Phát hiện đường hầm xuyên biên giới Nga - Trung từ Thế chiến II

ANTĐ - Các chuyên gia đánh giá, đường hầm nối dài từ Trung Quốc đến Nga là một trong những hành lang bí mật quan trọng để trao đổi thông tin tình báo giữa hai quốc gia, trong cuộc chiến chống lại Nhật Bản từ Thế chiến II.

Dù đã tồn tại gần một thế kỷ, nhưng mới đây các nhà khoa học mới phát hiện đường hầm dài nằm trên biên giới giữa Trung Quốc và Nga. Theo tờ Siberian Times, đường hầm này do quân đội Đông Bắc, một lực lượng du kích Trung Quốc chống nhà nước Mãn Châu của Nhật, xây dựng vào khoảng năm 1930 và đưa vào sử dụng 3 năm sau đó.
Phát hiện đường hầm xuyên biên giới Nga - Trung từ Thế chiến II ảnh 1Đường hầm bí mật nằm trên biên giới Nga - Trung

Sau khi Mãn Châu được giải phóng bởi quân đội Liên Xô năm 1945, để tưởng nhớ sự kiện này, người ta đã cho xây dựng bảo tàng quân sự Dunnin gần núi Shenhunshan.

Trong một chuyến thăm đến Triều Tiên vài năm trước, ông Van Tszunzhen, một nhân viên của bảo tàng Dunnin đã tiết lộ về sự tồn tại của một đường hầm bí mật trong khu vực Mãn Châu. Đường hầm quan trọng này chính là kết quả của cuộc tìm kiếm kéo dài nhiều năm trời.

Theo trang web của kênh truyền hình National Geographic, đường hầm bí mật nối giữa thị trấn Dunnin thuộc tỉnh Hắc Long Giang với tỉnh Primorye, thuộc Viễn Đông của Nga (cách thành phố Ussurisk 55 km, cách thành phố Vladivostok 153 km).

Không chỉ là con đường vận chuyển các nhu yếu phẩm cần thiết mà đường hầm còn là hành lang bí mật quan trọng để trao đổi thông tin tình báo giữa nhóm trinh sát Trung Quốc và Mặt trận Viễn Đông của Liên Xô nhằm chống lại Nhật Bản. Nó đã góp phần rất lớn vào thắng lợi của cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.