-8, đại diện đến từ hơn 120 nước trên thế giới đã có mặt tại thành phố du lịch Cancun của Mexico để tham dự hội nghị các quốc gia đã phê chuẩn Hiệp ước buôn bán vũ khí (ATT). Đây là lần đầu tiên một hội nghị như thế này được tổ chức sau khi ATT chính thức có hiệu lực từ tháng 12-2014.

Mục đích của hội nghị tại Cancun là thúc đẩy việc phê chuẩn ATT, thành lập một Ban thư ký thường trực tại Liên hợp quốc (LHQ) và nhất trí về cách thức tài trợ cho cơ quan này. Nói như Ngoại trưởng nước chủ nhà Mexico Jose Antonio Meade thì hội nghị sẽ tạo ra khuôn khổ đa phương nhằm quản lý hoạt động buôn bán vũ khí toàn cầu và đảm bảo rằng vũ khí không rơi vào tay tội phạm và khủng bố. Điều này hoàn toàn phù hợp với những mục tiêu được nêu rõ trong ATT. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để thực thi ATT và xa hơn là đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Sau các cuộc đàm phán kéo dài nhiều năm, ATT cuối cùng đã được thông qua tại Đại Hội đồng LHQ ngày 2-4-2013 và chính thức có hiệu lực từ tháng 12-2014. Sự kiện này đánh dấu việc lần đầu tiên thế giới có một hiệp ước đặt ra những nguyên tắc toàn cầu đối với việc chuyển giao và sử dụng vũ khí nhằm đảm bảo tính minh bạch và bảo vệ nhân quyền trong hoạt động buôn bán vũ khí thông thường. Theo ước tính, các hoạt động buôn bán vũ khí trên thế giới trị giá tới 100 tỷ USD mỗi năm. ATT, với 28 điều, yêu cầu các quốc gia thiết lập cơ chế kiểm soát cấp nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu vũ khí.

Những nước thông qua hiệp ước phải có trách nhiệm đảm bảo các hợp đồng vũ khí không vi phạm các lệnh cấm vận quốc tế, luật nhân quyền hay có nguy cơ để vũ khí rơi vào tay các nhóm khủng bố hoặc tội phạm. Điều 2 của ATT quy định rõ rằng hiệp ước được áp dụng đối với tất cả các loại vũ khí thông thường thuộc 8 nhóm, gồm: xe tăng chiến đấu; xe chiến đấu bọc thép; các hệ thống pháo binh cỡ nòng lớn; máy bay chiến đấu; trực thăng tấn công; tàu chiến; tên lửa và các bệ phóng tên lửa; súng bộ binh và vũ khí hạng nhẹ. 

Các “ông lớn” đứng ngoài

Cho tới nay, đã có 130 quốc gia ký ATT, trong đó hơn 70 nước đã phê chuẩn. Đáng chú ý, mới chỉ có 5 trên tổng số 10 quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới phê chuẩn ATT là Anh, Pháp, Đức, Italia và Tây Ban Nha. Quốc gia sản xuất và bán vũ khí ra thế giới nhiều nhất là Mỹ cùng hơn 50 quốc gia khác vẫn chưa phê chuẩn hiệp ước này. Bên cạnh đó, một “ông lớn” khác trên thị trường vũ khí toàn cầu là Nga thậm chí còn chưa tham gia vào ATT. Trung Quốc cũng là một trường hợp tương tự.

Từ thực tế này, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để kiểm soát việc buôn bán vũ khí trên thế giới khi những quốc gia sản xuất và mua bán nhiều vũ khí nhất như Mỹ, Nga hay Trung Quốc không phê chuẩn hoặc không tham gia ATT. Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), năm 2014, Mỹ thu về 10,2 tỷ USD tiền bán vũ khí, trong khi con số này của Nga là 5,98 tỷ USD. Trong năm 2015, Nga thậm chí còn kỳ vọng sẽ đạt doanh thu lên tới 15 tỷ USD từ xuất khẩu vũ khí. Trung Quốc hiện cũng đã vượt qua Đức, Pháp và Anh để vươn lên vị trí thứ ba trên dánh sách các nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới.

Nước Mỹ thì đang vướng bận với những tranh cãi nội bộ, đặc biệt là sự phản đối của các “thế lực” như Hiệp hội Súng quốc gia (NRA), Quỹ Di sản hay Hội những người sở hữu súng ở Mỹ. Về mặt công khai, những hội này cho rằng ATT có thể ảnh hưởng tới quyền được sở hữu súng của người Mỹ, vốn được quy định trong Hiến pháp. Nhưng đằng sau có lẽ là câu chuyện của các nhà sản xuất và kinh doanh súng khi lo sợ bị kiểm soát dẫn tới mất thị phần và khách hàng. Cái đích cuối cùng của họ là lợi nhuận chứ không phải ATT.

