Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 Nga: Tin xấu liên tiếp đến với Mỹ - NATO và Liên minh châu Âu

ANTD.VN - Sau khi xuất hiện thông tin Thổ Nhĩ Kỳ muốn mua hệ thống phòng không S-300VM của Nga, giới chức lãnh đạo nước này đã xác nhận, hai bên đang đàm phán về thương vụ S-400.

Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mua hệ thống phòng không S-400 Nga

Những thông tin “xấu” liên tiếp đến với Mỹ-NATO và Liên minh châu Âu khi một thông tin gây chấn động được giới chức lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra là Ankara đang đàm phán với Moscow về việc xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa chung.

Theo đó, vào ngày 18/11, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ là ông Fikri Isik chính thức xác nhận, nước này đang đàm phán với phía Nga để mua các hệ thống tên lửa phòng không tầm cao, tầm xa là S-400 Triumf, chứ không phải là hệ thống S-300MV Antey 2500.

Trước đó, vào hồi đầu tháng 10-2016, phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là ông Ibrahim Kalyn cũng tuyên bố rằng Moscow và Ankara đang hoạch định chi tiết về khả năng hợp tác trong dự án tạo dựng hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ.

"Công việc về hệ thống phòng thủ tên lửa của Thổ Nhĩ Kỳ đang được tiếp nối. Chúng tôi xúc tiến đàm phán không chỉ với Nga về S-400, mà còn cả với những nước trong khối liên minh NATO đang sở hữu các hệ thống phòng không chúng của khối” - ông Kalyn nói.

Đại diện của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, mục đích cuối cùng của nước này là xây dựng hệ thống phòng không mạnh mẽ, đồng thời cũng khẳng định quan điểm của chính quyền Erdogan là sẽ quyết tâm mua sắm các hệ thống phòng không của Nga.

Được biết, vào cuối năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ đã hủy bỏ kết quả gói thầu mua sắm thuộc “Dự án tên lửa phòng không/phòng thủ tên lửa T-Loramids” của nước này, với tổng giá trị lên tới 3,5 tỷ USD, nhằm trang bị cho 4 lữ đoàn, gồm ít nhất bao gồm 12 tổ hợp phóng.

Tạp chí quốc phòng Anh Jane’s Defence Weekly cho biết, gói thầu này được Thổ Nhĩ Kỳ công bố năm 2009.

Thổ Nhĩ Kỳ đang đàm phán mua hệ thống phòng không S-400 Nga

Tham gia đấu thầu có tập đoàn Raytheon và Lockheed Martin của Mỹ với hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa Patriot-3 (PAC 3), Tập đoàn Eurosam của Italia chào bán hệ thống SAMP/T Aster-30, Công ty xuất nhập khẩu cơ giới chính xác Trung Quốc (CPMIEC) dự thầu hệ thống phòng không Hồng Kỳ 9 (HQ-9) và tập đoàn Rosoboronexport của Nga đề xuất hệ thống S-300VM Antey 2500.

Theo kết quả công bố chính thức vào tháng 9/2013, HQ-9 của CPMIEC đã thắng thầu với mức giá 3,4 tỷ USD và các điều kiện ưu đãi về chia sẻ công nghệ. Nhưng sau đó, do sức ép của Mỹ-NATO, Ankara đã buộc phải hủy bỏ gói thầu này vào tháng 11/2015 và tái triển khai gói thầu mới.

Với công bố mới nhất của giới chức lãnh đạo Ankara, việc nước này mua sắm S-400 của Nga là điều không còn gì phải tranh cãi. Điều này không chỉ có ý nghĩa về quân sự mà còn thể hiện những biến chuyển rất lớn về chính trị, ngoại giao và kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ.

Những hệ quả đối với Mỹ-NATO và Liên minh châu Âu

Các chuyên gia quân sự phương Tây đã nhiều lần cảnh báo, các tham số kỹ thuật của các hệ thống phòng không Nga không tương thích với tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu. NATO sẽ không tiết lộ các tham số bảo mật cho Nga, bởi nó đe dọa trực tiếp đến lá chắn tên lửa Mỹ ở châu Âu.

NATO ra “tối hậu thư”, nếu Ankara nhất quyết mua tên lửa Nga thì chúng sẽ không bao giờ được phép tích hợp vào hệ thống phòng không theo tiêu chuẩn của khối này, hơn nữa, chúng cũng không thể sử dụng chung dữ liệu của nhiều phương tiện cảnh báo sớm của Mỹ-NATO.

NATO cảnh báo, điều này sẽ làm suy yếu nghiêm trọng hệ thống phòng thủ quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Tổng thống Erdogan đã ra “tối hậu thư ngược” bằng việc mua luôn hệ thống S-400 và xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa chung với Nga.

Mua S-400 gắn liền với việc Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày càng rời xa NATO và EU, xích lại gần Nga

Nếu điều này xảy ra, rất có thể là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị khối này cô lập, dẫn tới việc nước này ly khai khỏi NATO, đồng nghĩa với việc quan hệ với Mỹ và các đồng minh thuộc Liên minh châu Âu cũng bị cắt đứt.

Ankara đã ký hiệp ước liên kết với EU từ năm 1963, nộp đơn xin gia nhập vào năm 1987 và chính thức đàm phán từ năm 1999, nhưng từ đó đến nay, châu Âu vẫn từ chối thỉnh cầu này bởi họ cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ còn xa mới đạt đến tiêu chuẩn “Tự do, Dân chủ và Nhân quyền” kiểu phương Tây.

Trong bối cảnh quan hệ với Nga đang ngày càng khăng khít, Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa hai nước ký kết vào năm 2017 sẽ mở đường cho cho Thổ Nhĩ Kỳ đạt thỏa thuận tương tự với các nước thuộc Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) do Nga lãnh đạo (gồm có Nga, Armenia, Kyrgyzstan, Kazakhstan và Belarus).

EAEU về bản chất là một Liên minh cả về chính trị, quân sự và kinh tế. Nếu gia nhập khối này, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có địa vị chính trị tương xứng và lợi ích kinh tế to lớn vào đúng thời điểm 100 năm lập quốc (2023). Và điều đó có thể đặt dấu chấm hết cho việc nước này xin gia nhập EU.

Khúc mắc lâu dài với Mỹ trong vấn đề người Kurd cùng với những mâu thuẫn trầm trọng mới phát sinh sau cuộc đảo chính ngày 15/7 vừa qua đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ quay lưng với Mỹ, bắt tay với Nga, đồng thời điều chỉnh xu hướng đối đầu thành đối thoại với chính quyền Syria, Iran và Israel.

Ankara đã quay sang ủng hộ chính sách của Nga trong vấn đề Syria, gây khó cho cuộc chiến chống chính quyền Bashar al-Assad ở Syria và cản trở “chiến lược gây rối loạn để trị” của Mỹ ở Trung Đông, khiến Mỹ có thể thất bại trước Nga trong ván cờ địa-chính trị ở khu vực này.

Do đó, việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 Nga không chỉ mang ý nghĩa đơn thuần về mua sắm một loại vũ khí, mà nó là sự thể hiện xu hướng điều chỉnh xu hướng chính trị và quan hệ ngoại giao của đất nước, theo hướng rời xa Mỹ-NATO là Liên minh châu Âu.