Tiềm năng hợp tác quốc phòng Việt-Mỹ (2):

Việt Nam có thể ưu tiên mua sắm, trang bị vũ khí nào của Mỹ?

ANTĐ - Việc Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam không chỉ mang ý nghĩa biểu trưng rất lớn, mà nó có giá trị thực tế, giúp chúng ta nâng cao sức mạnh quốc phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền và an ninh trên biển.

Việt Nam có thể ưu tiên mua sắm, trang bị vũ khí nào của Mỹ? ảnh 1
Những lợi ích của Việt Nam trong quan hệ hợp tác quốc phòng với Mỹ

Việc quan hệ hợp tác quốc phòng với Mỹ đi vào thực chất cũng giúp Việt Nam có được những lợi ích sau:

Thứ nhất là thuận lợi tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc phòng đa phương hóa, đa dạng hóa.

Việc Mỹ và Việt Nam có thể hợp tác toàn diện trong lĩnh vực quốc phòng sẽ giúp chúng ta có thể dỡ bỏ các rào cản và mở ra cơ hội hợp tác kỹ thuật - quân sự với các đồng minh chủ chốt của Mỹ như Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Canada…

Các loại trang bị, vũ khí của các nước này (có yếu tố công nghệ Mỹ), trước đây Việt Nam không thể mua sắm được thì giờ đã có thể tiếp cận, đồng thời còn có thể mở rộng sang lĩnh vực hợp tác nghiên cứu, phát triển, giúp nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật quân sự của đất nước.

Sau những thành công trong các dự án mua sắm tên lửa bờ đối hạm, radar cảnh giới, vũ khí cá nhân… với Israel; mua sắm tàu chiến của Hà Lan, máy bay tuần thám biển của Canada, dự đoán là trong thời gian tới, hợp tác quốc phòng của Việt Nam với các nước phương Tây sẽ phát triển mạnh hơn nữa.

Việc xây dựng được các mối quan hệ hợp tác quốc phòng đa phương hóa, đa dạng hóa sẽ giúp Việt Nam huy động được sức mạnh quốc tế, biến nó thành nội lực trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, góp phần gìn giữ hòa bình và an ninh trong khu vực.

Sự hiện diện của nhiều cường quốc quân sự như Nga, Mỹ, Nhật… ở Việt Nam cũng như trong toàn khu vực sẽ góp phần làm hạ nhiệt những cái đầu nóng, mưu toan sử dụng sức mạnh quân sự đối với các quốc gia Đông Nam Á, trong tranh chấp chủ quyền trên biển, trên đất liền.

Thứ hai là xây dựng lực lượng thực thi pháp luật trên biển mạnh.

Việt Nam là nước có bờ biển dài chạy dọc suốt bờ phía Tây của Biển Đông, đặc biệt là nước ta có những hải cảng nước sâu như cảng Cam Ranh, có vị trí chiến lược không chỉ đối với Biển Đông và còn cả Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Tàu tuần tra Metal Shark Mỹ sẽ bán cho cảnh sát biển Việt Nam

Xuất phát từ đó, hợp tác trên biển được coi là một nội dung hợp tác trọng tâm trong quan hệ hợp tác quốc phòng - an ninh Việt-Mỹ, đặc biệt là việc xây dựng một lực lượng tàu công vụ, bảo đảm an ninh, an toàn trên biển trong cả khu vực đang được Việt Nam hết sức coi trọng.

Tháng 3-2015, phía Mỹ công bố trao 6 tàu tuần tra cao tốc với các trang bị, phương tiện bảo đảm an ninh biển hiện đại, giúp đỡ Việt Nam vận hành, bảo trì và xây dựng xưởng sửa chữa nhằm tối ưu hóa khả năng hoạt động của các thiết bị này.

Mỹ còn cam kết tiếp tục cung cấp các tàu tuần tiễu cho Việt Nam, đồng thời các nước đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã viện trợ cho Việt Nam một số tàu tuần tiễu để nâng cao khả năng tuần tra dài ngày của lực lượng chấp pháp biển nước ta.

Ngoài ra, các máy bay tuần tiễu tầm xa trên biển, các hệ thống giám sát biển…, cũng là các phương tiện mà Việt Nam đang yếu và thiếu.

Việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí sát thương tuy về bản chất không liên quan gì đến loại trang bị này, nhưng chúng là những trang bị, vũ khí có nền tảng công nghệ cao, không phải nước nào cũng có thể tiếp cận, nếu hai bên đạt đến sự tin tưởng tuyệt đối, thì Việt Nam mới có thể sở hữu các phương tiện tuần tiễu trên biển của Mỹ.

Thứ ba là trợ giúp về đào tạo và huấn luyện lực lượng tham gia các hoạt động quốc tế

Mỹ đã giúp đỡ Việt Nam tổ chức các hoạt động hợp tác đào tạo phi chiến tranh, bảo đảm an ninh hàng hải, tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, gìn giữ hòa bình, giúp hải quân Việt Nam dần dần hội nhập các hoạt động nhân đạo của Liên Hiệp Quốc và hải quân thế giới.

