Triều Tiên trên con đường trở thành cường quốc hạt nhân

ANTĐ - Ngay từ khi Triều Tiên phóng thành công vệ tinh Kwangmyongsong-3 lên quỹ đạo năm 2012, các chuyên gia quân sự đã nhận định, tên lửa đẩy Unha-3 tương đương với một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có tầm phóng 10.000km.

Triều Tiên thử thành công tên lửa đẩy vũ trụ

Vào lúc 10h30 sáng ngày 7-2 (theo giờ Hà Nội), Thông tấn xã trung ương Triều Tiên KCNA đưa tin rằng, tên lửa đẩy vũ trụ của nước này đã phóng thành công, đưa vệ tinh nhân tạo quan sát Trái đất mang tên Kwangmyongsong-4 (Quang Minh Tinh, nghĩa là “Sao Sáng”) vào quỹ đạo an toàn.

Cục Phát triển Hàng không - Vũ trụ Triều Tiên cho biết, vụ phóng tên lửa mang vệ tinh nói trên, nằm trong kế hoạch 5 năm phát triển hàng không vũ trụ quốc gia của nước này.  Vì thế, trong tương lai Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục tiến hành những vụ phóng thử tương tự.

Ban đầu, Triều Tiên tuyên bố sẽ phóng tên lửa trong thời gian từ 8 đến 25-2, nhưng sau đó đẩy nhanh kế hoạch này lên từ ngày 7 đến 14-2. Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) vào ngày 6-2 xác nhận, Triều Tiên đã thông báo thay đổi thời gian phóng nhưng vẫn giữ nguyên quỹ đạo của tên lửa.

Các nước láng giềng của Triều Tiên, bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đã đồng loạt lên án vụ phóng tên lửa này, bởi họ cho rằng thực chất là Bình Nhưỡng đang lợi dụng chương trình không gian vũ trụ để che giấu mục đích thử tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Vụ phóng vệ tinh này của Bình Nhưỡng được cho là hành động nối tiếp thêm căng thẳng trên báo đảo Triều Tiên. Bởi lẽ ngày 6-1-2016 vừa qua, Triều Tiên tuyên bố thử thành công vũ khí nhiệt hạch, có sức công phá lớn gấp hàng ngàn lần so với vũ khí nguyên tử.

Tên lửa Triều Tiên được phóng lên và các địa điểm (khoanh đỏ) mà các tầng tên lửa rơi xuống biển

Seoul và Tokyo lập tức triệu tập phiên họp khẩn cấp của Hội đồng An ninh Quốc gia và đề nghị Liên Hợp Quốc xử lý. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 8-2 đã mở phiên họp khẩn cấp về vụ Bình Nhưỡng phóng tên lửa tầm xa và nhất trí đưa ra một nghị quyết trừng phạt mới với Triều Tiên.

Được biết, tính cả vụ phóng vệ tinh lần này, cho đến nay Bình Nhưỡng đã tiến hành 6 vụ được coi là thử tên lửa tầm xa và liên lục địa. Trong đó 3 lần liên tiếp gần đây được coi là thành công, 3 lần trước là thất bại.

Tên lửa đẩy Triều Tiên tương đương ICBM tầm phóng trên 10.000km

Vào tháng 7-2006, Triều Tiên phóng thử thất bại một tên lửa tầm xa Taepodong-2, đến tháng 4-2009, Bình Nhưỡng phóng tiếp một tên lửa 3 tầng nhưng tên lửa đã rơi xuống biển. Đến tháng 4-2012, một tên lửa đẩy 3 tầng của Triều Tiên phát nổ ngay sau khi được phóng lên.

Tháng 12-2012, Triều Tiên đã phóng thành công tên lửa đẩy 3 tầng Unha-3, đưa thành công vệ tinh Kwangmyongsong-3 vào quỹ đạo. Bộ chỉ huy phòng thủ không gian Bắc Mỹ (NORAD) xác nhận, tên lửa Triều Tiên đã đưa một vật thể "giống vệ tinh" lên quỹ đạo Trái đất.

Tháng 5-2015, Bình Nhưỡng thông báo đã lần đầu tiên thử thành công một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, nhưng thế giới vẫn hoài nghi về tuyên bố này. 2 vụ phóng thử tiếp theo của tên lửa này vào ngày 21-12-2015 (thành công) và 28 (thất bại) đã xác nhận danh tính tên lửa là KN-11.

Triều Tiên ít nhất 1 lần phóng thử thành công tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm KN-11

Về vụ phóng ngày 7-2-2016, phía Nhật Bản xác nhận, tên lửa được phóng đi từ trung tâm vũ trụ Sohae, bãi phóng Dongchang-ri, phía Bắc thủ đô Bình Nhưỡng và bay qua đảo Okinawa, miền nam Nhật Bản.

Bộ phận thứ nhất của tên lửa đã rơi xuống cách bán đảo Triều Tiên khoảng 150 km về phía Tây lúc 7h37. Bộ phận thứ hai và thứ ba rơi xuống phía Tây Nam biển Hoa Đông, cách bán đảo 250 km lúc 7h39. Bộ phận thứ 4 rơi xuống vùng biển Philippines vào lúc 7h45, cách Nhật Bản hơn 2.000 km về phía Nam.

