- [ẢNH] Nhóm phiến quân cả gan bắn rơi Su-25 Nga tại Syria là ai?
- [ẢNH] Sức mạnh cơ bắp của không quân Nga tái triển khai tại Syria, Mỹ và đồng minh lo lắng
- Thi hài phi công Su-25 hy sinh ở Syria được bàn giao cho Nga
Sau vụ việc, Nga bắt đầu không kích vào khu vực hoạt động của Hayat Tahrir al-Sham và phối hợp với các bên có liên quan trong cuộc xung đột Syria nhằm tìm kiếm thi thể của phi công. Sự việc cũng khiến Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có cách nhìn nhận khác về nhau cho dù trong giải quyết xung đột tại Syria, cả hai vẫn coi bên kia là đối tác chiến lược.
Một tay súng của quân nổi dậy bên tiêm kích Sukhoi-25 bị bắn hạ tại tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria ngày 3-2-2018.
Thổ Nhĩ Kỳ từng bắn rơi máy bay Nga
Đây không phải là lần đầu tiên máy bay chiến đấu Nga bị bắn rơi ở Syria. Năm 2015, máy bay chiến đấu của Nga đã bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi ở khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ giáp miền Bắc Syria khi đang làm nhiệm vụ, các phi công sau đó cũng thiệt mạng do bị các phần tử thuộc phe đối lập Syria bắn chết.
Vụ việc này đã dẫn đến quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào tình trạng lạnh nhạt, cho tới sau cuộc đảo chính quân sự bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 6-2017, Chính phủ của đảng Công lý và Phát triển Thổ Nhĩ Kỳ dưới sự lãnh đạo của ông Erdogan mới bắt đầu nghiêng hẳn về Nga, tự tách mình trong mối quan hệ với Mỹ và phương Tây.
Sau đó Thổ Nhĩ Kỳ trở thành đối tác quan trọng của Nga ở Syria, hai bên đã cùng với Iran đồng chủ trì một loạt hội nghị ở Astana, giúp thiết lập 4 vùng giảm xung đột ở miền Tây Syria, hy vọng có thể giúp Syria khôi phục hòa bình.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã trở thành một bên tham gia trong Đại hội đối thoại dân tộc Syria tổ chức ở thành phố Sochi, nhiều lần bày tỏ chấp thuận một “giải pháp chính trị” hơn là một “giải pháp quân sự cho vấn đề Syria”.
Ngoài ra, Tổng thống Erdogan cũng trở thành khách quen của Tổng thống Vladimir Putin. Từ nửa cuối năm 2015 đến nay, hai người đã gặp nhau không dưới 10 lần. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim, Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu cũng đã nhiều lần gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, thường xuyên trao đổi ý kiến về các vấn đề quốc tế và khu vực.
Abu Jabir, thủ lĩnh nhóm phiến binh Hayat Tahrir al-Sham
Vẫn còn bất đồng trong vấn đề Syria
Dù Thổ Nhĩ Kỳ và Nga tiếp tục xích lại gần nhau kể từ nửa sau năm 2015 tới nay, song điều đó không có nghĩa là hai bên đều có quan điểm chung trong mọi vấn đề.
Trước hết, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ từng có bất đồng trong vấn đề người Kurd ở Syria một thời gian dài. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, đảng Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD) ở Syria là chi nhánh của Đảng Công nhân người Kurd (PKK), tổ chức khủng bố của người Kurd trong lãnh thổ mình, do đó Thổ Nhĩ Kỳ phản đối sự tồn tại của PYD và Lực lượng Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) dưới sự lãnh đạo của PYD ở miền Bắc Syria, đặc biệt là ở phía Tây sông Euphrates.
Còn Nga cho rằng, lực lượng vũ trang người Kurd ở Syria do PYD lãnh đạo là một lực lượng quan trọng trong cuộc chiến chống lại tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nên rất ủng hộ PYD. Tổng thống Nga Putin cũng nhiều lần hy vọng mời đại diện của PYD tham dự hội nghị về vấn đề Syria, nhưng đều bị Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ còn bất đồng trong quan điểm giải pháp chính trị đem lại hòa bình cho Syria. Thổ Nhĩ Kỳ kiên trì chủ trương Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải từ chức. Điều này hoàn toàn trái ngược với lập trường chính trị của Nga. Nga luôn coi chính quyền của Bashar al-Assad là đại diện hợp pháp của người Syria. Do đó, năm 2015, Nga còn trực tiếp đưa quân đến Syria, giúp quân đội Chính phủ Syria giữ vững xu thế trên chiến trường, cuối cùng đã giúp Chính phủ Syria đảo ngược tình hình chiến sự, trở thành “bên thắng cuộc” trong cuộc nội chiến Syria hiện nay.
