"Vua" sáng chế máy bay, tàu thủy

ANTĐ - Là một ngư dân ít chữ sống bằng nghề biển nhưng chỉ với niềm đam mê biển cả, lão ngư dân Nam Bộ - Nguyễn Văn Léo (65 tuổi), ở ấp Thới Lợi 2, xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre đã tự mày mò, kỳ cạch đục đẽo, chế tác ra bộ sưu tập gần 400 loại tàu thuyền, máy bay thời chiến, ngư cụ đánh bắt thủy, hải sản... Tất cả chúng đều có kích thước “tí hon” vô cùng độc đáo. Với những sáng chế này, ông Léo được mệnh danh là “vua” sáng chế máy bay, tàu thủy và  là nghệ nhân duy nhất được ghi vào sách kỉ lục Guiness với bộ sưu tập độc nhất vô nhị ở Việt Nam chưa từng có.
"Vua" sáng chế máy bay, tàu thủy ảnh 1

Tình yêu biển cả chưa bao giờ cạn

Làng biển Thới Thuận mùa này gió thổi mạnh cuốn theo cái mùi vị mằn mặn thân quen của muối. Hít hơi thở nhẹ nhàng, nhìn ra cửa biển, nghệ nhân Nguyễn Văn Léo (hay còn gọi là ông ba Léo) nhắc lại chuyện ra khơi mấy chục năm về trước. Giọng ông ba Léo trầm trầm kể, dòng họ, tổ tiên gia đình ông và người dân làng Thới Thuận này có nghề đi biển gia truyền. Thuở nhỏ, học hết lớp 4 trường làng, ông ba Léo đã theo cha đi tàu biển đánh bắt ngoài khơi xa. Yêu nghề, nhanh nhẹn nên đến năm 18 tuổi, ba Léo đã sớm trở thành một tài công dày dặn kinh nghiệm.

 

Ông ba Léo cho biết, vùng đất Thới Thuận là xã cuối cùng của huyện Bình Đại. Thời chiến tranh nơi này là vùng bắn phá tự do của địch, bom đạn cày xới ác liệt nên đã có không ít người bỏ làng, tản cư đi nơi khác sinh sống. Trong số đó có gia đình ông ba Léo. Năm 1971, gia đình ông Léo di tản ra tận tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Dù đi tản cư nhưng ông ba Léo vẫn bám biển mưu sinh. Ông đã từng đi đánh bắt ở khắp nơi, vươn khơi ra ngư trường lớn, có khi sang tận vùng biển giáp Campuchia. Đi biển nhiều nên đối với ông ba Léo, các loại tàu thuyền đánh bắt và ngư cụ của thời xa xưa, chúng chẳng còn xa lạ gì với ông nữa. Và suốt mấy mươi năm hành trình ra biển cả, hình ảnh những con tàu bồng bềnh trên sóng nước đã in sâu vào tâm trí của lão ngư dân ba Léo.

Đất nước thống nhất, ông Léo quay về lại làng quê biển ở xã Thới Thuận làm ăn sinh sống. Do đã đến tuổi “về hưu” nên ông Léo phải “gác chèo” lên bờ không còn xa khơi nữa. Dù vậy, với ba Léo tình yêu biển cả vẫn còn nồng nhiệt như ngày nào. Rồi ông Léo nhắc chuyện khởi nguồn “đóng” tàu gỗ, ngư cụ, làm xuồng ghe các loại...  Ông Léo chia sẻ, bao nhiêu năm lênh đênh trên biển cả, con tàu đã gắn bó sâu đậm với cuộc đời ngư dân miền biển.

Cho đến ngày nay, cuộc sống hiện đại, ông xót xa vì có không ít kiểu ghe chài, tàu cá, thuyền nang... khi xưa, giờ đã dần mất bóng. Suy nghĩ mãi rồi ông Léo quyết tâm tìm cách lưu giữ lại nghề biển truyền thống của cha ông đời trước, để con cháu đời sau còn nhớ đến.  “Nhớ lần đầu tiên làm con tàu gỗ, phải nói là vạn sự khởi đầu nan, không thạo nghề mộc, tốn nhiều công sức lẫn thời gian nhưng tôi vẫn không nản, quyết chí làm cho bằng được. Với tôi, nghề đi biển như đã ngấm sâu vào máu thịt không thể dứt rời và chính từ đó đã thôi thúc tôi chế tác nên những con tàu gỗ mô phỏng” - ông Léo hồ hở nói. 

Ông Léo cũng cho biết, trước tiên, ông “đóng” những loại ghe chài, ghe cào, tàu cá đặc trưng ở làng biển Thới Thuận - quê hương của ông. Sau đó là ghe, thuyền của người Nam Bộ xưa đủ loại: xuồng ba lá, đò ngang, đò dọc,  phà, tàu du lịch… Và gần đây nhất, ông Léo đã mất thời gian gần một năm trời để hoàn thành chế tác chiếc tàu chiến quân sự của Mỹ với kết cấu phương tiện y như thật. Suốt hơn 20 năm sáng chế, đến nay, “bảo tàng” của ông Léo có đến hàng trăm mẫu hiện vật thú vị như các loại tàu ghe về biển, sông nước Nam bộ xưa và nay. 