Washington đã cung cấp 18 triệu USD hỗ trợ cho Việt Nam nhằm tăng năng lực triển khai các hoạt động tìm kiếm cứu hộ, ứng phó với thảm họa thiên nhiên và các hoạt động khác, bắt đầu bằng việc huấn luyện nhân lực và cung cấp 5 tàu tuần tra cao tốc cho lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam.

Việt Nam có thể ưu tiên mua sắm, trang bị vũ khí nào của Mỹ? ảnh 3

Tàu khu trục tên lửa USS Curtis Wilbur (DDG-54) lớp Arleigh Burke của Mỹ chuẩn bị cập cảng Đà Nẵng trong một chuyến thăm vào năm 2004

Với việc bình thường hóa quan hệ hợp tác quân sự với Mỹ, hải quân Việt Nam đã có cơ hội tham gia những hoạt động quân sự của các nước phương Tây, ví dụ như cử quan sát viên đến dự cuộc tập trận “Vành đai Thái Bình Dương 2012” (RIMPAC 2012)…

Điều này sẽ giúp Việt Nam tiếp cận những vũ khí trang bị tiên tiến hàng đầu thế giới và chiến thuật tác chiến hiện đại, dần dần hội nhập các hoạt động chung của quân đội các nước trên thế giới, nâng cao vị thế và vai trò của quân đội Việt Nam trong tiến hành các sự vụ quốc tế.

Việc quân đội Nhân dân Việt Nam tích cực hội nhập và tham gia giải quyết các sự vụ quốc tế sẽ nâng cao tính hiệu quả của việc sử dụng quân đội và các hoạt động của quân đội như một cơ cấu và hoạt động ngoại giao, nhằm tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước Việt Nam ra cộng đồng quốc tế.

Bỏ cấm vận, Việt Nam ưu tiên trang bị, vũ khí nào đầu tiên?

Theo các chuyên gia quân sự nước ngoài, nếu Mỹ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí, vấn đề đầu tiên mà Việt Nam quan tâm là các trang bị bảo đảm cho hoạt động an ninh trên biển và phương tiện tuần tra biển từ trên không.

Tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển

Đầu tháng 5 năm 2014, Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) của Việt Nam, đồng thời huy động hàng trăm tàu hải quân, tàu cảnh sát biển, tàu cá… ra bảo vệ.

Với phương châm kiên quyết bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc bằng biện pháp hòa bình, chúng ta đã huy động hàng chục tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư ra ngăn cản, tuyên truyền, vận động lực lượng Trung Quốc hiểu rõ về hành động sai trái này và rút giàn khoan khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Vũ khí âm thanh LRAD 1000 Xi của Mỹ được trang bị trên tàu CSB

Chiến dịch bảo vệ chủ quyền kiên quyết và khôn khéo của Việt Nam những năm qua đã giúp duy trì được hòa bình, ổn định. Nhưng từ các chiến dịch này cũng bộc lộ sự mỏng yếu của lực lượng thực thi pháp luật trên biển của chúng ta.

Do đó, nếu quan hệ hợp tác quốc phòng Việt-Mỹ đạt được sự tin cậy tuyệt đối thì việc xây dựng một lực lượng tàu chấp pháp biển mạnh, trang bị hiện đại sẽ là một nội dung quan trọng nhất đối với Việt Nam trong quan hệ hợp tác quốc phòng Việt-Mỹ.

Trong thời gian tới, Mỹ đã cam kết sẽ cung cấp thêm cho Việt Nam các tàu tuần tra cao tốc và các trang bị, phương tiện bảo vệ an ninh trên biển, ví dụ như Thiết bị phát âm thanh tầm xa (Long Range Acoustic Device - LRAD) - một vũ khí phi sát thương hiệu quả để chống hải tặc và các đối tượng gây mất an ninh, an toàn trên biển.

Hiện các tàu cảnh sát biển của Việt Nam đã được trang bị các hệ thống này. Trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông đang ngày càng phức tạp và nguy hiểm, việc Mỹ giúp Việt Nam tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển là điều rất cần thiết.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đã nhận được một số tàu và sự cam kết tiếp tục viện trợ thêm các tàu cảnh sát biển đã qua sử dụng của Nhật Bản và Hàn Quốc - hai đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở châu Á, nhằm nâng cao nhanh chóng khả năng chấp pháp trên biển.

Tăng cường năng lực tuần tra, giám sát biển

Vấn đề thứ 2 mà Việt Nam đạt làm trọng tâm trong hợp tác quốc phòng với Mỹ là tăng cường năng lực tuần tra, giám sát biển tầm xa, từ trên không. Đây là điều mà Việt Nam đang thiếu, trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang ngày một gia tăng căng thẳng.

Máy bay tuần tiễu chống ngầm P-3C4 Orion của Mỹ

Hiện nay, truyền thông thế giới cho rằng, mối quan tâm hàng đầu của Việt Nam là các máy bay tuần tiễu hàng hải tầm xa có khả năng trinh sát, chống ngầm của Mỹ như P-3C4 Orion hay SC-130J Sea Hercules. Thậm chí, phái đoàn quân sự Việt Nam đã tham quan thực tế các phương tiện này.

