Mảnh tên lửa Buk ở hiện trường MH17 sẽ dẫn đến đâu?

ANTĐ - Ủy ban An toàn quốc gia Hà Lan đang nghiên cứu những mảnh vỡ của tên lửa thuộc hệ thống phòng không "Buk", tìm thấy ở khu vực tai nạn máy bay Boeing 777 mang số hiệu MH17 của Malaysia.

Phát hiện và điều tra mảnh vỡ tên lửa Buk ở hiện trường MH17

Ủy ban An toàn quốc gia của Hà Lan và Nhóm nghiên cứu chung vụ máy bay Boeing 777/MH17 rơi tại đông nam Ukraine đã công khai tuyên bố về hoạt động điều tra các mảnh vỡ mới của tên lửa thuộc hệ thống Buk, được phát hiện tại hiện trường tai nạn.

Thông báo nhấn mạnh rằng, Ủy ban An toàn quốc gia của Hà Lan đang tiến hành điều tra nguyên nhân thảm họa, còn nhóm làm việc chung thực hiện những điều tra về lĩnh vực hình sự. Đây là hai tiến trình riêng biệt nhưng các nhóm có trao đổi dữ liệu với nhau.

"Những mảnh vỡ này được Nhóm điều tra hình sự đặc biệt quan tâm vì chúng có thể cung cấp thêm thông tin về tai nạn của MH17” - thông báo của Ủy ban an toàn Quốc gia Hà Lan nêu rõ.

Tuy nhiên, trong tuyên bố không cho biết những mảnh vỡ của tên lửa phòng không Buk này được tìm thấy vào lúc nào và tại sao bây giờ mới tiến hành cuộc điều tra một chứng cớ quan trọng như vậy.

Theo tuyên bố, "tại thời điểm này, chưa thể kết luận về sự hiện diện mối liên quan giữa các mảnh vỡ được tìm thấy và tai nạn MH17”. Tuy nhiên, chắc chắn đây là một dữ liệu quan trọng bởi không thể ngẫu nhiên mà những mảnh vỡ tên lửa đó lại hiện diện trong khu vực máy bay rơi.

Phát hiện mới sẽ dẫn cuộc điều tra tập trung hơn vào một hướng

Trước đó, phe ly khai đã khẳng định họ không hề có bất cứ hệ thống tên lửa phòng không nào như vậy, còn phía quân đội Ukraine cho biết, trong thời điểm xảy ra vụ án, quân chính phủ không điều động các hệ thống tên lửa phòng không này đến khu vực chiến sự Donetsk.

Tuy nhiên, dữ liệu trinh sát điện tử và trinh sát kỹ thuật của quân đội Nga công bố 4 ngày sau vụ thảm án đã chứng tỏ ngược lại.

Ngày 21-7-2014, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố các dữ liệu giám sát khách quan về tình hình trong khu vực Donetsk trước vụ rơi máy bay MH17 cho thấy, trong ngày xảy ra thảm kịch, MH17 đã bay vào phạm vi tác xạ của các tổ hợp tên lửa phòng không "Buk" của quân đội Ukraine.

Tại thời điểm đó, phòng không Ukraine đã có vài tiểu đoàn tên lửa phòng không Buk hiện diện ở miền Đông, trong khuôn khổ một hoạt động huấn luyện. Theo dữ liệu trinh sát kỹ thuật của Nga, tại thời điểm máy bay rơi, có ít nhất 3 đài radar của các hệ thống Buk đã mở máy.

Người phát ngôn Bộ quốc phòng Nga tuyên bố sẵn sàng đưa ra hàng trăm bằng chứng có liên quan đến việc Ukraine có sở hữu các hệ thống Buk. Đặc biệt là tuyên bố của Thiếu tướng Dmitry Karpenko - Tham mưu trưởng Lực lượng tên lửa phòng không Ukraine vào đầu tháng 6-2014.

Nga khẳng định chiếc Boeing 777 đã bay vào phạm vi tác xạ của hệ thống Buk Ukraine

Khi đó, tất cả các phương tiện truyền thông Ukraine đua nhau dẫn lời ông Karpenko rằng, "doanh nghiệp nhà nước Ukroboronservis đã ký nhận sửa chữa hệ thống tên lửa phòng không Buk-M1 và loạt tên lửa đầu tiên được cải tạo ở Ukraine sắp tham gia trực chiến".

Do đó, các phương tiện truyền thông Nga đã đặt vấn đề là, rất có thể MH17 đã trở thành nạn nhân trong một đợt huấn luyện sử dụng tên lửa mới của quân đội Ukraine vào trung tuần tháng 7?

Do đó, Nga đã đặt câu hỏi và đòi Ukraine trả lời là “tại sao vụ việc xảy ra đã hơn 1 năm mà quân đội nước này không công bố dữ liệu điều động các hệ thống phòng không và các chuyến bay của không quân trong ngày xảy ra thảm kịch”?

