S-400 Triumf đến Latakia, Nga có lập vùng cấm bay ở Syria?

ANTĐ - Sau khi Nga tuyên bố đưa hệ thống phòng không S-400 đến Syria, kênh truyền hình CNN của Mỹ vừa nêu lên một giả thuyết mà hiển nhiên là Mỹ-NATO và Thổ Nhĩ Kỳ không lấy gì làm vui vẻ, đó là việc Nga sẽ kiểm soát bầu trời Syria.

Trong chương trình truyền hình tối 25-11, kênh truyền hình Mỹ CNN đã nêu một kịch bản là sau khi các hệ thống phòng không S-400 Triumf tối tân của Nga đến Syria, từ giờ về sau, bất kỳ máy bay nào ra vào không phận Syria sẽ phải có sự cho phép của Moscow.

Tổng thống Nga Putin vừa phê duyệt kế hoạch của bộ quốc phòng nước này về việc triển khai các tổ hợp tên lửa đất đối không S-400 tới Syria. Với tầm phóng lên tới 400km, nó có khả năng kiểm soát toàn bộ không phận của quốc gia Trung Đông này.

Bình luận viên của CNN cho rằng, rất có thể là sau này, các máy bay chỉ có thể ra vào không phận Syria, sau khi được sự cho phép của Moscow, bất kể đó là Mỹ, NATO hay Thổ Nhĩ Kỳ. Những chiến đấu cơ của liên minh quân sự do Mỹ cầm đầu sẽ không còn tự do bay lượn trên đất Syria.

Trên thực tế, kênh truyền hình này đã đề cập đến một vấn đề đang được các chuyên gia quân sự bàn luận sôi nổi, là liệu Nga có lập “vùng cấm bay” ở Syria hay không, sau sự kiện máy bay Su-24 bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi, khiến nước này nổi giận và quyết định điều các hệ thống phòng không tối tân đến Syria.

Nga quyết định triển khai hệ thống phòng không tiên tiên nhất của mình là S-400 đến Syria

Với tầm phóng tối đa 400km, hệ thống S-400 được triển khai ở sân bay Hmeymim-Latakia có phạm vi bao phủ rất rộng, phía bắc lấn sâu vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ, phía tây vươn xa Địa Trung Hải, bao trùm căn cứ không quân Anh ở đảo Síp; phía đông vươn tới biên giới với Iraq, phía nam bao trùm khu vực biên giới với Israel.

Ngoài hệ thống phòng không S-400, Nga cũng đã triển khai hệ thống phòng không S-300, Buk-M2 ở Latakia.

Bên cạnh đó, ông Putin cũng ra lệnh điều tuần dương hạm Moskva, được trang bị 64 quả tên lửa tầm xa thuộc hệ thống S-300F - một phiên bản trên hạm của hệ thống S-300 không quân. Tuần dương hạm này có cơ số tên lửa tương đương biên chế 1 tiểu đoàn phòng không S-300.

Cùng với phạm vi tấn công 400km của S-300, các tên lửa S-300PMU2 với tầm phóng 200km và S-300F với tầm phóng 150km, cùng với các tên lửa Buk-M2 (tối đa 50km) và hệ thống phòng không tầm gần Pantsir-S sẽ biến khu vực này thành một pháo đài phòng không rất mạnh.

Đặc biệt là với việc Latakia chỉ cách biên giới Syri-Thổ Nhĩ Kỳ 50km, các hệ thống phòng không S-400 có thể thọc sâu vào lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ 350km (S-300 là 150km), bao phủ toàn bộ phía nam nước này, có tác dụng răn đe các hành động gây nguy hại cho chiến đấu cơ Nga.

Tuần dương hạm Moskva của Nga được trang bị hệ thống phòng không S-300F, tầm phóng 150km

Nếu lập vùng cấm bay, chỉ cần Nga triển khai 2 tiểu đoàn S-400 ở Latakia và Damascus, mỗi tiểu đoàn 12 xe phóng với cơ số đạn 48 quả (và các xe đạn dự trữ), hợp với các hệ thống phòng không S-300 và Buk là đủ biến Syria thành pháo đài phòng không bất khả xâm phạm.

Các chuyên gia quân sự Nga cho rằng, sau sự kiện chiếc máy bay ném bom tiền tuyến Su-24 bị máy bay tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ - một quốc gia NATO - bắn rơi, Moscow nghi ngờ Ankara đã cố tình khiêu khích, những mối nguy hiểm đến các máy bay Nga là hiện hữu.

Nếu để tình trạng này tái diễn, lực lượng Nga vốn đã ít ỏi ở Syria sẽ lâm vào tình trạng hao mòn, phi công hoang mang, dư luận trong nước cũng sẽ dần xuất hiện những ý kiến phản đối can thiệp quân sự vào Syria. Do đó, Moscow sẽ cứng rắn hơn với NATO, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian tới.

Các chuyên gia dự đoán là rất có thể Moscow sẽ hối thúc Damascus đưa ra một đề xuất, nhờ Nga hỗ trợ nước này thành lập vùng cấm bay hoặc trợ giúp bảo vệ không phận, nhằm loại bỏ sự hiện diện của liên quân Mỹ ở Syria, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc chiến chống IS và các phe nhóm đối lập do phương Tây hậu thuẫn.