Mỹ bắn hạ Su-22 Syria, Nga-Mỹ ngấp nghé bờ vực chiến tranh

ANTD.VN - Sau vụ Mỹ bắn rơi Su-22 Syria, Nga và Iran đã có những tuyên bố và hành động đáp trả mạnh mẽ chưa từng có nhằm cảnh cáo Mỹ không được vượt “ranh giới đỏ”.

Nga tuyên bố có thể bắn hạ máy bay Mỹ

Không quân liên minh do Mỹ cầm đầu trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã bắn rơi một chiếc máy bay cường kích Su-22 của Syria ở tỉnh Raqqa.

Theo thông báo của Mỹ, chiếc máy bay Syria đã tấn công các đơn vị dân quân của người Kurd Syria (YPG); trong khi đó, các quan chức của chính quyền Damascus khẳng định, chiếc Su-22 khi ấy đang thi hành sứ mệnh chống IS.

Sau đó, Nga đã ngay lập tức phản ứng mạnh mẽ. Ông Franz Klintsevich, Phó chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng-an ninh thuộc Hội đồng Liên bang tuyên bố, Nga đã đơn phương tạm ngừng hiệu lực của Bản ghi nhớ với phía Mỹ về an toàn bay trên bầu trời Syria. Bất kỳ máy bay, trực thăng hay khí cụ bay không người lái trong khu vực thực hiện nhiệm vụ chiến đấu của lực lượng Không quân-vũ trụ Nga ở Syria sẽ bị đặt vào tầm ngắm của tên lửa phòng không Nga.

Tuy nhiên, Nga sẽ không tự động tấn công tất cả các mục tiêu mà quyết định sẽ được thông qua trong mỗi trường hợp riêng biệt, nhưng "nếu kẻ nào có hành động hung hăng gây hấn thì chúng nhất định sẽ bị chặn đứng bằng những hành động cứng rắn”.

Thông báo của Bộ quốc phòng Nga thậm chí còn cứng rắn hơn nhiều: "Bất kỳ máy bay nào thuộc liên minh quốc tế hoạt động ở phía tây sông Euphrates sẽ bị các lực lượng phòng không Nga coi là mục tiêu”.

Máy bay F/A-18 của Mỹ bắn rơi máy bay Su-22 Syria

Nguy cơ xung đột quân sự Nga-Mỹ là rất cao

Cảnh báo của Nga được đưa ra 1 ngày sau sự vụ. Sự việc đã đẩy mạnh căng thẳng giữa Nga và Hoa Kỳ đến một mức độ chưa từng thấy trong cuộc nội chiến 7 năm ở Syria.

Góp phần vào sự leo thang của tình hình là sự gia tăng căng thẳng giữa một bên là Israel và Jordan và phía bên kia là Iran và Syria.

Các tên lửa đạn đạo tầm trung của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đã vượt qua lãnh thổ Iraq, phóng sang Syria hôm 18/6, nhằm vào các vị trí của IS ở Deir ez-Zor, phía Đông Syria.

Vụ tấn công đầy bất ngờ và chưa có tiền lệ của Tehran đã gửi tới Jerusalem và Amman một thông điệp cảnh báo mạnh mẽ rằng, Israel và Jordan không nên can  thiệp vào các hành động quân sự ở miền Nam Syria, vì họ cũng ở trong tầm ngắm của tên lửa Iran.

Israel và Jordan đang lo lắng theo dõi những thắng lợi mà quân đội Syria và Hezbollah đang giành được ở miền nam Syria dưới sự chỉ đạo của Iran. Chúng được cho là mối nguy hiểm lớn với hai nước này, khi lực lượng thân Iran thiết lập sự hiện diện trên biên giới với cả hai nước này.

Rõ ràng là với các tuyên bố và hành động mới nhất, Nga và Iran đã không còn nhẫn nại trước các hành động mang tính chất gây gấn, vượt quá “giới hạn đỏ” của Mỹ đối với một quốc gia có chủ quyền như Syria, đồng thời sẵn sàng tung ra những đòn đáp trả mạnh mẽ đối với Washington.

Các chuyên gia cho rằng, trong những ngày tới, nếu phía Mỹ không có những hành động kiềm chế thì khả năng xảy ra các vụ xung đột quân sự giữa liên minh do Mỹ dẫn đầu, trong đó có Israel với các lực lượng ủng hộ Syria như Nga và Iran là hoàn toàn hiện hữu.