Vừa qua, hải quân Mỹ cho biết, một đoàn 6 sĩ quan cao cấp Hải quân Nhân dân Việt Nam và 1 đại diện dân sự Việt Nam được mời bay quan sát trên một máy bay tuần tiễu chống ngầm P-3C Orion thuộc Không đoàn tuần tra 47 (VP-47) có căn cứ ở Kaneoha, Hawaii, vào ngày 13-4-2016.

Mục đích của chuyến bay là nhằm giúp phía Việt Nam nghiên cứu tìm hiểu tính năng kỹ chiến thuật của loại máy bay tuần tra hàng hải và chống ngầm tầm xa này. Theo các sĩ quan Mỹ, đoàn sĩ quan cao cấp Việt Nam thực sự quan tâm đến những tính năng nổi bật của P-3C Orion.

Ngoài ra, vào năm 2015, Hãng tin Anh Reuter cũng thông báo là Việt Nam còn quan tâm đến một loại máy bay có chức năng chống ngầm khác là SC-130J Sea Hercules. Đây là biến thể chống ngầm của loại máy bay vận tải nổi tiếng và rất phổ thông của Mỹ là C-130 Hercules.

Theo truyền thông phương Tây, sở dĩ Việt Nam đưa ra lựa chọn này là do sự xuất hiện ngày càng đông đảo của lực lượng tàu ngầm thông thường và hạt nhân trên Biển Đông, mà các loại máy bay này ngoài chức năng tuần tra hàng hải thông thường, còn có khả năng chống tàu ngầm rất tốt.

Hiện Hải quân Việt Nam chỉ có những phương tiện trinh sát, giám sát biển thông thường, không có khả năng săn ngầm. Do đó, việc sở hữu P-3C4 Orion hay SC-130J Sea Hercules sẽ giúp Việt Nam bảo vệ tốt đường bờ biển dài gần 3.500km và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) có diện tích 1.396.299km2.

Sửa chữa, nâng cấp các vũ khí Mỹ trong biên chế Quân đội Việt Nam

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, song song với việc có thể mua sắm thêm các vũ khí, trang bị tiên tiến như máy bay, tàu chiến, pháo, xe tăng… của Mỹ, Mỹ có thể còn giúp Việt Nam sửa chữa, phục hồi, nâng cấp các trang bị cũ mà Việt Nam đã thu được sau chiến tranh.

Việt Nam vẫn còn sử dụng rất nhiều xe bọc thép M113 của Mỹ

Sau khi dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương, Mỹ có thể cung cấp cho Việt Nam các loại phụ tùng, linh kiện lưu kho, đồng thời trợ giúp kỹ thuật để Việt Nam hồi phục, duy trì hoặc nâng cấp các trang bị vũ khí Mỹ, mà quân đội ta thu giữ được sau năm 1975.

Hiện nay, vẫn có hàng trăm chiếc M113 phục vụ tích cực trong Quân đội Nhân dân Việt Nam mặc dù có những khó khăn về vấn đề phụ tùng. Nếu được dỡ lệnh cấm vận, quân đội Việt Nam sẽ có điều kiện đảm bảo hoạt động chiến đấu tốt hơn cho M113, cũng như nâng cấp chúng thích nghi với chiến tranh hiện đại.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có thể tái sử dụng lại các loại xe tăng, pháo tự hành do Mỹ chế tạo như xe tăng M41, M48, pháo tự hành M107. Dù các loại vũ khí này được chế tạo từ cách đây vài chục năm, nhưng trên thế giới nhiều quốc gia vẫn còn sử dụng chúng.

Trong trang bị không quân, Việt Nam có thể mua được phụ tùng, hoặc đặt hàng nâng cấp trực thăng đa năng UH-1 đang được trang bị hạn chế trong Không quân Nhân Việt Nam (khoảng 12-15 chiếc). Ngoài ra, theo một số tài liệu, không quân Việt Nam còn đang lưu kho nhiều UH-1 chưa phục hồi hoạt động.

Việc Mỹ giúp Việt Nam khôi phục hoạt động và nâng cấp các loại trang bị này, thay vì mua sắm mới sẽ giúp chúng ta tiết kiệm được không ít tiền mà vẫn bảo đảm khả năng tác chiến trong hàng chục năm nữa.

Trong bối cảnh ngân sách quốc phòng của chúng ta rất eo hẹp, nên chỉ ưu tiên một số quân, binh chủng như hải quân, phòng không-không quân, thông tin liên lạc… mua sắm trang bị tiên tiến để tiến thẳng lên hiện đại, có thể nói rằng, hướng đi này là rất đúng đắn.

Các chuyên gia nhận định, việc Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam đã mở ra cơ hội hợp tác lớn cho cả 2 nước. Đây là một bước đi quan trọng trong lộ trình đưa Mỹ và Việt Nam từ “cựu thù” 40 năm trước đây trở thành những “đối tác chiến lược toàn diện” - hai bên cùng có lợi.