Biến đổi khí hậu liên quan gì đến khủng bố?

ANTĐ - Lâu nay, người ta chỉ nói nhiều đến tác động tiêu cực về mặt kinh tế của biến đổi khí hậu. Ấy thế nhưng, những nghiên cứu mới nhất cho thấy đây lại chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nạn di cư và chủ nghĩa khủng bố.

Báo cáo có tựa đề “Biến đổi khí hậu, sự đánh giá rủi ro” do một nhóm gồm 40 chuyên gia, nhà khoa học và nhà phân tích chính trị, tài chính và quân sự của 11 nước trên thế giới thực hiện và công bố ngày 13-7 khẳng định rằng, sự ấm lên của Trái đất dẫn tới tình trạng khan hiếm nguồn nước và lương thực có thể là nguyên nhân gây ra nạn di cư quy mô lớn, sự tranh giành các nguồn tài nguyên và sự sụp đổ của chính quyền tại nhiều nước, từ đó tạo ra khoảng trống quyền lực “màu mỡ” cho các cuộc xung đột và chủ nghĩa khủng bố.

Dưới tác động của “hiệu ứng nhà kính”, nhiệt độ Trái đất đang nóng dần lên. Các thống kê cho thấy, thế giới liên tục ghi nhận những kỷ lục về nắng nóng trong 14 năm qua, trong đó năm 2014 là năm nóng nhất kể từ khi các chuyên gia bắt đầu thu thập các dữ liệu khí tượng. Tính từ sau Cách mạng công nghiệp cho đến nay, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng thêm 0,8 độ C. Hệ quả là băng tan và mực nước biển toàn cầu đã tăng khoảng 20cm trong một thế kỷ qua. Còn theo dự báo, con số này sẽ là từ 0,3-1,2m tới năm 2100. 

Biến đổi khí hậu liên quan gì đến khủng bố? ảnh 1

Hạn hán khủng khiếp ở châu Phi do biến đổi khí hậu

Nếu điều đó xảy ra, khoảng 150 triệu người có thể bị ảnh hưởng. Hiện tượng nước biển dâng sẽ làm ngập lụt các vùng đất trũng ven biển, bao gồm cả một số thành phố vào loại lớn nhất thế giới. Nguy hiểm hơn, mực nước biển tăng sẽ khiến diện tích đất canh tác bị thu hẹp, đẩy con người, đặc biệt tại các khu vực vốn bất ổn như Trung Đông và châu Phi vốn có dân số tăng nhanh đứng trước nguy cơ các cuộc khủng hoảng lương thực và nước, thậm chí là các cuộc tranh chấp tài nguyên. 

Lương thực và nước ngọt ngày càng khan hiếm, đất đai dần biến mất nhưng dân số cứ tiếp tục tăng. Đây là những yếu tố gây xung đột và chiến tranh giữa các nước và vùng lãnh thổ. Một cuộc xung đột điển hình do biến đổi khí hậu là ở Darfur, phía Tây Sudan. Xung đột ở đây nổ ra khi vùng này trải qua một đợt hạn hán kéo dài, suốt 20 năm chỉ có một lượng mưa nhỏ giọt và thậm chí nhiều năm không có mưa, làm nhiệt độ vì thế càng tăng cao. Theo phân tích của các chuyên gia, các quốc gia thường xuyên bị khan hiếm nước và mùa màng thất bát thường rất bất ổn về an ninh.

Kịch bản tiếp theo là gì? Theo các chuyên gia, di cư sẽ trở thành nhu cầu hơn là sự lựa chọn đối với những người sống ở vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, và tình trạng này được dự báo có thể diễn ra ở diện rộng chưa từng có trong lịch sử. Nạn di cư ồ ạt đương nhiên sẽ gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tại nhiều quốc gia, kể cả tại các nước phát triển và các nước vốn ổn định, do không kịp ứng phó với tình trạng này.

Một nguy cơ nữa là bất ổn chính trị và xung đột tại những nước chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu sẽ tạo thời cơ cho chủ nghĩa khủng bố bành trướng. Những khoảng trống quyền lực là điều kiện lý tưởng cho mầm mống khủng bố và cực đoan bắt rễ và len lỏi tại các nước này, qua đó các phần tử cực đoan dễ dàng chiêu mộ những người dân, vốn bị đẩy ra ngoài rìa xã hội, vào hàng ngũ thánh chiến của mình.

Chưa bao giờ thế giới phải đối mặt với một thử thách như vậy. Biến đổi khí hậu đang gia tăng áp lực lên nhiều quốc gia và ngay cả chính phủ các nước phát triển cũng khó có thể đương đầu với kịch bản khó lường này. Để vượt  qua nó, thế giới cần chung tay cắt giảm lượng khí thải trên toàn cầu, không để lượng khí carbon thải ra cao hơn so với khả năng hấp thụ của Trái đất.