Triều Tiên phóng đồng loạt 3 loại tên lửa, hệ thống đánh chặn của Mỹ sẽ sụp đổ

ANTĐ - Trong khi tình hình bán đảo Triều Tiên đang ngày một nóng lên, Triều Tiên đã di chuyển rất nhiều bệ phóng tên lửa đến các khu vực khác nhau.

Ngày 10/04, các phương tiện truyền thông Hàn Quốc cho biết, ít nhất là Bình Nhưỡng đã huy động và triển khai 3 loại tên lửa Scud, Nodong và Musudan tại một số địa điểm. Các chuyên gia quân sự phân tích, nếu Triều Tiên đồng loạt phóng 3 loại tên lửa này từ các địa điểm khác nhau vào các căn cứ quân sự Mỹ và lãnh thổ 2 nước Nhật Bản, Hàn Quốc thì các hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ bị rối loạn.

Dàn tên lửa Scud-D của Triều Tiên có tầm bắn 500km

Ngày 10/04, quân đội Hàn Quốc cho biết, ngoài 2 quả tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan, Triều Tiên đã bố trí hàng loạt các bệ phóng cơ động tên lửa tầm gần Scud và tên lửa tầm trung Nodong-1 ở phía bắc Wonsan thuộc dải bờ biển phía đông biển Nhật Bản.

Nếu Triều Tiên phóng đồng loạt 3 loại tên lửa này vào các căn cứ quân sự Mỹ và lãnh thổ 2 nước Nhật Bản, Hàn Quốc thì sẽ gây rất nhiều khó khăn cho các hệ thống radar cảnh báo sớm và các hệ thống tên lửa đánh chặn.

Tên lửa tầm gần Scud với tầm bắn 300 - 500km có khả năng bao trùm toàn dải biên giới Hàn Quốc, tên lửa tầm trung Nodong-1 với tầm bắn 1300km, lại có khả năng mang theo các đầu đạn hạt nhân thu nhỏ, có phạm vi tấn công hầu hết lãnh thổ Nhật Bản, còn tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan có tầm bắn trên 3000km sẽ vươn tới tận đảo Guam, gây ra sự uy hiếp rất lớn đối với Mỹ.

Nếu quả thực Triều Tiên có khả năng chỉ huy và điều khiển hợp đồng phóng đồng loạt 3 loại tên lửa từ nhiều địa điểm phóng rải rác ở nhiều địa phương vào các vùng lãnh thổ khác nhau thì hậu quả sẽ khó mà lường hết được.

Tên lửa đạn đạo tầm trung Nodong-1 (Rodong-1)

Mật độ, cự ly, thời điểm phóng và tính đa phương hướng, đa chủng loại của tên lửa sẽ làm các hệ thống radar X-band mà Mỹ đã triển khai ở khu vực này quá tải dẫn đến tê liệt, khiến cho các hệ thống tên lửa THAAD, PAC-3 và tàu khu trục Aegis trở nên vô dụng.

3 loại tên lửa có tầm bắn khác nhau hình thành 3 lớp tấn công tầm gần, tầm cận trung và tầm trung, cận xa sẽ hình thành một lưới hỏa lực tấn công phạm vi khác nhau có sự đan xen và hội tụ về hỏa lực, vừa có thể tiêu diệt mục tiêu tầm gần vừa tấn công các mục tiêu tầm xa.

Mật độ tên lửa dày đặc trong 1 thời điểm có thể làm các hệ thống đánh chặn không biết lựa chọn mục tiêu nào để tấn công. Hơn nữa, tính đa phương vị và đa chủng loại của tên lửa cũng làm các hệ thống đánh chặn không thể tính toán được hướng tấn công và quỹ đạo bay của tên lửa.

Tên lửa đạn đạo tầm trung, cận xa Musudan

Nếu Triều Tiên có khả năng này thì chứng tỏ khả năng chỉ huy, hiệp đồng, điều khiển và tự động hóa trong một mạng lưới tấn công của họ đã đạt đến một trình độ rất cao, lúc này, các hệ thống phòng thủ tên lửa ít ỏi của Mỹ - Nhật - Hàn sẽ dễ dàng bị rối loạn và vô phương đánh chặn. Còn nếu họ chỉ có khả năng tấn công đơn điệu thì dù có bắn nhiều đến đâu cũng không gây được khó dễ cho đối thủ.