Các nước phương Tây đều cho rằng, các vụ thử vệ tinh của Triều Tiên chỉ là cái cớ để phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa. Quả tên lửa được phóng ngày 7-2 tương đương với ICBM có tầm bay hơn 10.000km và có thể vươn được tới phần lục địa của nước Mỹ.

Triều Tiên phát triển ICBM trên cơ sở tên lửa đẩy

Trên thực tế, phân tích này là hoàn toàn hợp logic. Tên lửa đẩy vệ tinh và tên lửa liên lục địa đều có kết cấu 3 tầng và nguyên lý phóng vượt qua tầng khí quyển trái đất như nhau, các tên lửa liên lục địa cũng hoàn toàn có thể thay thế tên lửa đẩy vệ tinh và ngược lại.

Trên thế giới, ngay cả các cường quốc hàng không vũ trụ như Nga, Mỹ hay Trung Quốc đều phát triển theo hướng lưỡng dụng, công nghệ tên lửa đẩy và tên lửa đạn đạo có thể sửu dụng chúng trong giai đoạn sơ khai.

Năm 1957, Liên Xô phóng lên quỹ đạo vệ tinh đầu tiên của nhân loại Sputnik-1 bằng tên lửa đẩy Sputnik-PS. Đây vốn là mẫu tên lửa chế tạo dựa trên tên lửa đạn đạo liên lục địa R-7 Semyorka. Cho tới tận ngày nay, người Nga vẫn dùng các loại tên lửa đẩy “hậu duệ” của R-7, ví dụ như Soyuz-U.

Tên lửa đẩy của Triều Tiên tương đương ICBM tầm phóng trên 10.000km

Năm 1960, Mỹ đưa vào sử dụng tên lửa đẩy Delta vốn được chế tạo dựa trên tên lửa đạn đạo tầm trung PGM-17 Thor. Thế hệ tên lửa đẩy Atlas của Mỹ cũng được chế tạo dựa trên tên lửa đạn đạo liên lục địa SM-65 Atlas.

Còn thế hệ tên lửa liên lục địa Đông Phong (DF) của Trung Quốc đều có tính năng so sánh tương đương, để thay thế các tên lửa đẩy Trường Chinh, dùng để phóng vệ tinh Bắc Đẩu hay các tàu vũ trụ.

Thực tế Triều Tiên cũng đi theo con đường như vậy, khi phát triển tên lửa đẩy Unha-3 (phóng vệ tinh Kwangmyongsong-3 năm 2012) trên cơ sở tên lửa đạn đạo tầm xa, kết cấu 3 tầng là Teapodong-2, được cho là có tầm phóng trong khoảng 5.000-6.000km.

Dòng tên lửa đẩy Unha-3 có chiều dài 30m, gồm 3 tầng động cơ. Tầng 1 là động cơ nhiên liệu lỏng cháy (trong 120 giây); tầng 2 cũng áp dụng công nghệ động cơ nhiên liệu lỏng (cháy trong 110 giây) và tầng 3 động cơ nhiên liệu rắn cháy trong 40 giây.

Do đó, có thể nhận định rằng, tuy công nghệ tên lửa nhiên liệu lỏng có lạc hậu hơn động cơ nhiên liệu rắn nhưng việc phóng thành công vệ tinh lần 2 lên quỹ đạo, Triều Tiên đã làm chủ được công nghệ tên lửa liên lục địa có tầm phóng ngang với các cường quốc hiện nay như Nga, Mỹ, Trung Quốc...

Triều Tiên đang trên con đường phát triển thành cường quốc hạt nhân

Triều Tiên trên con đường trở thành cường quốc hạt nhân

Triều Tiên có thể đã thử thành công bom nhiệt hạch (bom H), giờ lại thành công với tên lửa đạn đạo liên lục địa để làm vật mang, giống như người đã sở hữu đủ cả “súng” lẫn “đạn”, có đầy đủ cơ sở để hình thành năng lực tấn công hạt nhân tầm xa.

Có thể khẳng định rằng, trong thời gian tới Bình Nhưỡng sẽ nỗ lực đột phá vào công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn nó lên các ICBM, hình thành yếu tố cấu thành đầu tiên và cơ bản nhất của bộ 3 răn đe hạt nhân chiến lược là tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất.

Trong 2 bộ phận còn lại là tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom chiến lược, Triều Tiên gần như không có khả năng chế tạo được máy bay ném bom tầm xa nhưng hiện Bình Nhưỡng đã ít nhất là 1 lần thử thành công tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm KN-11.

Tuy chưa rõ loại tên lửa này đã đạt tầm phóng xa đến bao nhiêu nhưng chắc chắn là nó có thừa khả năng tấn công toàn bộ lãnh thổ của Nhật Bản và Hàn Quốc, đặt tất cả những căn cứ quân sự của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên trong tầm uy hiếp hạt nhân.

Với thành công của 2 dòng tên lửa này, có thể nhận định rằng, Bình Nhưỡng đang trên con đường trở thành một quốc gia sở hữu khả năng tấn công hạt nhân cực kỳ mạnh mẽ, khiến bản đồ phân bố hạt nhân trên thế giới có thể phải điều chỉnh trong thời gian tới.