Cuộc đời huyền thoại của một người con Hà Nội từng là Bí thư Thành ủy Sài Gòn (bài 2):

Quật cường qua hai “địa ngục trần gian” Sơn La - Côn Đảo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Vì tính chất bí mật, cải trang dưới nhiều nghề nghiệp, nhiều tên gọi, hoạt động ở nhiều vùng khác nhau nên các câu chuyện về nhà cách mạng Nguyễn Hữu Phú/Trịnh Đình Trọng còn không nhiều. Chỉ biết rằng, sách sử chép, vào năm 1941, khi ông Nguyễn Hữu Phú đang là Khu ủy viên phụ trách Hải Phòng thì có một người liên lạc bị địch bắt, bị tra tấn quá dã man, đồng chí này đã khai báo ra nhiều điều. Ông Phú bị bắt tại Hải Phòng và địch mở phiên tòa xử tù chung thân, giam tại Hỏa Lò, Hà Nội. Năm 1942, ông bị đày đi Nhà tù Sơn La. Hai năm sau, ông Phú tiếp tục bị địch đày đi Côn Đảo...
Cuốn sách có những dòng quý giá về sự nghiệp của cụ Trịnh Đình Trọng, tức Nguyễn Hữu Phú

Cuốn sách có những dòng quý giá về sự nghiệp của cụ Trịnh Đình Trọng, tức Nguyễn Hữu Phú

Sách lược ghi công

Trong “địa ngục” Côn Đảo, với khí phách của một nhà nho yêu nước nguyện hiến dâng đời mình cho sự nghiệp cao cả của dân tộc, ông Nguyễn Hữu Phú đã không một giây núng chí. Không chỉ tổ chức các cuộc tuyên truyền về đường lối cứu nước, đấu tranh chống chế độ hà khắc tàn bạo của địch, trong tù, ông Phú cùng đồng đội còn tổ chức “xuất bản” tờ báo “Độc lập” để nâng cao trình độ, giác ngộ các tù nhân khác. Năm 1945, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, tù chính trị ngoài Côn Đảo được thả, đưa vào đất liền, ông Phú cùng 140 người tù yêu nước khác đã ở lại miền Nam tiếp tục hoạt động. Lúc này, ông Phú lấy tên là Trịnh Đình Trọng.

Cuốn “Lịch sử Đảng bộ TP.HCM 1930-1975” (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) viết rõ: “Năm 1946, Thành ủy lâm thời được đồng chí Nguyễn Văn Cúc (Mười Cúc) đứng ra tập hợp lại gồm 3 người: “Đồng chí Trịnh Đình Trọng (Tư Phú) làm Bí thư; đồng chí Nguyễn Thọ Chân (Sáu Khanh); đồng chí Nguyễn Văn Chí (Tư Chí). Đến cuối năm 1946, bổ sung thêm các đồng chí: Liễu Châu, Quế Lâm, Chương Dương, Trần Bạch Đằng, Lê Văn Sở (Ba Già)”.

Trong cuốn “Những chiến sĩ cộng sản hào kiệt trung kiên lưu danh cùng Đảng bộ và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Anh hùng” (do Ban Tuyên giáo Thành ủy xuất bản), các tác giả đã đánh giá cao những đóng góp của nhà cách mạng Trịnh Đình Trọng. “Sau khi Mặt trận số 4 được giao cho đồng chí Dương Văn Dương (Ba Dương) chỉ huy, đồng chí Trịnh Đình Trọng đã ở lại khu vực Tây Nam thành phố hoạt động khôi phục cơ sở Đảng và cơ sở quần chúng. Được sự giúp đỡ của huyện Cần Giuộc (Tân An), Ban Cán sự Đảng đã cho xuất bản tờ Báo “Thông tin kháng chiến”, sau đổi thành tờ báo “Chống xâm lăng”. Sau một thời gian hoạt động, Chi bộ tờ báo “Chống xâm lăng” đã xây dựng được nhiều cơ sở quần chúng và bắt liên lạc với cơ sở cách mạng quan trọng (…). Ủy ban lâm thời Mặt trận Việt Minh vùng Chợ Lớn được thành lập do đồng chí Trịnh Đình Trọng làm Chủ nhiệm”.

