Toàn cảnh Mỹ-Anh-Pháp tấn công tên lửa hành trình vào Syria (2):

Kết quả thực sau những tuyên bố trái chiều: Syria diệt 71 hay trúng 60 tên lửa?

ANTD.VN - Sự bất ngờ về hướng tấn công cùng với khoảng cách đến mục tiêu quá ngắn khiến Syria có thể bị 60 quả tên lửa của Mỹ-Anh-Pháp đánh trúng.

Trong kỳ trước với tiêu đề “Cuộc đấu khốc liệt của tên lửa hành trình Mỹ và phòng không Syria, chúng ta biết rằng, Nga tuyên bố Quân đội Syria đã có một thế trận phòng không - phòng thủ tên lửa vô cùng hiệu quả, đánh chặn được 71 trong số 103 tên lửa của Mỹ và các nước đồng minh, trong đó chủ yếu là tên lửa Tomahawk của Mỹ. Còn ngược lại, Lầu Năm Góc tuyên bố, 105 quả tên lửa mà họ phóng đi đã thành công 100%.

Sự đối lập trong những báo cáo của Nga và Mỹ khiến người ta như lạc vào một “ma trận thông tin” không biết ai đúng ai sai. Trong thực tế, trừ những cuộc chiến tranh có kết cục rõ ràng, còn lại hai bên tham chiến đều tìm cách tâng bốc các chiến quả của mình và hạ thấp uy thế của đối thủ. 

Tỷ lệ bắn trúng mục tiêu 100% của Mỹ là con số lí tưởng và rất phi thực tế, còn xác suất đánh chặn tới 69% của Nga cũng là con số rất đáng ngờ. Tuy nhiên, có một điểm chắc chắn có thể khẳng định rằng, tên lửa Mỹ đã bị bắn hạ và Syria cũng đã thiệt hại khá nặng.

Như vậy, chắc chắn là hai bên đã có những thiệt hại nhất định, còn chính xác nó là bao nhiêu thì chỉ người trong cuộc mới có thể biết được. Chúng ta chỉ có thể phỏng đoán dựa trên sự so sánh lực lượng, phương tiện tấn công-phòng thủ, các lực lượng bảo đảm tác chiến, kinh nghiệm chiến đấu…

Mỹ thử nghiệm tính năng vũ khí, khả năng hiệp đồng

Từ những thông tin rùm beng trên truyền thông và tần suất phát ngôn của giới chức lãnh đạo Mỹ-Anh-Pháp, có thể nhận định rằng, Mỹ và đồng minh dường như cố tình để Nga và Syria có thời gian chuẩn bị đối phó với đợt tấn công. Đây là điều không thường thấy trong chiến tranh, nếu không muốn nói là “đại kỵ”. Do đó, việc Syria có thể đánh chặn được nhiều tên lửa (nếu đó là đúng) có phần công lao đóng góp rất lớn của Mỹ.

Từ đó, giới phân tích cho rằng, Mỹ và đồng minh đang thử nghiệm tính năng kỹ thuật của tên lửa mới và chiến thuật tác chiến, cùng với khả năng hiệp đồng giữa các quân binh chủng của Mỹ và giữa các nước đồng minh với nhau. Đặc điểm nổi bật của nó chiến dịch này là họ sử dụng cả vũ khí mới và cũ đan xen; cả vũ khí trên không và trên biển trong điều kiện lộ thời điểm tấn công, để đánh giá thực lực phòng không Nga-Syria.

Mỹ đã sử dụng tàu mặt nước (khu trục hạm lớp Arleigh Burke, tuần dương hạm lớp Ticonderoga), tàu ngầm hát nhân đa năng lớp Virginia, máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer; còn 2 đồng minh sử dụng máy bay chiến đấu Mirage, Rafale (Pháp) và Tornado (Anh).

Mỹ và đồng minh đã sử dụng nhiều phương tiện để phóng tên lửa hành trình đánh Syria

Về tính năng vũ khí, Mỹ đã sử dụng các loại tên lửa hành trình Tomahawk (từ chiến hạm mặt nước và tàu ngầm) và JASSM-ER (từ máy bay ném bom); còn Anh thử nghiệm dòng tên lửa không đối đất Storm Shadow, phiên bản của Pháp gọi là SCALP-EG.

Các loại tên lửa này cũng đã từng được sử dụng (Tomahawk) nhưng chưa rõ là Mỹ có bắn phiên bản nâng cấp mới nhất là Tomahawk Block IV hay không, còn các tên lửa JASSM-ER, Storm Shadow/SCALP-EG thì người ngoài và bên bị tấn công hầu như không mấy ai nắm rõ về khả năng tác chiến của chúng.

Mỹ phóng tên lửa từ các tàu ngầm hạt nhân, tàu nổi trên Biển Đỏ (Hồng Hải), Địa Trung Hải và biển Ả rập (vịnh Ba Tư, Persian Gulf); máy bay ném bom B-1B từ sân bay ở Qatar; Anh tấn công từ căn cứ không quân ở đảo Síp và Jordan, Pháp xuất phát đòn đánh từ các căn cứ ở Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE)… Thậm chí Sputnik còn nêu là ở căn cứ Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã có máy bay chiến đấu NATO cất cánh.

Qua đây chúng ta thấy được các nước phương Tây đã sử dụng các phương tiện phóng khác nhau, bổ sung cho nhau; tấn công từ nhiều hướng khác nhau vào lãnh thổ Syria; hợp thành đòn tiến công từ nhiều tầng, lớp, nhiều khoảng cách, của nhiều loại vũ khí khác nhau; dàn mỏng các hệ thống phòng không của Syria, gây rất nhiều khó khăn cho công tác triển khai lực lượng bảo vệ các vị trí trọng điểm.

Sự chuẩn bị kỹ lưỡng này là khá mâu thuẫn với số lượng tên lửa được sử dụng (chỉ có 105 quả). Do đó, những nghi vấn về việc Mỹ và đồng minh dùng đòn tấn công này để thử nghiệm vũ khí và khả năng hiệp đồng, để chuẩn bị cho những chiến dịch lớn hơn, là tương đối có cơ sở.

Giả sử, việc Syria đánh chặn được 69% số lượng tên lửa là đúng, 31% còn sống sót mà nằm trong số các tên lửa thế hệ mới hoặc mới nâng cấp thì trong trường hợp này, 71 quả tên lửa bị đánh chặn cũng không hề phí phạm, khi Mỹ đã xác định rõ được 34 tên lửa có khả năng xuyên phá qua hệ thống phòng không của Syria lần này sẽ được sử dụng chủ yếu trong đợt tiến công tiếp theo, để gây ra “cái chết bất ngờ” cho quân đội Nga và Syria.

Thêm nữa, đòn đánh của Mỹ sẽ vô cùng hiệu quả nếu thời điểm tấn công được giữ bí mật. Nếu trong trường hợp cả Nga và Syria bất ngờ về đòn tấn công thì tỷ lệ đánh chặn là bao nhiêu? Có thể khẳng định là không thể lên đến 70% như vừa qua (nếu con số này là đúng).

Mỹ và Anh-Pháp đã tấn công vào Syria từ 3 hướng Tây, Nam và Đông

Những nhận định trên đây sẽ góp phần làm rõ là tỷ lệ đánh chặn thành công 2/3 số tên lửa hành trình của liên quân Mỹ-Anh-Pháp của Syria hoặc tuyên bố tỷ lệ thành công 100% (105/105 quả tên lửa trúng đích) của Mỹ, cái nào là đúng hơn.

Nga-Syria bị bất ngờ về hướng đánh?

Trong thời gian trước khi diễn đợt tấn công rạng sáng ngày 14/4, Hải quân Mỹ còn tuyên bố rùm beng về lệnh điều động biên đội hàng không mẫu hạm USS Harry S. Truman tới khu vực Trung Đông. Biên đội này bao gồm tàu sân bay USS Harry S. Truman (CVN-75), tuần dương hạm CG-60 USS Normandy, các tàu khu trục mang tên lửa DDG-51 USS Arleigh Burke, DDG-84 USS Bulkeley, DDG-98 USS Forrest Sherman và DDG-99 USS Farragut.

Ngoài ra, 2 khu trục hạm khác là DDG-109 USS Jason Dunham và DDG-68 USS The Sullivans cũng sẽ sớm gia nhập vào nhóm tác chiến tàu sân bay này. Trước đó, 2 khu trục hạm DDG-75 USS Donald Cook và DDG 78 USS Porter cũng đã tới bờ phía Đông Địa Trung Hải, cách căn cứ hải quân Tartus của Nga ở tỉnh Latakia vẻn vẹn 100km.

Ngoài ra, Hạm đội 6 còn có biên đội tàu Aegis gồm 5 chiếc, gồm tàu khu trục DDG-72 USS Mahan, DDG-61 USS Ramage, DDG-107 USS Gravely, DDG-52 USS Barry và DDG-55 USS Stout.

Mỗi khu trục hạm lớp Arleigh Burke có khả năng mang 64 quả tên lửa Tomahawk, còn tuần dương hạm lớp Ticonderoga có khả năng mang tới 122 quả tên lửa loại này, nên hơn chục tàu chiến Mỹ có thể phóng từ Địa Trung Hải vào Syria tối đa 1.000 quả tên lửa, còn thông thường có thể là 700 quả.

Trong khoảng thời gian này, Mỹ còn điều thêm 2 máy bay do thám MC-12S EMARSS và MC-12W Liberty đến Hy Lạp, hợp cùng với các máy bay trinh sát Mỹ như P-8A Poseidon, RC-135 ở căn cứ đảo Síp và Italia, quần thảo liên tục trên không phận Địa Trung Hải sát bờ biển Syria.

Trên thực tế, khi Mỹ tung ra cáo buộc “chính quyền Assad sử dụng vũ khí hóa học ở Douma, Đông Ghouta, Nga đã tăng cường máy bay trinh sát đến Syria, bao gồm: Máy bay trinh sát điện tử Tu-214R, máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm trên không A-50U, máy bay tuần tiễu chống ngầm Il-38N. Những máy bay này hợp lực với các máy bay chiến đấu Su-34, Su-24 liên tục bay ở không phận Địa Trung Hải để đối phó với đòn đánh của Mỹ.

Tên lửa phóng từ máy bay ném bom và chiến đấu cơ bay đến mục tiêu rất nhanh khiến Syria khó có thể đánh chặn

Sự tăng cường lực lượng đến bờ biển phía Tây Syria và hàng loạt căn cứ Mỹ, Anh, Pháp ở các nước ven Địa Trung Hải như Italia, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Síp…, cùng với sự hiện diện của hai căn cứ không quân Hmeymim và Tartous của Nga ở Syria đã khiến Địa Trung Hải trở thành điểm tập trung binh lực và hướng tấn công/phòng thủ chủ yếu của cả 2 bên.

Trước thời điểm vụ tấn công xảy ra, sự kiện tàu ngầm hạt nhân Anh xâm nhập Địa Trung Hải khiến Nga phải tung máy bay, tàu ngầm ngăn ra ngăn chặn, cùng với đó là 7 lượt máy bay trinh sát Mỹ (6 máy bay tuần tra chống ngầm P-8A, 1 máy bay trinh sát điện tử EP-3E Aries II) quần thảo ở sát khu vực căn cứ không quân Hmeymim và hải quân Tartus của Nga, càng củng cố khả năng Syria bị tấn công chủ yếu từ hướng này.

Những hoạt động rầm rộ của không quân và hải quân Mỹ đã buộc Nga phải điều động các máy bay và chiến hạm ra Địa Trung Hải để giám sát các tàu chiến và máy bay trinh sát Mỹ.

Cho đến khi cuộc tấn công diễn ra đầy bất ngờ thì hầu như không có cảnh báo đáng chú ý nào về khả năng tấn công từ trên không (máy bay ném bom, máy bay chiến đấu Anh-Mỹ-Pháp) và từ đáy biển (tàu ngầm).

Đến khi chiến dịch bắt đầu, đòn tấn công vào phía Tây Syria (từ phía đông Địa Trung Hải) không phải là hướng chủ yếu, mà nó chỉ nhắm đến các mục tiêu ở Homs; hơn nữa, nó cũng không đến từ những các khu trục hạm, tuần dương hạm Mỹ ở đây, mà lại chủ yếu do lực lượng Anh-Pháp đảm nhiệm: Khu trục hạm lớp Aquitaine của Pháp đã phóng 3 tên lửa hành trình SCALP; 04 máy bay Tornado của Anh phóng 8 tên lửa Storm Shadow; tiêm kích Rafale của Pháp phóng 5 quả tên lửa SCALP-EG, tiêm kích Mirage phóng 4 quả SCALP-EG (tổng số 20 quả) và 9 quả Tomahawk chưa xác định đối tượng phóng.

Đại bộ phận đòn đánh vào Damascus chủ yếu do Mỹ đảm nhận, đến từ những hướng khác như không phận phía nam (Biển Đỏ và máy bay ném bom B-1B từ Qatar bay lên và phía Đông Syria (biển Ả rập).

Hướng tấn công từ phía Nam, ở trên Hồng Hải gồm: Tuần dương hạm lớp Ticonderoga CG-61 USS Monterey phóng 30 tên lửa Tomahawk; khu trục hạm lớp Arleigh Burke DDG-58 USS Laboon phóng 7 tên lửa Tomahawk.

Từ trên không phận phía Nam: 02 máy bay ném bom B-1B Lancer phóng 19 quả tên lửa hành trình AGM-158 JASSM-ER).

Mũi tấn công từ phía Đông, xuất phát ở phía Bắc vịnh Ả Rập: Khu trục hạm lớp Arleigh Burke DDG-76 USS Higgins phóng 23 tên lửa Tomahawk.

Máy bay Anh cất cánh từ căn cứ Akrotiri trên đảo Cyprus và máy bay Pháp áp sát bờ biển Syria phóng tên lửa

Những cái tên đầy bất ngờ này đã phóng tổng cộng 79 quả tên lửa Tomahawk và AGM-158 JASSM-ER vào Damascus, còn lại tàu ngầm hạt nhân tấn công đa năng lớp Virginia là SSN-785 USS John Warner phóng 6 tên lửa Tomahawk từ Địa Trung Hải.

Như vậy, có thể nhận thấy rằng, Nga và Syria có thể đã bị bất ngờ về hướng đánh chủ yếu của Mỹ-Anh-Pháp. 

Nga và Syria không thể ngăn chặn đòn đánh từ trên không

Việc tập trung tối đa binh lực cho hướng Địa Trung Hải (phía Tây) có thể khiến Nga buông lỏng cảnh giới khu vực phía Nam và phía Đông, bị bất ngờ về tình huống chiến hạm Mỹ từ Hồng Hải và vịnh Ba Tư tấn công vào Syria. Tuy nhiên, ngay cả đối với hướng phía Tây, Syria cũng bị bất ngờ về lực lượng tấn công.

Các máy bay Tornado xuất phát từ căn cứ không quân Anh (RAF) ở Akrotiri trên đảo Cyprus (Địa Trung Hải) cách mục tiêu bị tấn công ở Homs khoảng 340km, còn các chiến đấu cơ Pháp xuất phát từ các căn cứ trong nước bay tới bờ biển Syria. Việc Syria không có các hệ thống phòng không tầm xa đã khiến các chiến đấu cơ Anh, Pháp có thể tiếp cận khoảng cách 200km đến bờ biển Syria mới phóng tên lửa.

Với khoảng cách tấn công chưa tới 300km, các tên lửa SCALP-EG và Storm Shadow có vận tốc lên tới 960km/h chỉ mất có 18 phút để bay vào đến các mục tiêu mà Mỹ tuyên bố là “cơ sở hạ tầng khu cất chứa và khu chế xuất vũ khí hóa học Him Shinshar”.

Mặc dù hệ thống phòng không của Syria đã được tích hợp vào hệ thống phòng không Nga ở căn cứ Hmeymim, các máy bay trinh sát và radar của hệ thống phòng không S-400 của Nga có thể phát hiện được thời điểm phóng tên lửa nhưng khoảng thời gian ngắn chỉ để cho Nga có thể kịp thời cảnh báo đòn tấn công cho Syria chứ rất khó để phát hiện kịp thời địa điểm bị tấn công.

