G-7 và những câu hỏi còn bỏ ngỏ

ANTĐ - Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) đã bế mạc tại Đức hôm 8/6 sau hai ngày làm việc, với việc đưa ra bản Tuyên bố chung đề cập tới nhiều vấn đề khu vực và thế giới. Tuy nhiên, sau sự kiện này, người ta thấy nổi lên một loạt câu hỏi vẫn đang bị bỏ ngỏ xung quanh các hoạt động của tổ chức này.
G-7 và những câu hỏi còn bỏ ngỏ ảnh 1

Các nhà lãnh đạo G7 dự họp tại Đức

Cam kết về môi trường có đi cùng hành động thực tế?

Bản tuyên bố chung dài 23 trang của G7 nhấn mạnh quyết tâm hợp tác chặt chẽ trên cơ sở những giá trị và nguyên tắc chung nhằm giải quyết các thách thức về chính trị và kinh tế quốc tế. G7 cũng cam kết tôn trọng các giá trị về tự do dân chủ, quy định luật pháp, duy trì tự do, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cũng như thúc đẩy hoà bình và an ninh trên thế giới.

 G7 cũng cam kết củng cố hệ thống thương mại đa phương trên cơ sở luật pháp quốc tế, đồng thời hoan nghênh và kêu gọi nhanh chóng kết thúc các cuộc đàm phán thương mại quan trọng đang được tiến hành, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). 

Trong khuôn khổ hội nghị, lãnh đạo G7 đã thống nhất được mục tiêu cắt giảm phát thải khí CO2 đi đôi với việc từ bỏ dần năng lượng hóa thạch. Kết quả này được đánh giá là một tiến bộ quan trọng trước thềm Hội nghị quốc tế về khí hậu COP 21 dự kiến diễn ra vào cuối năm nay tại Paris. Theo tuyên bố chung, G-7 ủng hộ mục tiêu cắt giảm so với năm 2010 khoảng 40%-70% lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trên toàn thế giới từ nay đến năm 2050.

 Bên cạnh đó, G-7 còn cam kết nỗ lực giữ nhiệt độ Trái Đất tăng không quá 2 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp, cũng như huy động 100 tỷ USD mỗi năm từ nay đến năm 2020 nhằm hỗ trợ các sáng kiến giữ gìn khí hậu chung. Hiện các nước G7 chiếm 10% dân số thế giới, nhưng phát thải lượng khí CO2 bằng 1/4 của cả hành tinh. Chính vì vậy, những cam kết nói trên được giới chuyên gia đánh giá là một tuyên bố mang tính lịch sử, và là lần đầu tiên G7 tìm được tiếng nói chung trong việc đặt mục tiêu vì một nền kinh tế phi cácbon.

Các nghĩa vụ tài chính và mức giảm lượng khí thải cácbon là hai vấn đề then chốt trong các cuộc đàm phán căng thẳng xung quanh vấn đề khí hậu mà LHQ tổ chức nhằm hướng tới thỏa thuận khí hậu toàn cầu vào cuối năm nay tại Paris. Các nước đang phát triển khẳng định họ chỉ có thể đóng góp cho hoạt động chống biến đổi khí hậu theo một số cách nhất định, và điều này thậm chí còn phụ thuộc vào những hỗ trợ về mặt tài chính và công nghệ mà họ nhận được từ các nước phát triển.

 Giới phân tích cho rằng các nước G-7 chưa nỗ lực đủ trong việc dần dần thôi không sử dụng năng lượng hóa thạch và cắt giảm lượng khí thải cácbon. Người phát ngôn của tổ chức Oxfam Jorn Kalinski nói: "Các nhà lãnh đạo G-7 đã chỉ ra rằng việc sử dụng năng lượng hóa thạch đang giảm dần. Tuy nhiên, điều này lại không được thể hiện qua những cam kết về cắt giảm lượng khí thải của mỗi quốc gia mà họ đưa ra.

Điều họ cần làm là hiện thực hóa những tuyên bố của mình và từ bỏ việc sử dụng nguồn năng lượng gây ô nhiễm này." Adrian Lovett - Giám đốc Điều hành phụ trách khu vực châu Âu của tổ chức “One” - nói: "Nhiều cam kết đã được đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh lần này. Mọi chuyện sẽ rất tuyệt nếu các cam kết được đi cùng hành động thực tế. Chúng tôi trông đợi nhiều hơn những lời hứa suông".

Đã đến lúc cần thay đổi về cơ cấu?

Dư luận quốc tế thường chờ đợi nhiều ở những cuộc họp thượng đỉnh G-7 song kết quả của hội nghị này ngày càng không đáp ứng được kỳ vọng của dư luận. Ngay cả đối với hội nghị năm nay khi ngoài việc đặt mục tiêu cụ thể là chống sự nóng lên của Trái đất, G-7 đã không đi đến một giải pháp quan trọng nào trong các vấn đề nóng của thế giới như đảm bảo an ninh và phát triển thương mại.

Câu hỏi đặt ra là liệu G-7 có còn là một thể chế hữu hiệu nữa hay không khi tình hình chính trị, kinh tế-tài chính thế giới ngày nay hoàn toàn khác so với hồi thập niên 70 của thế kỷ trước, khi G-7 được thành lập với mục tiêu là cải thiện sự hợp tác chính trị-kinh tế trên toàn cầu.

Điểm yếu lớn của G-7 là việc tổ chức này bị chi phối bởi tới 4 thành viên là các nước châu Âu. Chương trình nghị sự của Hội nghị G-7 cho thấy rõ sự già cỗi của cơ cấu này.

Rất nhiều chủ đề như thương mại, ổn định tài chính toàn cầu, thị trường trái phiếu quốc tế hay chính sách an ninh thuộc trách nhiệm của EU chứ không phải từng nước thành viên riêng lẻ như Đức, Anh, Pháp hay Italy. Một vấn đề khác là trong nhiều nội dung thảo luận, 4 nước châu Âu trên cũng có xu hướng đàm phán riêng rẽ với các đối tác, đặc biệt là Mỹ, để phục vụ lợi ích quốc gia hơn là để phục vụ cho lợi ích của EU. Ngược lại, Mỹ cũng tận dụng điều này để tác động từng nước phục vụ trước hết cho lợi ích của nước Mỹ.

 Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tại các tổ chức quốc tế như IMF, Mỹ vẫn có ảnh hưởng chi phối mặc dù quyền bỏ phiếu của Mỹ chỉ bằng một nửa so với các nước EU cộng lại. Điều này cho thấy chừng nào từng nước lớn trong EU vẫn còn theo đuổi những mục tiêu riêng rẽ thì ở sân chơi toàn cầu, họ vẫn chỉ là những nước có ảnh hưởng tầm trung.