“Tháng 4 năm 1947, đồng chí Nguyễn Văn Cúc được Xứ ủy điều về làm Bí thư Thành ủy, đồng chí Trịnh Đình Trọng được rút lên Nam Bộ làm Phó Giám đốc Sở Thông tin Nam Bộ. Công tác ở đây một thời gian, đồng chí được rút lên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ (sau này là Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam)”.

Ông Nguyễn Thành Đồng, con trai nhà cách mạng Nguyễn Hữu Phú

Ông Nguyễn Thành Đồng, con trai nhà cách mạng Nguyễn Hữu Phú

Những dòng hồi ký canh thi hài trong gió lạnh đẫm nước mắt

Đồng chí Trịnh Đình Trọng/Nguyễn Hữu Phú hy sinh từ năm 1951, thời gian khoảng 70 năm đã trôi qua, thế hệ trực tiếp gặp và hoạt động với ông hầu như không còn ai. Con cháu bây giờ, kể cả những người con ruột còn sống, hầu hết cũng đều chưa từng gặp hoặc không nhớ được mặt cha vì ông đi hoạt động bí mật từ lúc các con còn đang bú mớm.

Cũng như gia đình ở quê, những người con phương Nam của ông Trọng rất đỗi tự hào khi được đồng đội của cha đến tận nhà, kể chuyện hoạt động cách mạng xuất sắc của cha mình. Ông Đồng, và vợ ông là bà Thủy thì không thể nào quên những ngày được sự bảo ban của nhà cách mạng, nhà báo nổi tiếng Trần Bạch Đằng. Ông Trần Bạch Đằng còn bảo: “Cha các cháu mới là bậc thầy dạy chúng tôi làm báo”. Bà Hương - người con gái út của ông Phú đến khi ra Hà Nội, được gặp các vị Bộ trưởng, các lãnh tụ uy tín đưa đến nhà ăn cơm và thăm hỏi, bà mới biết cha mình vĩ đại tới cỡ nào.

Nhưng, có một người cách mạng đặc biệt, là ông Nguyễn Mạnh Hồng - một người cùng hoạt động trong Ban Tuyên huấn Trung ương cục Miền Nam với ông Nguyễn Hữu Phú/Trịnh Đình Trọng. Trong hồi ký của mình, ông Hồng đã cung cấp những tư liệu xúc động, chắc chắn là bây giờ thì nó là “độc bản” về cuộc đời đáng ngưỡng mộ của nhà cách mạng Trịnh Đình Trọng.

Ông Nguyễn Mạnh Hồng viết: “Bác Trịnh Đình Trọng là một trong số cán bộ lãnh đạo mẫu mực. Năm 1950, bác được Xứ ủy điều động về làm Ủy viên Ban Tuyên huấn; chuyên về công tác thông tin, tuyên huấn, báo chí, viết sách, viết báo. Đạo đức của bác Trọng đã làm cho hầu hết các cán bộ, nhân viên trẻ như chúng tôi đều kính phục, bác là người suốt đời tận tụy cách mạng. Lần nào nói chuyện, bác cũng đều mặc một bộ đồ quen thuộc, bộ bà ba màu nâu sẫm, đầu hớt cua, trông con người thật giản dị, dễ gần. Tiếp xúc với các chú cần vụ của bác, tôi được nghe kể chuyện lại là trong chiếc ghe tam bản có mui mà bác đi, thường chỉ có vài bao thuốc lá loại bình dân, chai nước tương và một ít trái cây: khi thì một nải chuối, khi thì ai đó cho vài trái cam, trái bưởi hoặc một miếng mít đã xẻ.

Năm 1958, tôi về khu 9 và được sống chung cơ quan với bác. Cùng với Dì Sáu (vợ của bác) và 2 người con còn nhỏ. Dì Sáu kể, bác từ khi vào Nam hầu hết thời gian đều hoạt động cách mạng ở các địa phương rừng sâu nước độc. Bác đã bị sốt rét ác tính kinh niên. Bệnh tật quá nặng đã làm tổn thương chức năng gan.