Ngay khi cuộc nội chiến Syria bắt đầu bùng phát năm 2011, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành người ủng hộ quan trọng của phe đối lập Syria. Thổ Nhĩ Kỳ tích cực tham gia vào sân chơi ngoại giao “Những người bạn của Syria”, phe đối lập Syria hoạt động ở miền Bắc Syria và cho dù cuối năm 2016, lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ là ủng hộ một “giải pháp chính trị cho vấn đề Syria”, bày tỏ một số nhượng bộ nhưng họ vẫn giữ quan điểm ông Bashar al-Assad phải từ chức làm cho mối quan hệ giữa Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria rơi vào lạnh nhạt.
Thành viên Hayat Tahrir al-Sham và súng phòng không vác vai đã hạ Su-25
Cuối cùng, điều quan trọng hơn là Thổ Nhĩ Kỳ có “toan tính” của riêng mình ở miền Bắc Syria, điều này rất có khả năng ảnh hưởng tới những tính toán chung của Nga ở Syria. Thông qua vùng giảm xung đột được xác lập tại hội nghị Astana, Thổ Nhĩ Kỳ đã xác lập được vai trò “duy trì hòa bình” ở tỉnh Idlib phía Tây Bắc Syria, hy vọng biến khu vực này thành căn cứ của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria, giúp bố trí một số lực lượng đối lập Syria dưới sự ủng hộ của họ.
Ngày 31-12-2017, các phần tử vũ trang thuộc tổ chức Hayat Tahrir al-Sham tấn công căn cứ không quân Hmeimim của Nga tại Syria, buộc Nga và quân đội Chính phủ Syria bắt đầu không kích trên quy mô lớn vào trận địa của lực lượng chống Chính phủ Syria ở tỉnh Idlib, điều này làm cho Thổ Nhĩ Kỳ không hài lòng.
Đầu tháng 1-2018, Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần gửi công hàm đến Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ, yêu cầu Nga và Chính phủ Syria ngừng các cuộc tấn công. Dù cộng đồng quốc tế xác định Hayat Tahrir al-Sham là tổ chức khủng bố, có quan hệ mật thiết với tổ chức Al-Qeada, nhưng trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ đã dung túng và ngầm thừa nhận sự tồn tại của Hayat Tahrir al-Sham tại tỉnh Idlib, coi tổ chức này là lực lượng vũ trang quan trọng để đối trọng với quân đội Chính phủ Syria.
Trong tương lai, Hayat Tahrir al-Sham chắc chắn sẽ tiếp tục trở thành mối đe dọa quân sự của Nga tại Syria, và việc Thổ Nhĩ Kỳ ngầm đồng ý cho Hayat Tahrir al-Sham tồn tại ở tỉnh Idlib chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Nga trong thời gian tới.
Lập trường của Tổng thống Nga và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ bất đồng về Syria
Rủi ro quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ
Tháng 1-2018, Quân đội Syria tự do được Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ bắt đầu phát động chiến dịch quân sự nhằm vào khu vực Afrin nằm ở phía Tây Bắc Syria do PYD kiểm soát, Thổ Nhĩ Kỳ gọi đây là chiến dịch “Nhành ô liu”. Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Nga từ đây rơi vào tình thế tế nhị.
Trước khi chiến dịch “Nhành ô liu” được bắt đầu, Afrin là khu vực có sự hiện diện của quân đội Nga, nhưng sau đó Nga chủ động rút khỏi khu vực này, trên thực tế là trao quyền hành động quân sự cho Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực này.
Nhưng việc trao quyền hành động quân sự đối với khu vực Afrin không có nghĩa là Nga công nhận các hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào khu vực do người Kurd khác kiểm soát. Trong tương lai, mục tiêu quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ giới hạn ở tỉnh Afrin, mà hướng về phía Đông cho tới Manbij ở bờ Tây sông Euphrates, thậm chí vượt qua sông Euphrates, cho tới biên giới Syria-Iraq. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ cố tình tiến hành các hoạt động quân sự ở miền Bắc Syria thì chắc chắn sẽ làm dấy lên mối quan tâm của Chính phủ Syria và Iran, dẫn đến quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện sự rạn nứt nhất định.
Sau khi máy bay chiến đấu của Nga bị các phần tử vũ trang thuộc tổ chức Hayat Tahrir al-Sham bắn rơi ở tỉnh Idlib, phi công thiệt mạng, Nga ngay lập tức có hành động đáp trả bằng hàng loạt chiến dịch không kích nhắm vào tổ chức này và chắc chắn Nga sẽ có một loạt hành động quân sự khác tại tỉnh Idlib.
Những bước đi mới này của Nga đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng, vừa phải tấn công tổ chức cực đoan Hayat Tahrir al-Sham, vừa đạt mục tiêu chiến lược tại Syria nhưng quan trọng hơn cả là tránh rủi ro và thách thức lớn cho quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ có “toan tính” của riêng mình ở miền Bắc Syria, điều này rất có khả năng ảnh hưởng tới những tính toán chung của Nga ở Syria.