Belarus thử nghiệm hệ thống tên lửa Polonez ở Trung Quốc

ANTĐ - Belarus đã thử nghiệm hệ thống phóng tên lửa Polonez mới ở Trung Quốc, vốn có tầm bắn lớn hơn hệ thống Smerch từ thời Xô-viết. Hệ thống này có thể là kết quả của quá trình nghiên cứu bí mật giữa Belarus và Trung Quốc trong hơn một thập kỉ qua.

Trong buổi họp báo vào hôm 16-6, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết hệ thống tên lửa bắn loạt (MLRS) Polonez đã vượt qua bài thử nghiệm ở Trung Quốc.

Hệ thống Polonez được phát triển chung bởi Trung Quốc và Belarus trong khoảng hơn một thập kỉ qua 

Hiện đang có rất ít thông tin được công bố về hệ thống này và nó chỉ mới xuất hiện lần đầu tiên ở lễ duyệt binh Ngày chiến thắng vào hôm 9-5-2015 ở thủ đô Minsk, Belarus. Nhiều nguồn tin phán đoán rằng nó này có tầm bắn khoảng 200km và giống với hệ thống Norinco AR3 MLRS của Trung Quốc, được giới thiệu hồi 2011. Ngoài ra, đây nhiều khả năng là sản phẩm của sự hợp tác quân sự bí mật giữa Belarus và Trung Quốc trong thời gian qua.

“Đồng minh Nga thường không chủ động trong việc hỗ trợ những nguyện vọng của Belarus. Chúng tôi sẽ nói chuyện riêng với Tổng thống Putin về điều này. Tuy nhiên, nhờ có Trung Quốc, Belarus đã có thể xây dựng được hệ thống này”, Tổng thống Lukashenko cho biết.

Đây là hệ thống tên lửa bắn loạt được thiết kế ở Belarus, nước vốn không có khả năng chế tạo tên lửa, nhưng biết tạo ra các khung gầm cho những hệ thống kiểu này ở nhà máy Minsk Wheel Tractor. Belarus và Trung Quốc cũng đã hợp tác trong việc chế tạo khung gầm như cho tên lửa hành trình CJ-10 và tên lửa đạn đạo DF-11.

Hợp tác giữa 2 nước được tăng cường năm 2010, khi Trung Quốc xây dựng một nhà máy sản xuất chất cellulose, được sử dụng để làm nhiên liệu rắn cho tên lửa. 2 nước cũng nhất trí xây dựng một khu công nghiệp ở Belarus và thành phố Trường Xuân của Trung Quốc.

Trong năm 2011, Belarus và Trung Quốc tiếp tục tăng cường hợp tác trong việc  phát triển nhiều loại thiết bị quân sự mới. Vào thời điểm đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tiết lộ rằng họ đang làm việc với Belarus ở các hệ thống tên lửa đất-đối-không, trong đó Belarus phụ trách phần tự động hóa.

Tính đến năm 2013, Trung Quốc và Belarus đã được cho là cũng đang hợp tác trong việc hiện đại hóa hệ thống tên lửa bắt loạt Smerch. Như vậy, Polonez có thể là một sự phát triển của Belarus, nhưng nhờ sự hợp tác với Trung Quốc, mặc dù nó có thể sẽ sử dụng tên lửa A200 do Trung Quốc sản xuất.