Trung Quốc biên chế máy bay tuần tiễu chống ngầm đầu tiên

ANTĐ - Ngày 7-7, Nhật báo Trung Quốc dẫn lời các chuyên gia quân sự cho biết, nước này đã phát triển và đưa vào biên chế dòng máy bay tuần tra chống ngầm hiện đại, giúp tăng cường đáng kể khả năng tác chiến của hải quân.

Theo tờ báo trên, chiếc máy bay trinh sát hàng hải 4 động cơ Gaoxin-6 này đã được bàn giao cho Hạm đội Bắc Hải của hải quân Trung Quốc, khoảng 3 năm sau khi nguyên mẫu của dòng máy bay này lần đầu được công bố vào cuối năm 2011.

Máy bay Gaoxin-6 được Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc phát triển và chế tạo dựa trên dòng máy bay vận tải Y-8, và có thể dễ dàng phân biệt với các phiên bản Y-8 khác bởi hệ thống radar trinh sát hàng hải, gắn ở phía dưới buồng lái.

Với việc đưa vào biên chế chiếc máy bay tác chiến chống ngầm đầu tiên đã đưa Trung Quốc trở thành quốc gia thứ 6 có khả năng phát triển loại máy bay phức tạp này, sau Mỹ, Nga, Nhật Bản, Anh và Pháp.

Máy bay trinh sát chống ngầm Gaoxin-6 của Trung Quốc
Ông Li Jie, một chuyên gia hải quân Trung Quốc cho biết, nước này đã chế tạo máy bay chống ngầm Gaoxin-6 từ tháng 10-2011 với tham vọng xây dựng lực lượng săn ngầm tương tự như máy bay chống ngầm P-3C của Mỹ.

"Nhưng vẫn còn khoảng cách nhất định giữa Gaoxin-6 của Trung Quốc với P-3C của Mỹ, đặc biệt xét về điều kiện và phạm vi do thám", ông Li Jie thừa nhận.

Máy bay tuần tiễu chống ngầm được triển khai nhiều nhất hiện nay là Lockheed P-3C Orion của hải quân Mỹ, loại máy bay thường xuất hiện trong các vụ đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ. Hầu hết các quốc gia đồng minh của Mỹ đều biên chế máy bay P-3C làm nòng cốt trong lực lượng chống ngầm.

Trước đó, truyền thông Trung Quốc đưa tin, máy bay tác chiến chống ngầm Gaoxin-6, với 10 thành viên phi hành đoàn, có khả năng bay tới 6.000km, trong khoảng thời gian hơn 8 giờ liên tục.

“Trước khi biên chế Gaoxin-6, hải quân Trung Quốc chỉ có một số máy bay trinh sát hàng hải SH-5 cũ kỹ và một số trực thăng để triển khai tham gia các hoạt động tác chiến chống ngầm”, ông Wang Ya'nan, Phó tổng biên tập Tạp chí “Kiến thức không gian” của Trung Quốc cho biết.