Bệnh nhân bị biến thành "trung tâm sinh lợi"

ANTĐ - Thời gian gần đây, dư luận tại 2 quốc gia phát triển là Mỹ và Australia đã hết sức bức xúc trước những vụ bê bối liên quan đến người mặc áo blouse trắng. Dù cách thức có khác nhau, nhưng chung quy lại vẫn là sự trục lợi, đặt quyền lợi cá nhân, lợi ích nhóm lên hàng đầu mà quên đi sứ mệnh thiêng liêng của người thầy thuốc, coi thường tính mạng, sức khỏe, tài sản của bệnh nhân. 
Bệnh nhân bị biến thành "trung tâm sinh lợi" ảnh 1

Hàng nghìn người Australia bị phẫu thuật không cần thiết

Nghiên cứu của Viện Grattan Institute ở Melbourne cho thấy, khoảng 6.000 bệnh nhân (trung bình 16 người/ngày) đã trải qua các ca điều trị không cần thiết tại các bệnh viện tư và bệnh viện công ở Australia trong năm 2010-2011, với chi phí lên đến 4.400USD. Các ca điều trị không cần thiết được thực hiện trên 6.000 bệnh nhân bao gồm: ca phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng khỏe mạnh trước khi cắt bỏ tử cung, phẫu thuật trám đốt sống lưng và việc sử dụng liệu pháp oxy hyperbaric để điều trị các bệnh như ung thư, các vết thương và vết loét.

Ngoài ra, các bác sĩ đã đặt ống để loại bỏ các mô ở đầu gối của bệnh nhân để điều trị bệnh viêm xương khớp và phẫu thuật phá hủy một dây chằng có chứa các dây thần kinh để điều trị bệnh đau vùng chậu mãn tính.

Tuy nhiên, những ca điều trị này được thực hiện mà không có bằng chứng cho thấy hiệu quả của chúng đối với sức khỏe của bệnh nhân. Trong một số ca điều trị, các bằng chứng lâm sàng cho thấy chúng không hiệu quả. Trong những ca điều trị khác, các nghiên cứu vẫn chưa chứng minh được hiệu quả của chúng đối với sức khỏe bệnh nhân.

Thậm chí nguy hiểm hơn, Giám đốc phụ trách chương trình sức khỏe tại Viện Grattan Institute ông Stephen Duckett cho biết, sau khi được điều trị, một số bệnh nhân đã bị nhiễm trùng trong thời gian nằm viện, khiến họ bị căng thẳng, cảm thấy bất tiện và tốn kém chi phí. Việc thực hiện các ca điều trị không cần thiết còn khiến những bệnh nhân thực sự cần được phẫu thuật và điều trị phải chờ lâu hơn.

“Biến” hơn 500 người khỏe mạnh thành bệnh nhân ung thư

Tình trạng y, bác sĩ trục lợi từ bệnh nhân không chỉ xảy ra ở Australia mà trước đó vào tháng 7 vừa qua, tòa án bang Michigan (Mỹ) tuyên phạt bác sĩ chuyên khoa huyết học - ung bướu Farid Fata (50 tuổi) 45 năm tù giam với 13 tội danh liên quan đến lừa đảo y khoa. Trong đó có tội cho hơn 500 bệnh nhân uống thuốc trị ung thư dù họ không hề cần đến loại thuốc này, thậm chí có cả những người không hề bị bệnh.

Là một bác sĩ ở khu vực Detroit, ông Farid Fata đã chẩn đoán những bệnh nhân trên đang bị ung thư máu giai đoạn cuối và kê toa thuốc đặc trị cho họ. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều người trong số họ không hề mắc ung thư. 553 bệnh nhân đã bị Fata truyền dịch hoặc tiêm thuốc không cần thiết. Fata đã kiếm được hàng chục triệu USD từ việc cố ý kê toa thuốc và liệu pháp điều trị ung thư đắt tiền cho số bệnh nhân này.

Ngoài tội danh trên, Fata còn bị buộc tội âm mưu trả hoặc nhận tiền lót tay và hai tội danh liên quan đến rửa tiền. Các công tố viên liên bang cho biết, Fata bị bắt từ tháng 8-2013 đã bồi thường 17,6 triệu USD mà ông ta hưởng từ các công ty y tế và các doanh nghiệp bảo hiểm tư nhân. “Đối với Fata, bệnh nhân không phải là con người mà họ là các trung tâm thu lợi của ông ta” - các công tố viên gay gắt lên án.

Nhiều bệnh nhân của Fata giờ đây phải sống với những hậu quả do lòng tham của vị bác sĩ biến chất này gây ra, trong suốt quãng đời còn lại. Thậm chí có người vừa phải mang bệnh tật vừa rơi vào cảnh nợ nần chồng chất do phải trả chi phí quá đắt theo phác đồ “điều trị ung thư” của Fata. Geraldine Parkin, vợ một bệnh nhân cũ của Fata nói tại tòa, nhiều người đã bị “tra tấn cho đến hơi thở cuối cùng của họ”. Bệnh nhân Robert Sobieray đến gặp Fata và đã được vị bác sĩ này điều trị bằng hóa chất trong hai năm rưỡi. Nhưng Sobieray không bao giờ bị ung thư.

Hóa trị liệu rất đau đớn khiến Sobieray phát bệnh thực sự. Ông bắt đầu rụng răng và biến dạng xương hàm. Mấy năm sau, sau khi phát hiện mình không bị ung thư, toàn bộ hàm răng của ông chỉ còn một chiếc. “Với tất cả các hóa đơn chồng chất, tôi không thể đủ khả năng để có được một hàm răng mới”, Sobieray nói. Ông chua chát: “Tôi muốn ngày nào đó được ăn một bữa ngon lành. Tôi rất thích ăn salad, cũng như nhiều món ăn tôi rất thích mà không thể ăn được nữa”.

Bệnh nhân nữ Patty Hester đến gặp Fata năm 2010 sau khi được một bác sĩ khác giới thiệu. Lượng bạch cầu của cô thấp trong khi Fata là một chuyên gia huyết học và bác sĩ ung thư nổi tiếng. Hester, từng làm việc trong phòng cấp cứu vào thời điểm đó, đã choáng váng khi Fata nói với cô rằng cô mắc hội chứng tủy xương tăng sinh dị thường (MDS).

“Ông ấy nói tôi cần được hóa trị ngay lập tức”, Hester nhớ lại. Hester nghi ngờ về bệnh của mình, và sau khi tranh luận với Fata, ông ta đã chuyển sang điều trị cho cô bằng chất sắt và cuối cùng là điều trị huyết tương. Cô vẫn tiếp tục điều trị bằng liệu pháp huyết tương tốn kém cho đến ngày các đồng nghiệp gọi cô ra xem tin tức trên tivi: bác sĩ của cô đã bị bắt giữ. Sau này Hester khám lại, cô không bị ung thư!

Trước những vụ việc tai tiếng xảy ra trong ngành Y tế ở một số nước trên thế giới đã đẩy sự bất bình của dư luận lên cao và làm thuyên giảm niềm tin của dân chúng. Thiết nghĩ cũng đã đến lúc cần phải nghiêm túc đặt lại chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ và nhân viên ngành Y. Đúng là việc này khó nhưng rất cần thiết phải làm, cần sớm càng tốt.