Pakistan trở thành nơi thử nghiệm tàu ngầm cho Trung Quốc?

ANTĐ - Tạp chí bình luận quân sự “Kanwa Defence Review” số ra tháng 6-2015 cho biết, người phụ trách Nhà máy đóng tàu Karachi của Pakistan đang chuẩn bị lắp đặt dây chuyền chế tạo tàu ngầm thông thường, động cơ AIP S-20 của Trung Quốc.

Đây là lần đầu tiên giới chức công nghiệp quốc phòng Pakistan chính thức xác nhận khả năng tàu ngầm S-20 - phiên bản xuất khẩu của tàu ngầm Type 039A (phương Tây coi thuộc Type 041), được Trung Quốc xuất khẩu cho nước này, cùng với việc chuyển giao công nghệ chế tạo.

Theo nguồn tin, việc đàm phán các điều khoản cuối cùng của hợp đồng này đang được hải quân Pakistan tiến hành với đối tác Trung Quốc. Tuy chưa xác định được thời gian ký kết hợp đồng chính thức nhưng dự kiến nó có thể sớm được tiến hành trong thời gian tới.

Pakistan hiện đang vận hành 5 chiếc tàu ngầm do Pháp chế tạo bao gồm 3 chiếc tàu ngầm Agosta 90B lớp Khalid được mua trong những năm 1990 và 2 chiếc tàu ngầm Agosta 70 lớp Hashmat được chế tạo từ cuối những năm 1970.

Năm 2009, Pakistan đã tìm mua 3 chiếc tàu ngầm Type 214 của Đức nhưng thỏa thuận này đã bị trì hoãn do chi phí cao, được cho là hơn 2 tỷ USD vào thời điểm đó. Vì vậy, nước này đã khởi động chương trình mua sắm tàu ngầm Trung Quốc có “tính năng cao, giá rẻ”.

Ngay từ năm ngoái, truyền thông Trung Quốc và Pakistan đã đưa tin, 2 nước đã hoàn tất quá trình đàm phán thương vụ mua sắm 6 tàu ngầm AIP S-20, bao gồm 2 chiếc được chế tạo ở Trung Quốc, 4 chiếc còn lại được chế tạo ở Pakistan. Tuy nhiên, Hiệp định vẫn chưa được ký kết, 2 bên vẫn chưa đưa ra tuyên bố gì.

Tàu ngầm Type 041, lớp Nguyên của hải quân Trung Quốc

Theo tin cho biết, yêu cầu về công nghệ của phía Pakistan về 4 chiếc S-20 này là rất cao. Hải quân nước này đã đề nghị nhà thầu Trung Quốc sửa đổi thiết kế để tích hợp các hệ thống chỉ huy, kiểm soát hỏa lực và các hệ thống vũ khí công nghệ cao, trỏng đó có cả những tên lửa hành trình do nước này tự sản xuất.

Được biết, tàu ngầm S-20 của Trung Quốc là phiên bản xuất khẩu của tàu ngầm Type 039A, lớp Nguyên của hải quân Trung Quốc (được phương Tây định danh thuộc Type 041). Đây là loại tàu ngầm được Trung Quốc lắp đặt động cơ AIP tự chế tạo trong nước, có tham khảo thiết kế tàu ngầm Kilo của Nga.

Theo thông tin từ các trang mạng Trung Quốc, S-20 có lượng giãn nước khi nổi là 1.850 tấn và lượng giãn nước khi chìm là 2.300 tấn với tốc độ lặn tối đa là 18 hải lý/giờ. Tàu có tầm hoạt động có thể lên đến 8.000 hải lý ở tốc độ trung bình 16 hải lý/giờ và có thể mang theo 38 thủy thủ trong vòng 60 ngày. Tàu ngầm S20 có thể lặn sâu tối đa tới 300m.

Tàu được trang bị 6 ống phóng ngư lôi tiêu chuẩn 533mm, phiên bản Trung Quốc được trang bị tên lửa hành trình chống hạm phóng từ tàu ngầm loại YJ-84, phiên bản Pakistan chưa rõ loại tên lửa gì.

Tuy tàu ngầm S-20 được Trung Quốc ca ngợi là có tính năng vượt trội các tàu ngầm Kilo của Nga, nhưng các chuyên gia quân sự đánh giá rằng, công nghệ tàu ngầm của Trung Quốc còn cách các nước tiên tiến rất xa, tàu ngầm nước này có độ ồn cao, rung lắc lớn, rất dễ bị phát hiện bởi các loại sonar chống tàu ngầm.

Tàu hộ vệ tên lửa lớp F-22P (Zulfiquar) của hải quân Pakistan

Hiện nay, tuy đã vỗ ngực tự cho là chế tạo thành công hệ thống động lực không cần không khí AIP nhưng việc hải quân Trung Quốc vẫn đòi mua tàu ngầm AIP lớp Lada, project 677 của Nga cho thấy, hải quân nước này vẫn không yên tâm với các tàu ngầm quốc nội, nói gì đến khả năng xuất khẩu tàu ngầm AIP?

Bởi vậy, nhiều người đánh giá việc Pakistan mua sắm các tàu ngầm S-20 “tính năng hàng đầu thế giới, với hệ thống động lực AIP tiên tiến” chẳng qua là được cái vỏ. Hải quân Pakistan có thể biến thành “kẻ thử nghiệm công nghệ tàu ngầm” cho hải quân Trung Quốc.

Dựa trên thiết kế cải tiến của S-20, được thử nghiệm thực tế “miễn phí” của hải quân Pakistan, Trung Quốc có thể điều chỉnh thiết kế và hoàn thiện các tàu ngầm thông thường, sử dụng hệ thống động lực AIP của mình, còn hải quân Pakistan có thể lãnh hậu quả từ những tàu ngầm không kiểm chứng về chất lượng của Bắc Kinh.

Vừa qua, hải quân Pakistan đã tiếp nhận 4 chiếc tàu hộ vệ tên lửa lớp F-22P do Trung Quốc chế tạo. Từ quá trình đàm phán, cho đến khi tiếp nhận tàu là gần 15 năm. Hải quân nước này còn có kế hoạch đóng 4 tàu thuộc phiên bản nâng cấp, tại các nhà máy trong nước.
Nhà máy đóng tàu Karachi của Pakistan hy vọng rằng sẽ giành được gói thầu đóng 4 chiếc loạt cuối. F-22P là lớp tàu hộ vệ được Trung Quốc chế tạo trên cơ sở tàu hộ vệ tên lửa Type 053H3, lớp Giang Vệ II, xuất khẩu sang Pakistan và được nước này định dang là Zulfiquar.