Đức "ngầm" làm dịu mối quan hệ căng thẳng Nga - EU

ANTĐ - Đằng sau hậu trường, các chính trị gia Đức được cho là đang lên kế hoạch nhằm giảm bớt các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga. Trong đó, Đức đã sẵn sàng bỏ một số lệnh áp đặt hạn chế để đổi lấy việc Nga giúp đỡ trong quá trình tổ chức bầu cử địa phương ở miền đông Ukraine.

Cho tới giờ, vai trò của Đức liên quan tới việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Nga chỉ có thể phát huy, nếu như thỏa thuận Minsk được thực thi đầy đủ. Song Berlin không cứng nhắc như thế, khi chính quyền của bà Merkel sẵn sàng nhượng bộ để giảm bớt những áp đặt đối với Moscow, nếu như các quốc gia có thể đạt được một số tiến bộ trong thỏa thuận Minsk.

“Tôi không bao giờ có quan điểm trừng phạt là một mục tiêu. Việc giảm bớt lệnh trừng phạt có thể được xem xét nếu như chúng ta nhìn thấy tiến bộ trong việc thực thi Minsk”, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier bày tỏ.

Dù vậy, những gì Đức có thể làm cho Nga chỉ là gỡ bỏ lệnh cấm đi lại, hay giảm bớt thời hạn trừng phạt từ 6 tháng xuống còn 3 tháng, chứ không phải những lệnh trừng phạt quan trọng đối với Nga, như hạn chế về tài chính hay những áp đặt liên quan tới bán đảo Crimea.

Đổi lại, Berlin muốn Nga “đáp lễ” bằng việc hỗ trợ bầu cử địa phương ở miền đông Ukraine đang có diễn biến chính trị phức tạp.

Là "đầu tàu" của EU, Đức muốn duy trì sự thống nhất của cộng đồng này bằng việc... "nhẹ tay" với Nga

Theo đánh giá của cây bút thuộc tạp chí Der Spiegel, những bước đi khôn ngoan của chính quyền Đức sẽ giúp duy trì sự thống nhất trong Liên minh châu Âu, giữa những nước ủng hộ và phản đối trừng phạt Nga, đồng thời tạo ra cơ hội đối thoại với Moscow.

Vài tuần trước, Ngoại trường Đức đã phải lưu ý rằng quan điểm phản đối mở rộng trừng phạt Nga trong EU đã tăng lên, khiến sự phân chia “phe” của cộng đồng này trở nên đáng ngại hơn.

Der Spiegel cho rằng, mục tiêu quan trọng nhất của Đức là giữ sự thống nhất trong EU, để lãnh đạo Nga không cảm thấy họ có thể chia rẽ được các nước châu Âu.

Hồi tháng 8-2014, EU và Mỹ đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, với cáo buộc Moscow gây ảnh hưởng tới cuộc xung đột ở Ukraine. Đáp lại, giới chức Nga kịch liệt bác bỏ mọi cáo buộc, đồng thời trả đũa bằng lệnh cấm nhập thực phẩm từ châu Âu, khiến một số quốc gia trong khối EU chịu thiệt hại đáng kể.