Tìm được mảnh tên lửa, cuộc điều tra sẽ đi về đâu

Với những tuyên bố mới nhất này, có khả năng cuộc điều tra sẽ rẽ sang một hướng khác và đỡ lan man hơn bởi từ trước đến nay đã có khá nhiều giả thuyết được công bố về loại vũ khí đã bắn rơi MH17 như: tên lửa không đối không và pháo trên cường kích Su-25, tiêm kích MiG-29, tên lửa phòng không Buk…

Để phục vụ công tác điều tra, Nhóm nghiên cứu chung có kế hoạch mời các chuyên gia vũ khí nước ngoài và các chuyên gia trong lĩnh vực khác để phân tích của dữ liệu thu được từ những mảnh vỡ này.

Mảnh tên lửa Buk ở hiện trường MH17 sẽ dẫn đến đâu? ảnh 3

Mảnh vỡ với những lỗ thủng lỗ chỗ như tổ ong trên thân chiếc máy bay Boeing-777 bị rơi

Các chuyên gia cho rằng, việc phân tích kích cỡ và hình dạng mảnh vỡ, vết khói, mùi thuốc đạn còn sót trên mảnh vỡ và những lỗ đạn trên thân máy bay có thể rút ra được kết luận về loại tên lửa cụ thể đã bắn rơi MH17.

Hướng điều tra mới này trùng với giả thuyết của các chuyên gia thuộc Tập đoàn sản xuất tên lửa Nga PVO "Almaz-Antey" về việc chiếc Boeing 777 đã bị loại tên lửa 9M38M1, thuộc hệ thống phòng không Buk-M1 - sản phẩm do chính họ làm ra bắn hạ, khiến tất cả 298 người trên máy bay thiệt mạng.

Theo nguyên lý cấu tạo và cơ chế kích hoạt đầu đạn, vụ nổ của 9M38M1 sẽ gây ra hai lớp sóng xung kích, gồm các mảnh vỡ khác nhau. Làn sóng thứ nhất bao gồm những mảnh nhỏ hơn, trong khi làn sóng thứ hai, có chứa các mảnh vỡ kép hình chữ T, nặng hơn và có động năng lớn nhất.

Ông Malyshevsky, cố vấn tổng công trình sư của tập đoàn khẳng định, mỗi phiên bản tên lửa Buk đều có đầu đạn chứa những mảnh kim loại có hình dáng đặc trưng, những mảnh vỡ tìm được có các lỗ kích thước 13x13 và 14x14mm là đặc trưng của đạn tên lửa 9M38M1, với đầu đạn loại 9M314 hoặc 9M314M1.

Đại diện của Almaz-Antei cũng khẳng định rằng, đó là các tên lửa thuộc hệ thống Buk-M1, phiên bản này hiện chỉ có trong quân đội Ukraine, còn quân đội Nga đã chuyển sang sử dụng Buk-M1-2 và Buk-M2 từ rất lâu, hãng cũng ngừng sản xuất loại đạn này từ năm 1999.

Mô hình phân tích toán học hướng bắn, góc tiếp xúc và vị trí phóng đạn tên lửa của Almaz-Antey

Hơn nữa, qua nghiên cứu những mảnh vỡ của máy bay, các chuyên gia Almaz-Antey xác định điểm nổ đầu đạn của tên lửa nằm bên trái của máy bay, tên lửa phóng đến và điểm nổ của nó tiếp xúc với thân máy bay, với một góc từ 72-78 độ trong mặt phẳng ngang và 20-22 độ trong mặt phẳng đứng.

Quá trình dựng lại quỹ đạo giao nhau của máy bay và tên lửa, qua phương pháp hình chiếu toán học cho kết luận chắc chắn là tên lửa được phóng từ một khu vực rộng 2.5x3.5 km ở phía nam của thị trấn Zaroschenskoe - bản doanh của quân đội Ukraine.

Điều này trái ngược hoàn toàn với tuyên bố của phía Ukraine là tên lửa Buk được phe ly khai phóng lên từ thị trấn Snezhnoe, nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng vũ trang của nước Cộng hòa Nhân dân Donetk (DPR).

Giám đốc của Almaz-Antei Yan Novikov tuyên bố, nếu ai nghi ngờ những kết quả này, hãng sẵn sàng thực hiện một thí nghiệm thực tế với sự có mặt của các giám sát viên và chuyên gia quốc tế để đối chứng kết quả, tìm ra loại phương tiện thực sự đã bắn rơi MH17, từ đó xác minh thủ phạm.

Đây mới chỉ là giả thuyết nhưng phải khẳng định rằng, báo cáo của Almaz-Antei là công trình điều tra công phu, có dẫn chứng chắc chắn, có lập luận khoa học chặt chẽ và giả thuyết hợp logic nhất từ trước đến nay, trái ngược với những thông tin mà cuộc điều tra của Hà Lan đang tiến hành.