"Vua" sáng chế máy bay, tàu thủy ảnh 2

Ông Léo bên chiếc tàu gỗ mô phỏng như thật

Lưu giữ ký ức chiến tranh

Sau khi hoàn thành bộ sưu tập tàu, ghe các loại, khoảng vài năm sau ông Léo lại tìm về đề tài ký ức chiến tranh. Tập tành rồi cũng thạo được nghề mộc, ông chuyển sang sáng chế máy bay. Ông ba Léo nói: “Ban đầu tôi làm được hơn 15 mẫu máy bay mà tôi đã từng biết. Xong, hết “kiến thức”, tôi đi tham quan tại các bảo tàng ở TP.HCM và một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, ngắm xem hình ảnh những chiếc máy bay trưng bày ở đó. Mỗi nơi tới tôi đều ghi chép lại cẩn thận từng chi tiết của từng loại phương tiện. Sau đó, tôi tự mày mò sáng chế ra mẫu các máy bay này”. 

Ông ba Léo còn cho biết, từ khi bắt tay vào “đóng” máy bay, hàng ngày ông quên cả việc lo kinh tế cho gia đình, chỉ đam mê “tay rìu, tay búa” đục đẽo. Với sự bền bỉ sáng chế, đến nay “bảo tàng” của ông  có đến hơn 200 mẫu máy bay và hiện vật về đề tài chiến tranh. Tất cả chúng đều được làm từ chất liệu gỗ được lắp ráp tinh vi khéo léo.

Theo ông ba Léo, toàn bộ các chế tác này là các loại phương tiện máy bay, trực thăng tối tân của Pháp và Mỹ: máy bay ném bom B52, B57, máy bay vận tải quân sự, máy bay chỉ điểm… Các loại máy bay này còn được gọi theo lối dân gian của người dân Thới Thuận là: cào cào, sâu róm, bồ nốc… Trong quá trình sáng chế, hễ chiếc máy bay nào mà ông “bí” về cấu tạo thì ông lại tìm đến các bậc “tiền bối” nhờ chỉ bảo rồi ông về lọ mọ đục đẽo, phác thảo ra nó y như thật.

Việc làm khác thuờng của ông già Nam Bộ -  ba Léo khiến nhiều người phải trầm trồ, kinh ngạc. Mấy cụ lão làng ở xã Thới Thuận đã từng ghé thăm “bảo tàng” của ba Léo và hỏi vui dí dỏm, “tại sao ông sống ở mặt đất mà ông hiểu hết các loại máy bay, bay trên bầu trời?!”. Nghe vậy, ông già đúng chất Nam Bộ - ba Léo chỉ cười hóm hỉnh rồi giải thích rằng: “Vì hồi đó tôi sống vùng đất này đã phải “chịu trận” của hàng loạt máy bay của địch bắn phá, ném bom nên tôi chẳng còn xa lạ gì hình dáng của chúng nữa”.

Cũng vì ông Léo đang sở hữu cả một “kho tàng” máy bay độc, lạ nên trẻ con làng Thới Thuận gọi ông ba Léo bằng cách xưng hô thân mật là “ông ba máy bay”. Nghe vậy, ông ba Léo cũng thích thú cười đắc chí với cách xưng hô này.  Ông Léo bộc bạch, “đây là tấm lòng của tôi với vùng biển trời của quê hương. Tôi làm ra chúng không tính đến chuyện mua bán bao giờ mà tất cả chỉ muốn để lưu giữ lại nghề biển thời xưa của ông cha ta và một phần ký ức chiến tranh thời gian khó”. Khi đã đầy đủ bộ sưu tập tàu, thuyền và máy bay mô hình ông ba Lèo còn nảy sinh một ý tưởng lạ đời. Ông lại “vẽ” nên một góc phong cảnh“quê mình đổi mới” hay các bộ sưu tập khác như: mô hình hầm tránh đạn, tránh pháo, nhà dân gian.. làm bằng gỗ do chính ông đục đẽo ghép nên, trông tinh xảo vô cùng. 

Làng quê mình đổi mới 

Dẫn chúng tôi tham quan “bảo tàng” của mình, ông ba Léo như chìm đắm trong miên man của miền ký ức về biển, về đề tài chiến tranh. Ông rành rọt giới thiệu từng mẫu vật trong “bảo tàng” của mình. Phần lớn tàu thuyền và ngư cụ của ông ba Léo gắn liền với đời sống sinh hoạt của dân làng miệt sông nước Nam Bộ, mỗi một mẫu ông chỉ phác thảo một hiện vật duy nhất. Qua lời giới thiệu của ông ba Léo, chúng tôi càng hiểu và trân trọng hơn giá trị của bộ sưu tập độc nhất vô nhị của ông bởi chúng hoàn toàn 100% có thật từ đời thường được ông kì công, đục đẽo phục chế nên.

Chính những sáng chế lạ đời này, năm 2010, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục cho nghệ nhân Nguyễn Văn Léo có: “Bộ sưu tập mô hình tàu thuyền khai thác thủy sản và đường sông nhiều nhất”. Ông ba Léo hiện là hội viên Chi hội Di sản văn hóa tỉnh Tiền Giang. Những sản phẩm của ông Léo nhiều lần được triển lãm tại các sự kiện, lễ hội lớn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Ông Léo cho biết, nhiều cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại Bến Tre và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã trả giá hàng chục triệu đồng nhưng ông từ chối không bán. 

Hỏi ông ba Léo về những dự định tương lai đối với bộ sưu tập này, đôi mắt đăm chiêu ông ba Léo nhìn ra phía cửa biển mà trải lòng mình: “tôi rất lo lắng những ký ức về chiến tranh một thời gian khó sẽ mai một đi và nghề biển của thời xa xưa sẽ dần mất bóng. Tôi còn có ước nguyện là sẽ hiến tặng toàn bộ các hiện vật này cho địa phương xã Thới Thuận để làm bảo tàng trưng bày. Nơi để người dân tới tham quan, tìm hiểu những hình ảnh chân thật về một thời chiến tranh tàn khốc ở Nam bộ, để nhớ lịch sử quê nhà và đừng quên sông biển”.