Ấn Độ với tham vọng phát triển công nghệ tàu ngầm

ANTĐ - Chính phủ Ấn Độ đang thúc đẩy dự án hải quân P75I, đóng 6 chiếc tàu ngầm hạt nhân tấn công để bổ sung vào lực lượng 16 chiếc tàu ngầm đang phục vụ hiện nay và coi dự án này là mấu chốt để thúc đẩy năng lực đóng tàu trong nước.

Ấn Độ với tham vọng phát triển công nghệ tàu ngầm ảnh 1 Tàu ngầm hạt nhân chiến lược INS Arihant của Ấn Độ

Trong 16 tàu ngầm đang phục vụ hải quân Ấn Độ có tàu ngầm hạt nhân chiến lược INS Arihant, đây là chiếc tàu ngầm hạt nhân chiến lược đầu tiên do nước này chế tạo, hiện nay đang trong quá trình thử nghiệm trên biển. New Delhi hy vọng, trước năm 2027 sẽ đóng được 5 chiếc tàu ngầm lớp này.

Ngoài ra, Ấn Độ còn có một chiếc tàu ngầm hạt nhân tấn công “INS Chakra” lớp Akula Projet 971 thuê của Nga. “INS Chakra” gia nhập vào hải quân Ấn Độ ngày 4 – 4 - 2012, với thời gian thuê là 10 năm, đến năm 2022 sẽ hết hạn. Hiện nay nó đang được sử dụng để huấn luyện thuỷ thủ tàu ngầm hạt nhân tấn công trong tương lai.

Phía Ấn Độ hy vọng thông qua dự án P75I sẽ thu hút được công nghệ của nước ngoài, còn thiết kế và sản xuất do các nhà đóng tàu tư nhân trong nước thực hiện. P75I được chính phủ nước này phê chuẩn từ năm 2011, nhưng chính do các nhà máy đóng tàu tư nhân tham gia vào đấu thầu đã làm chậm tiến trình thực hiện dự án.

Năm 2011, Uỷ ban mua sắm quốc phòng lúc đầu đề xuất chỉ có nhà máy đóng tàu MDL và nhà máy đóng tàu HSL của nhà nước đảm nhiệm đóng 4 chiếc, còn 2 chiếc mua của nước ngoài. Nhưng sau đó, các nhà máy đóng tàu tư nhân yêu cầu chính phủ phải đưa dự án này vào đấu thầu cạnh tranh.

 

Tàu ngầm hạt nhân tấn công “INS Chakra”

Chính phủ khoá trước cũng đã xem xét đến tính kinh tế của việc mua sắm quốc phòng trong nước, nhưng chính phủ khoá mới do ông Modi lãnh đạo lại muốn nâng cao tính cạnh tranh của ngành công nghiệp quốc phòng của nước mình. Do đó, muốn giảm bớt tính độc quyền của doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân tham gia vào sản xuất công nghiệp quốc phòng.

 Sau khi dự án này được Uỷ ban An ninh Nội các Ấn Độ thông qua, một tháng sau, hải quân của nước này đã đề xuất gửi hồ sơ dự thầu cho 2 công ty tư nhân là: Công ty quốc phòng & công trình biển Pipavav và Công ty  Larsen & Toubro. Phương án này có thể mở rộng năng lực nội địa, nâng cao tính cạnh tranh trong nội tại, nhưng cũng tiềm một số rủi ro do tốn kém và lạm phát.

Hiện nay, Chính phủ do ông Modi đứng đầu đang quyết tâm thúc đẩy chính sách nền công nghiệp nội địa hoá, do đó, dự án P75I sẽ là dự án then chốt trong chính sách này.

Được biết, dự án này sẽ lựa chọn mô hình “mua sắm + chế tạo”, có nghĩa là các công ty nước ngoài cần phải chuyển nhượng công nghệ cho các nhà máy đóng tàu Ấn Độ, còn Chính phủ nước này sẽ giao cho các nhà máy đóng tàu tư nhân đảm nhiệm nhiều hơn vào các dự án trong nước.