5 loại vũ khí hóa học cực độc bị cấm sử dụng trong chiến tranh

ANTD.VN - Tính tàn sát cực mạnh và hủy diệt trên diện rộng đã khiến chất độc thần kinh VX, sarin, khí độc mù tạt, phosgene và khí clo bị xếp vào danh sách vũ khí hủy diệt, cấm dùng trong chiến tranh, theo quy định của Liên Hợp Quốc.

Chất độc thần kinh VX

VX là một loại hợp chất cực độc họ Phốt pho, được phân loại là một chất độc thần kinh khủng khiếp vì nó ảnh hưởng đến việc truyền các xung thần kinh trong hệ thần kinh con người.

VX không mùi, không vị và ở dạng thể lỏng nhờn như dầu máy. Nó có tên khoa học IUPAC O -ethyl S - 2 - (diisopropylamino) ethyl] methylphosphonothioate.

Được tạo ra lần đầu tiên tại Anh vào giữa thập niên 1950, VX đặc biệt mạnh về tính độc, nó là một tác nhân thần kinh liên tục. Một khi được bơm vào khí quyển, nó chậm bay hơi và khó phát hiện. Trong điều kiện bình thường, VX có thể tồn tại nhiều ngày, còn nếu trong môi trường lạnh, nó có thể giữ nguyên trạng thái trong vài tháng.

Công thức hóa học của chất độc thần kinh VX

VX ở dạng khí nặng hơn không khí nên khi được rải ra không trung, nó sẽ chìm xuống vùng thấp hơn và tạo ra nguy cơ tiếp xúc với con người, sinh vật nhiều hơn. Chính vì đặc điểm này nên VX có khả năng tàn sát trên diện rộng và hủy diệt hàng loạt nạn nhân.

Chất độc VX tác động vô cùng nhanh vào hệ thần kinh con người. Chỉ 10mg VX tiếp xúc trên da người nó cũng có thể giết chết nạn nhân trong tích tắc, hay cụ thể 1 gam chất VX có thể giết chết hơn 50.000 người. Các triệu chứng nhiễm độc bao gồm tiết nước bọt, tức ngực, co thắt lồng ngực.

Cũng như các chất độc thần kinh khác, VX hoạt động dựa trên việc ảnh hưởng đến các enzyme acetylcholinesterase, chặn việc điều tiết các tín hiệu đến hệ thần kinh của phân tử acetylcholine. Khi các enzyme acetylcholinesterase bị chặn lại, các phân tử acetylcholine liên tục gửi tín hiệu mà không được hồi đáp khiến cơ bắp bị co thắt, nạn nhân sẽ bị chết vì suy tim và ngạt thở.

Các thùng đựng chất độc VX

VX còn có tên khoa học ethyl N-2-Diisopropylaminoethyl Methylphosphonothiolate, bị Liên Hợp Quốc liệt vào danh sách vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Trung tâm ngăn ngừa và kiểm soát bệnh dịch của chính quyền Mỹ nói rằng VX là chất độc mạnh nhất trong nhóm các chất độc thần kinh và chỉ được sử dụng trong chiến tranh hóa học

Chất độc VX đang là một trong những từ khóa được nhắc đến vào thời điểm hiện tại, sau khi Malaysia xác định VX được tìm thấy trên khuôn mặt của ông Kim Jong nam – anh trai của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Ông Kim Jong Nam bị 2 nữ nghi phạm sát hại tại sân bay Kuala Lumpur hôm 13-2. Một số chuyên gia nghi ngờ về việc các đối tượng dùng VX ám sát ông Kim Jong-nam. Bởi với tính chất hủy diệt kinh hoàng như vậy, tại sao chỉ có 1 mình ông Kim thiệt mạng, trong khi sân bay rất nhiều người, nghi phạm thực hiện vụ ám sát cũng may mắn sống sót?

Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất gần đây từ hãng tin Reuters và AP, ngày 24/2, cảnh sát trưởng Malaysia Khalid Abu Bakar cho biết một trong hai nữ nghi can giết hại ông Kim Jong-nam, cũng bị ảnh hưởng chất độc thần kinh VX.

Chất độc Sarin

Sarin (còn được gọi là GB) là một chất độc thần kinh không ổn định nhưng vô cùng độc hại. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sarin có khả năng gây chết người mạnh gấp 26 lần so với xyanua. Chỉ một giọt sarin nhỏ bằng kim châm cũng đủ để giết chết một người trưởng thành nhanh chóng.

Sarin là một chất lỏng không màu, không mùi ở nhiệt độ phòng, nhưng bốc hơi nhanh chóng khi bị nung nóng. Sau khi lan tỏa ra không khí, nó sẽ nhanh chóng xâm nhập vào cơ thể con người và trở thành mối đe dọa kinh hoàng.

Tương tự như VX, triệu chứng khi nhiễm độc sarin cũng bao gồm đau đầu, tiết nước bọt, chảy nước mắt, tiếp đó là co giật, tê liệt cơ bắp dẫn đến tử vong.

Sarin cũng có tính hủy diệt không kém VX

Sarin được chế tạo vào năm 1938 tại Đức, khi các nhà khoa học nghiên cứu thuốc trừ sâu. Tuy nhiên sau đó, quân đội Đức Quốc xã đã thâu tóm công thức này để sản xuất vũ khí hóa học.

Chất độc sarin được nhắc đến nhiều nhất kể từ sau vụ khủng bố kinh hoàng của giáo phái Aum Shinrikyo, tấn công nhằm vào các hành khách trên tàu điện ngầm ở Tokyo ngày 20/3/1995, khiến 13 người chết và hơn 6.000 người bị thương.

