Lầu Năm Góc tuyên bố tăng cường hiện diện quân sự tại châu Âu

ANTĐ - Bất chấp việc chính quyền Tổng thống Obama có kế hoạch giảm sự hiện diện quân sự tại châu Âu, Lầu Năm Góc vẫn tuyên bố sẽ đảo ngược kế hoạch cắt giảm này ngay sau khi tổng thống rời nhiệm sở vào năm 2017, với lý do là để ngăn chặn “sự gây hấn của Nga”.

Năm 2012, Tổng thống Barack Obama đã rút 2 trong 4 lữ đoàn lục quân Mỹ tại châu Âu để cắt giảm chi phí quân sự và tập trung vào chiến lược chuyển trọng tâm sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Hôm 30-3, Bộ Tư lệnh châu Âu tuyên bố, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ triển khai thêm binh lính và trang thiết bị lục quân lên tới 3 lữ đoàn thiết giáp được biên chế đầy đủ tới đông Âu ngay sau khi nhiệm kỳ của Tổng thống Obama kết thúc.

Lục quân Mỹ tham gia một cuộc diễn tập tại Litva

Động thái tăng cường hiện diện này nhằm trấn an các đồng minh NATO và đông Âu của Mỹ đối phó với một cuộc xâm lược tiềm năng từ Nga, Tư lệnh Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ, Đại tướng Phil Breedlove tuyên bố.

Kế hoạch này còn kêu gọi lục quân Mỹ “bắt đầu cất giữ thêm các trang thiết bị chiến thuật tại các Kho lục quân tiền phương (APS) tại khắp châu Âu để có thể nhanh chóng triển khai khi có tình huống khẩn cấp".

Quân đội Mỹ cũng sẽ triển khai thêm các trang thiết bị quân sự hiện đại để thay thế cho các kho trang bị hiện có và để sử dụng trong các cuộc diễn tập tương lai với các quốc gia trong khuôn khổ chiến dịch Quyết tâm Đại Tây Dương, Bộ Tư lệnh châu Âu cho biết.

Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, chiến dịch Quyết tâm Đại Tây Dương là cam kết quân sự của Mỹ nhằm đảm bảo an ninh tập thể với các nước NATO và đông Âu để chống lại Nga.

Chiến dịch đã bắt đầu từ năm 2014 với Ba Lan và ba quốc gia Baltic là Litva, Latvia và Estonia, và hiện nay đã mở rộng sang cả Romania và Bulgaria.