Những hội như NRA có ảnh hưởng rất lớn ở Mỹ khi họ có thể chi ra hàng trăm triệu USD cho các chiến dịch vận động hành lang. Còn về phía Nga, Bộ Ngoại giao nước này mới đây cũng thẳng thừng tuyên bố sẽ không tham gia ATT. Lý do được đưa ra là Nga nhận thấy ATT là một hiệp ước “quá yếu” và tạo ra những “gánh nặng” đối với các quốc gia tham gia. Người Nga cho rằng việc thiết lập hệ thống kiểm soát xuất khẩu vũ khí thì hiện ở cả Tây Âu, Nga hay Bắc Mỹ đều đã có. Do vậy, Nga không phản đối, song thấy rằng việc tham gia hiệp ước không có ý nghĩa.

Các quốc gia khác không tham gia ATT như Iran, Syria hay Triều Tiên cũng có lý lẽ riêng của mình. Syria thì cho rằng hiệp ước cần quy định rõ ràng hơn về việc cấm cung cấp vũ khí cho các phần tử khủng bố và lực lượng nổi dậy. Còn Triều Tiên cho rằng hiệp ước có thể bị lợi dụng bởi những nhà xuất khẩu vũ khí lớn. Trong khi đó, Iran nhấn mạnh “vấn đề quyền của các nước được tự vệ, chống xâm lược và duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ không được chú trọng”. 

Hiệp ước buôn bán vũ khí: Các "ông lớn" còn đứng ngoài cuộc  ảnh 2

Tiếng súng chưa ngưng

Trong khi việc thực thi ATT vẫn đang được bàn thảo thì vũ khí các loại tiếp tục được mua bán trên khắp thế giới. Hàng năm, bạo lực vũ trang cướp đi sinh mạng của hơn 750.000 người và khiến hàng triệu người rơi vào thảm kịch. Nhiều quốc gia châu Phi và Trung Đông tiếp tục rơi vào hỗn loạn do vũ khí tràn làn. Vũ khí không chỉ có trong tay của binh sĩ chính phủ mà hàng loạt tổ chức khủng bố, cực đoan cũng sở hữu nhiều loại vũ khí chết người.

Với vũ khí trong tay, nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram tàn sát vài chục, thậm chí vài trăm người một lúc ở Nigeria, hay Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hành quyết hàng nghìn người ở Syria. Theo Oxfam, 95% số vũ khí được sử dụng tại châu Phi đều có nguồn gốc nước ngoài. Ở Trung Đông, tình hình có lẽ cũng tương tự.

Việc thực thi ATT được kỳ vọng sẽ góp phần “giảm thiểu nỗi đau khổ của nhân loại do những thương vụ buôn bán vũ khí tràn lan gây ra”. Thế nhưng, ngoài việc nhiều “ông lớn” không tham gia, cơ chế thực thi hiệp ước này cũng chưa rõ ràng. Việc kỳ vọng vào sự thuyết phục về mặt đạo đức rằng đừng bán vũ khí cho các quốc gia có xung đột, các tổ chức khủng bố, cực đoan… sẽ là hết sức mơ hồ. Trong khi đó, tham vọng minh bạch hóa việc buôn bán vũ khí cũng không phải dễ dàng.

Trên thế giới hiện đã có 2 cơ chế yêu cầu các quốc gia báo cáo về buôn bán vũ khí là Chương trình Hành động LHQ về Ngăn chặn, Đấu tranh và Loại trừ buôn bán trái phép các loại vũ khí hạng nhẹ (PoA) và Ủy ban Đăng ký Vũ khí Thông thường LHQ. Tuy nhiên, số lượng báo cáo lên PoA đang giảm đi đáng kể trong 10 năm gần đây. Có tới hơn một nửa trong số 130 nước tham gia ATT không có báo cáo theo cơ chế PoA.

Ủy ban Đăng ký Vũ khí Thông thường LHQ, từ khi thành lập vào năm 1991 tới nay, cũng chỉ nhận được báo cáo xuất khẩu vũ khí từ 59 nước và báo cáo nhập khẩu vũ khí từ 85 nước. ATT càng khó hơn khi văn bản của hiệp ước này ghi rõ cho phép các quốc gia loại bỏ các thông tin “nhạy cảm thương mại hoặc an ninh quốc gia” khỏi các báo cáo. 

Ngoài ra, ATT còn có một số lỗ hổng và điểm yếu đáng chú ý. Trong khi nói tới vũ khí thuộc 8 nhóm cụ thể, thì đạn dược, các bộ phận cấu thành vũ khí lại không được quy định chặt chẽ trong hiệp ước. Hỗ trợ nạn nhân của tình trạng bạo lực vũ trang cũng đã bị loại khỏi phần mở đầu của hiệp ước. Những điều khoản dự thảo trước đó về tác động của việc buôn bán vũ khí lên quá trình phát triển kinh tế-xã hội cũng bị loại bỏ khỏi bản hiệp ước chính thức. Nhiều ý kiến lo ngại rằng còn nhiều loại vũ khí mới với công nghệ tiên tiến mà ATT không thể bao trùm và điều chỉnh hết.