Dù cuộc tấn công này gây ra sự hoảng loạn lớn nhưng chỉ có 13 người thiệt mạng do sarin được phân tán ở dạng lỏng. Để đạt tối đa mức thương vong, sarin không chỉ được phát tán ở dạng khí mà kích thước phân tử khí nó phải đủ nhỏ để dễ dàng hấp thụ qua niêm mạc phổi và đủ nặng để không thở hắt ngược ra không khí.

Vào tháng 9-2013, Liên Hợp Quốc đã lên án một cuộc tấn công bằng tên lửa có thiết kế đặc biệt, có thể rải chất độc Sarin xuống Ghouta - vùng ngoại ô Damascus do lực lượng nổi dậy kiểm soát, khiến hơn 1.300 người thiệt mạng, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. 

Khí độc mù tạt

Khí mù tạt hay còn gọi là mù tạt lưu huỳnh, tên gọi của nó được bắt nguồn từ mùi hăng giống cây mù tạt (cây cải), tỏi hay hành tây. Khí mù tạt nguyên chất là chất lỏng nhớt không màu, ở nhiệt độ 25-28 độ C.

Khí mù tạt có tính sát thương lớn, gây ra những vết bỏng hóa học trên da, mắt và phổi. Nó có thể gây chết người, khiến nạn nhân tàn tật, gây ung thư hoặc mù vĩnh viễn. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh dịch Mỹ, khí mù tạt có thể tồn tại trong môi trường nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần.

Những người lính trong Chiến tranh thế giới thứ nhất bị mù do khí mù tạt

Khi tiếp xúc với khi mù tạt, bề mặt da sẽ bị bỏng, phồng rộp một vài giờ trước khi các mụn nước lớn xuất hiện, gây ra sẹo loét đau đớn. Đối với mắt, giác mác sẽ bị phá hủy, mắt sưng lên, chảy nước mắt liên tục và có thể bị mù chỉ vài giờ sau khi tiếp xúc. Nếu hít phải khí mù tạt, nạn nhân sẽ bị hắt hơi, khàn tiếng, ho ra máu, đau bụng và nôn mửa.

Tuy nhiên, không phải cứ tiếp xúc với khí mù tạt sẽ bị tử vong. Khí mù tạt được sử dụng lần đầu tiên trong Thế chiến I, nó chỉ giết chết 5% những người tiếp xúc với nó. Sau đó, mù tạt được sử dụng như vũ khí hóa học phổ biến trong cả 2 cuộc chiến tranh thế giới, cuộc nội chiến ở Yemen và chiến tranh Iran – Iraq.

Chất độc Phosgene

Cho đến ngày nay, phosgene được coi là một trong những vũ khí hóa học nguy hiểm nhất hiện có. Nó được sử dụng lần đầu tiên kết hợp cùng khí clo vào ngày 19-12-1915, khi quân đội Đức thả 88 tấn khí vào quân đội Anh, khiến 120 người thiệt mạng và 1069 người bị thương.

Trong Thế chiến I, nó chiếm 80% trong tất cả các trường hợp binh sĩ tử vong do chất độc hóa học. Mặc dù không độc hại như sarin hay VX nhưng nó dễ dàng để chế tạo và đưa vào sử dụng trên diện rộng.

Binh sĩ Anh bị thương do trúng chất độc phosgene trong cuộc tấn công của quân đội Đức năm 1915

Phosgene là một hóa chất công nghiệp được sử dụng trong chế tạo nhựa và thuốc trừ sâu. Nó là một tác nhân gây nghẹt thở, hoạt động dựa trên cơ sở tấn công các mô phổi.

Khi mới tiếp xúc, nạn nhân có triệu chứng ho, cảm giác cháy trong cổ họng và chảy nước mắt, xót mắt, thị lực mờ, thở dốc và ói mửa, sau đó khó thở, ho ra chất dịch màu hồng, huyết áp thấp, suy tim.

Khí Clo

Clo là một hóa chất công nghiệp có sẵn được sử dụngvới nhiều mục đích hòa bình, bao gồm làm thuốc tẩy trong sản xuất giấy và vải, làm cho thuốc trừ sâu và hỗ trợ trong ngành công nghiệp sản xuất nước sạch.

Khí clo có màu vàng xanh và có mùi tương tự như thuốc tẩy. Giống như phosgene, nó là một tác nhân gây nghẹt thở, cản trở hô hấp và làm tổn hại các mô trong cơ thể. Clo có thể phản ứng với nước trong niêm mạc của phổi để tạo thành axit clohydric, một chất kích thích có thể làm chết người.

Phân tử clo lan nhanh chóng trong không khí và ở gần mặt đất do nó nặng hơn không khí. Mặc dù ít nguy hiểm hơn các chất hóa học khác nhưng clo cũng là chất độc hóa học bị cấm trong chiến tranh.

Quân Đức đã sử dụng Clo để tiêu diệt đối phương trên chiến trường lần đầu tiên vào ngày 22/4/1915. Người Đức đã triển khai hàng ngàn bình khí clo và tiêu diệt toàn bộ 2 sư đoàn của Pháp và Algeria. Khí độc này khiến nạn nhân cảm thấy đau nhói ở cổ họng và ngực.

Trong tháng 6-2013, thanh tra của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học OPCW đã tuyên bố rằng “các chất gây kích ứng lên động mạch phổi như clo, đã được sử dụng hệ thống trong một số cuộc tấn công tại Syria”, sau khi Tổng thống Assad cam kết từ bỏ vũ khí hóa học trong chiến tranh.