Khi bác mất, Tổ Ấn loát chúng tôi được phân công luân phiên túc trực bên thì hài. Thi hài bác có một nải chuối dằn bụng, trùm khắp thân bằng một tấm vải đen. Căn nhà hở hang, gió lùa, đèn bị tắt nhiều lần. Bấy giờ, trời lập đông, gió lại thổi mạnh ào ào qua các tàu lá chuối. Chúng tôi phải lấy mền trùm kín cả đầu, chỉ chừa mặt ra gió rét. Càng về đêm, trời càng lạnh. Trong đầu tôi cứ nghĩ miên man về cuộc đời hoạt động, chiến đấu hi sinh đến hơi thở cuối cùng của bác. Tôi ứa nước mắt nghĩ về một con người giản dị và đáng kính.

Tôi đã xúc động mà rơi nước mắt, ngậm ngùi thương tiếc người đã khuất.

Sáng hôm sau, lễ truy điệu bác Trịnh Đình Trọng tại căn nhà này. Có đông đảo các vị lãnh đạo các ban của Trung ương cục, các cán bộ, nhân viên. Bác Nguyễn Văn Nguyễn đọc lời điếu. Những lời lẽ bị ai, thống thiết cho sự qua đời quá sớm của một nhà cách mạng, khiến mọi người đều khóc”.

Bà Nguyễn Thị Minh Hồng, gần 90 tuổi, con gái nhà cách mạng Nguyễn Hữu Phú đang sống ở Hà Nội

Bà Nguyễn Thị Minh Hồng, gần 90 tuổi, con gái nhà cách mạng Nguyễn Hữu Phú đang sống ở Hà Nội

Tri ân một tượng đài của lòng yêu nước

Vì hoàn cảnh xa cách Bắc - Nam trong thời hoạt động cách mạng gian khó, dưới ách thống trị của bè lũ xâm lăng, ông Trịnh Đình Trọng/Nguyễn Hữu Phú còn một người vợ thuở hàn vi, lấy theo phong tục cũ ở quê nhà Tây Mỗ. Cụ có hai người con. Từ khi vào hoạt động bí mật và xây dựng gia đình với cụ Sáu và được thêm 2 người con sống ở phía Nam...

Để có một sự tri ân, về nguồn, hiểu và tôn vinh công lao đẹp hơn huyền thoại của nhà cách mạng lão thành Trịnh Đình Trọng, tên đồng chí được đặt cho một đường phố ở Sài Gòn bây giờ. Ông là niềm tự hào của quê hương Tây Mỗ, “Phủ Hoài Đức”, Thủ đô Hà Nội, TP.HCM và cả nước. Các tờ báo ông đã làm chủ bút, tác nghiệp để thắp ngọn lửa yêu nước diệt thù; các vùng đất mà cụ đã đến để giác ngộ cách mạng rồi hiến dâng cả tuổi thanh xuân, cả tính mạng mình cho sự nghiệp cao cả nhất… - tất cả đều in dấu, lưu bóng hình một tượng đài của lòng yêu nước. Cụ Sáu Vân, sau giải phóng làm Hội trưởng Hội Phụ nữ Quận 5 vẫn đau đáu trở về lo toan cho cái nôi cưu mang cán bộ thuở cam khó, bà vẫn xúc gạo nhà mình đem chia cho người nghèo, nhà cao cửa rộng Nhà nước phân cho gia đình liệt sĩ, lão thành cách mạng… bà cũng từ chối. Đến tận hơi thở cuối cùng, bà vẫn một mực “hy sinh tất cả chỉ quên mình” theo đúng nghĩa.

Bây giờ đi trên con phố dài và đẹp của TP.HCM mang tên “Trịnh Đình Trọng”, thế hệ chúng tôi không khỏi thổn thức nghĩ về một nhà cách mạng lão thành với cuộc đời hơn nhiều huyền thoại. Sau hành trình tìm kiếm, chút tư liệu xúc động đã trình bày ở trên, chỉ là một phần nhỏ, nó như nén tâm nhang để tưởng nhớ một con người khả kính, cụ đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho các giá trị nhân văn cao đẹp vì cộng đồng, vì quốc gia dân tộc. Ông đã sống và ra đi kiêu hãnh, như một tượng đài của lòng yêu nước!