Nga "thách thức" NATO khi bán hệ thống phòng không S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ?

ANTD.VN - Thông tin Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đạt thỏa thuận chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-400 Triumf đã thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế. Chuyên gia Nga vừa lý giải tại sao Nga lại bán S-400 cho một quốc gia thành viên NATO.

Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ Nga – ông Maxim Shepovalenko – chỉ ra rằng, Moscow đồng ý bán hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-400 Triumf cho Ankara là một động thái quan trọng để quốc gia thành viên NATO này tự chủ hơn trong khối liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu.

Theo nhà phân tích quốc phòng trên, thậm chí Nga còn muốn giúp Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một thành viên “tự trị hơn” trong NATO, để Ankara không phải một mực “phục tùng” những chính sách của liên minh quân sự này – vốn chịu sự ảnh hưởng rất lớn của Mỹ - mà họ hoàn toàn có thể cất tiếng nói phản biện khi cần thiết.

S-400 Triumf có vai trò chiến lược, bên cạnh khả năng phòng không tiên tiến bậc nhất

“Một hệ thống phòng không sẽ giúp tăng đáng kể ‘trọng lượng’ chủ quyền. Cho tới giờ, Thổ Nhĩ Kỳ đang là thành viên có tính tự trị cao nhất của NATO, và cũng là nước duy nhất không tự động đi theo sự dẫn dắt của Mỹ”, ông Shepovalenko bày tỏ.

Những bình luận trên của ông Shepovalenko được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Thổ Nhĩ kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố họ và Nga đã đạt được thỏa thuận mua bán hệ thống S-400 Triumf và hiện 2 bên đang đàm phán về việc sản xuất chung cũng như giá cả.

Các quan chức cấp cao phía Nga cũng đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, vai trò thành viên NATO của Thổ Nhĩ Kỳ không phải là vấn đề khi họ bàn về thỏa thuận nói trên.

Đáng chú ý, chuyên gia Shepovalenko chỉ ra rằng quá trình đàm phán của Ankara với Moscow mang đậm phong cách chính sách đối ngoại của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

“Một hệ thống phòng không không phải là một chiếc xe tăng hay tàu hơi nước. Đây là một trong những hệ thống vũ khí có độ chính xác cao nhất. Không nhiều nước có khả năng sản xuất loại vũ khí như vậy. Ngoài Nga, còn có Mỹ, châu Âu và Israel là các nhà sản xuất được hệ thống phòng không. Còn lại đều chỉ sao chép lại các mẫu có sẵn. Do vậy, có thể thấy cách Ankara đàm phán mang đậm phong cách chính sách đối ngoại của ông Erdogan, đó là luôn cân bằng 2 phía”, chuyên gia Shepovalenko phân tích.

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu đàm phán về thương vụ S-400 từ năm 2016. Vào tháng 3 năm nay, Giám đốc điều hành Sergey Chemezov của doanh nghiệp quốc phòng nhà nước Nga Rostec xác nhận rằng, Ankara đã sẵn sàng mua S-400 nếu như phía Moscow đồng ý cho vay một khoản.

Tổng biên tập trang Xuất khẩu Vũ khí (AE) – ông Andrei Frolov – nhấn mạnh thêm rằng, thương vụ trên sẽ không làm thay đổi tình trạng cân bằng sức mạnh trong khu vực, vì S-400 là một loại vũ khí phòng thủ.

Hệ thống phòng thủ S-400 Triumf (NATO gọi là SA-21 Growler) do nhà thầu quốc phòng Almaz-Antey phát triển, và Cục Thiết kế Xây lắp Máy Fakel sản xuất. Hệ thống này có thể ngăn chặn tất cả vũ khí hiện đại trên không, kể cả chiến đấu cơ thế hệ thứ 5, cũng như các loại tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình ở tầm bắn tối đa gần 250 dặm.

Hình ảnh đồ họa mô tả khả năng của S-400 Triumf, với nhiều loại mục tiêu có thể đánh chặn: