[ĐỒ HỌA] Su-30MKI 'tóm sống', báu vật tàng hình J-20 Trung Quốc chỉ là 'đại bàng giấy' trên không trung?

ANTD.VN - Máy bay chiến đấu Su-30MKI của Không quân Ấn Độ theo dõi máy bay Trung Quốc Chengdu J-20, bay qua Tây Tạng, theo cổng thông tin Ấn Độ Defense Research Wing. Việc bị radar bị động trên máy bay Ấn Độ "tóm sống" gây bất ngờ cho giới quan sát.

 

Trung Quốc đã chính thức xác nhận đưa tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 J-20 vào trực chiến hồi cuối năm ngoái. Nhiều chuyên gia cho rằng, do tình đầy biến động trên bán đảo Triều Tiên khiến Mỹ triển khai hàng loạt tiêm kích tàng hình F-35 tới khu vực này, vì thế Trung Quốc lo ngại nên vội đưa vào biên chế tiêm kích J-20, cho dù chúng chưa thực sự hoàn thiện.

Một sự kiện mới đây đã "gây sốc" cho giới quân sự khi Ấn Độ cho biết máy bay Su-30MKI đã phát hiện ra chiếc máy bay tàng hình J-20 của Trung Quốc. Được biết sự kiện này xảy ra vào tháng 1-2018, khi máy bay chiến đấu của Trung Quốc tập luyện không chiến gần biên giới Ấn Độ. Sau đó các phi công Ấn Độ, theo dõi cuộc diễn tập từ không phận của mình và cho biết radar Su-30MKI đã phát hiện ra chiến đấu cơ tàng hình J-20 của Trung Quốc. 

Tiêm kích tàng hình thế hệ 5 J-20 do Tập đoàn Chengdu của Trung Quốc phát triển từ năm 2011 và cất cánh lần đầu tiên vào ngày 31-10-2012. Tiêm kích tàng hình J-20 được quảng bá là chiếc máy bay tàng hình do Trung Quốc tự nghiên cứu và chế tạo, có thể sánh ngang với tiêm kích tàng hình thế hệ năm của Mỹ và Nga. Tuy vậy các chuyên gia vẫn đang nghi ngờ về khả năng chiến đấu thực sự của loại máy bay này.

Tiêm kích tàng hình J-20

Tiêm kích tàng hình J-20

Hiện tại J-20 của Trung Quốc vẫn đang sử dụng động cơ AL-31FM2 do Nga cung cấp, đây vẫn là chuẩn động cơ của chiến đấu cơ thế hệ thứ 4. Trung Quốc vẫn đang chật vật để phát triển động cơ dành cho máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5. Phát triển động cơ vẫn là điểm hạn chế lớn nhất của công nghệ chế tạo máy bay chiến đấu của nước này.

Mặc dù Trung Quốc luôn tự hào rằng loại tiêm kích này hoàn toàn có thể đối trọng với F-22 của Mỹ, tuy nhiên, cây bút Dave Majumdar của National Interest nhận định, nếu J-20 thực sự mạnh như quảng bá, Trung Quốc chắc hẳn đã không phải ký hợp đồng mua tiêm kích thế hệ 4 của Nga như vậy.