Đối tác gìn giữ an ninh tại Biển Đông

ANTĐ -Malaysia và Nhật Bản khi nhất trí nâng cấp mối quan hệ song phương lên đối tác chiến lược đã khẳng định tăng cường hợp tác vì hòa bình, ổn định và tự do hàng hải trên Biển Đông.
Đối tác gìn giữ an ninh tại Biển Đông ảnh 1

Thủ tướng Malaysia Najib Razak (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) nhất trí nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược


Tại cuộc hội đàm ngày 25-5 trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản, Thủ tướng Malaysia Najib Razak và Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe đã cùng nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên “Quan hệ đối tác chiến lược”. Phát biểu với báo giới ngay sau hội đàm, Thủ tướng Razak tuyên bố: “Chúng tôi đã quyết định đưa mối quan hệ lên tầm đối tác chiến lược mà chúng tôi tin rằng có thể nâng quan hệ song phương lên một tầm cao hơn”.

Quan hệ đối tác chiến lược Malaysia - Nhật Bản bên cạnh việc thắt chặt hợp tác song phương trong các lĩnh vực như chính trị, kinh tế, đầu tư, du lịch, giao lưu nhân dân… đã nhấn mạnh tới việc hợp tác trong các vấn đề khu vực và toàn cầu. Thủ tướng Razak cho biết, ông cùng Thủ tướng Abe đã chia sẻ quyết tâm tăng cường hợp tác, đặc biệt trong các lĩnh vực hợp tác vì hòa bình và ổn định; đạt được tự do, cởi mở và ổn định trên biển.

Chia sẻ với báo giới mối quan tâm tới việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo thông qua việc tuyên bố chủ quyền đối với các vùng biển tranh chấp trên Biển Đông, Thủ tướng Abe và người đồng cấp Razak hối thúc Trung Quốc và các bên giải quyết tranh chấp và bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế.

Hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Malaysia tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải và trên không ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi ASEAN và Trung Quốc sớm thành lập Bộ quy tắc ứng xử hiệu quả nhằm giảm bớt những xung đột về lãnh thổ và hàng hải tại khu vực này.

Cũng như các quốc gia khác trong khu vực, Malaysia và Nhật Bản không thể không lo ngại trước việc Trung Quốc ráo riết triển khai trên quy mô lớn việc cải tạo hàng loạt bãi đá ngầm và rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông. Theo đó, trong 1 năm qua, Trung Quốc đã cải tạo đất bất hợp pháp trên 7 bãi đá ngầm và rạn san hô thuộc khu vực này, trong đó Đá Chữ Thập đã được mở rộng với quy mô lớn nhất, hiện có diện tích 0,96 km2. 

Việc Trung Quốc đổ hàng chục tỷ USD để biến các đảo đá, rạn san hô ngầm thành đảo nổi có thể dẫn tới những thay đổi hiện trạng hết sức nguy hiểm trên Biển Đông. Điều này có thể thấy rất rõ khi chính Trung Quốc không ngần ngại tuyên bố rằng việc cải tạo các bãi đá này thành “đảo” nổi cũng nhằm mục đích quốc phòng, trong khi giới phân tích cho rằng đó là tiền đề để Trung Quốc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) nhằm khống chế bầu trời Biển Đông, vùng biển mà Bắc Kinh đã đưa ra yêu sách “đường lưỡi bò” 9 đoạn phi lý.

Vùng biển chiến lược đồng thời là tuyến vận tải biển huyết mạch của thế giới một khi biến thành “ao nhà” của Trung Quốc chắc chắn sẽ không chỉ đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh khu vực mà còn ảnh hưởng khôn lường tới lợi ích cốt lõi của các quốc gia khu vực Malaysia hay liên quan mật thiết như Nhật Bản. Nâng cấp lên mức đối tác chiến lược giúp Malaysia và Nhật Bản tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn trong các vấn đề khu vực, đặc biệt là duy trì an ninh và tự do hàng hải tại Biển Đông.