Ấn Độ thất bại "cay đắng" trong thử nghiệm tên lửa hành trình Nirbhay

ANTD.VN - Ấn Độ lại một lần nữa thất bại trong việc phóng thử nghiệm tên lửa hành trình tốc độ cận thanh tự phát triển nội địa đầu tiên - Nirbhay do không thể khắc phục được các lỗi liên quan đến phần cứng của tên lửa.

Các nguồn tin quân sự từ Ấn Độ cho biết, vụ thử nghiệm thất bại chỉ 2 phút sau khi tên lửa Nirbhay được phóng đi từ bãi thử nghiệm tích hợp ở vùng Balasore, duyên hải miền đông Ấn Độ. Đánh giá ban đầu cho thấy tên lửa đã chệch hướng ngay từ giai đoạn đầu của đường bay. Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) đã gọi đây là "một thất bại cay đắng".

Tên lửa Nirbhay đã thất bại 4 lần trong phóng thử

Ấn Độ đã bắt đầu đầu tư vào dự án phát triển tên lửa Nirbhay từ năm 2010 với kế hoạch hoàn thành trong 3 năm, nhưng đây đã là lần thứ 4 nước này thất bại trong việc phóng tên lửa. Lần gần nhất họ thực hiện việc này là vào tháng 10-2015. Chính phủ New Delhi thậm chí còn chấp nhận đầu tư thêm so với số tiền ngân sách ban đầu nhưng điều này chưa đi đến bất kì kết quả khả quan nào.

Theo chuyên gia về công nghệ tên lửa ở Học viện Phân tích An ninh và Quốc phòng Rajiv Nayan, những sự thất bại này không nên bị coi là quá đáng lo ngại do các nhà khoa học của Ấn Độ phát triển tên lửa Nirbhay từ đầu và thất bại là một phần của quá trình nghiên cứu.

Trong tương lai, nước này sẽ có thể nhập khẩu được nhiều hệ thống hoặc công nghệ tên lửa từ nước ngoài do vừa kí Hiệp ước Kiểm soát Công nghệ tên lửa (MTCR) vào hồi tháng 6.

Tên lửa Nirbhay được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu ở khoảng cách xa 1.000km bằng đầu đạn nặng 300kg.