NATO không đủ sức chống tàu ngầm Nga?

ANTĐ -Trong suốt thời Chiến tranh lạnh, khả năng chống tàu ngầm luôn được coi là ưu tiên hàng đầu của phương Tây. Tuy nhiên, sau khi Liên-xô sụp đổ, khả năng này đã bị thui chột và một nghiên cứu mới vừa chỉ ra rằng, có thể thể lực lượng hiện nay của NATO không thể chống lại hạm đội tàu hải quân Nga.

K-560 Severodvinsk lớp Yasen là một trong những loại tàu ngầm hiện đại nhất của Nga, có  khả năng đạt tới tốc độ 35 hải lí/h. Nó có các thiết bị giảm thiểu tiếng ồn và tác chiến điện tử hiện đại, cũng như trang bị tên lửa hành trình, tên lửa chống hạm, thủy lôi, mìn.

Tàu ngầm Nga đang mạnh lên trong khi NATO lại lơ là trong vấn đề chống ngầm

Theo trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS), K-560 Severodvinsk là ví dụ rõ ràng cho thấy khả năng chống ngầm của NATO đang bất lực thế nào trước hải quân Nga. 

“Sự tổ chức, mối quan hệ, khả năng tình báo và sức mạnh tấn công nhanh của mạng lưới chống ngầm của NATO trên Bắc Đại Tây Dương và biển Baltic giờ không còn nữa. 2 điều đã xảy ra, một là tàu ngầm của Nga đã hoạt động ngày càng yên tĩnh hơn và 2 là chúng ta đã không còn quan tâm đến khả năng chống nhầm của mình như trước”, nhà lịch sử hải quân Norman Polmer nhận định với trang Breaking  Defense. 

Các hệ thống chống ngầm bao gồm các thiết bị được đặt chìm dưới nước, máy bay tuần tra tầm xa, tàu ngầm và tàu nổi. 

Mỹ có hạm đội lớn nhất NATO nhưng do chính sách xoay trục về phía châu Á, nên lực lượng chống ngầm triển khai đến châu Âu là không nhiều. Pháp có hạm đội hải quân mạnh nhất châu Âu tuy nhiên lại quá tập trung vào Địa Trung Hải mà lơ là khu vực Baltic cũng như Bắc Đại Tây Dương.

CSIS nhấn mạnh rằng, nếu không muốn Nga tiếp tục lấn lướt, tất cả các nước NATO nên đóng góp vào việc xây dựng lại khả năng chống ngầm, đặc biệt là Anh, nước có hải quân suy yếu trầm trọng trong khi cho nghỉ hưu các máy bay tuần tra và tàu sân bay vào năm 2014.