Ngoài ra, khi các tên lửa hành trình của Mỹ-Anh-Pháp bay hết đường bay trên biển và chạm phần lục địa Syria (cách mục tiêu khoảng 70km), chúng sẽ chuyển hướng bay theo địa hình, sau đó có thể còn chuyển hướng nhiều lần nữa, nên việc bám bắt chúng không phải là chuyện dễ.

Ở phía Nam, các máy bay ném bom B-1B Lance của Mỹ bay từ căn cứ không quân Al-Udeir ở Qatar đã tiếp cận biên giới Syria từ hướng Jordan. Với khoảng cách từ 100-140km đến mục tiêu là Trung tâm nghiên cứu và phát triển Barzah ở Damascus, các tên lửa hành trình AGM-158 JASSM-ER chỉ mất khoảng 6-8 phút bay đến mục tiêu.

Một mảnh xác của quả tên lửa AGM-158 JASSM đánh trúng Trung tâm nghiên cứu khoa học Barzah

Các hệ thống radar tên lửa thế hệ cũ như S-125 Neva/Pechora, S-200 Angara, Buk-M1 và Kvadrat và cả hệ thống Pantsir-S1 tiên tiến nhất của Syria có khả năng phát hiện và bám bắt tên lửa hành trình rất kém, chỉ trong khoảng cách vài chục km, nên thực tế SAA chỉ có vài phút để xác định mục tiêu bị tấn công; do đó, khả năng phòng thủ sẽ rất hạn chế.

Hơn nữa, hệ thống thông tin liên lạc, kết nối số liệu giữa các tổ hợp tên lửa kiểu cũ của Syria trong phạm vi cả nước với nhau cũng còn nhiều hạn chế, làm ảnh hưởng đến việc chỉ thị mục tiêu, phân chia mục tiêu và phối hợp đánh chặn giữa các hệ thống phòng không Syria đặt ở các nơi khác nhau.

Từ những phân tích này, chúng ta có thể nhận thấy rằng, đòn đánh từ trên không là nguy hiểm nhất bởi khoảng cách tiếp cận mục tiêu của chúng rất ngắn, hạn chế thời gian chuẩn bị đánh chặn, nếu đã bắn trượt từ loạt đạn đầu thì rất khó có cơ hội sửa sai.

Ngoài những điểm trên, Syria còn gặp nhiều khó khăn do Mỹ đã sử dụng tới 2 loại máy bay tác chiến điện tử là chiếc EA-18G Growler của Boeing và máy bay EA-6B Prowler của Northrop Grumman để gây nhiễu, chế áp các hệ thống phòng không Syria, tạo điều kiện thuận lợi cho tên lửa đánh trúng mục tiêu.

Việc Mỹ trưng ra các bức ảnh vệ tinh hiển thị 3 địa điểm là khu kho bãi và chế xuất ở Him Shinshar (Homs) và Trung tâm nghiên cứu và phát triển Barzah (ngoại ô Damascus) bị phá hủy hoàn toàn đã cho thấy một số lượng lớn tên lửa đã đánh trúng mục tiêu.

Theo một số chuyên gia phân tích, rất có thể là toàn bộ số tên lửa hành trình phóng từ trên không, bao gồm 36 quả (9 quả SCALP-EG của Pháp, 8 quả Storm Shadow của Anh, 19 quả AGM-158 JASSM-ER của Mỹ) đã đánh trúng mục tiêu ở Homs và Damascus.

Còn Syria có khả năng đã đánh chặn được một số tên lửa hành trình Tomahawk tấn công từ khoảng cách xa hơn và có tốc độ bay chậm hơn, nhưng việc họ tiêu diệt được khoảng một nửa số đó (30-40 quả) đã là một thành công lớn.

Do đó, Syria có thể đã bị trúng tới khoảng ít nhất là 60 quả tên lửa hành trình của Mỹ-Anh-Pháp, khác xa với con số đánh chặn được 71/103 quả mà họ đã tuyên bố; còn Lầu Năm Góc cũng đã thổi phồng hiệu quả khi công bố 105/105 quả tên lửa đánh trúng mục tiêu đã định của Syria.