Về chùa Sùng Nghiêm gặp sư thầy có 9 người con

ANTĐ - Chỉ cần về đến huyện Tứ Kỳ hay Gia Lộc, Thanh Miện (Hải Dương), hỏi thăm sư Lương – cha của 9 bé bị bỏ rơi hầu như ai cũng biết. Những việc làm thiện nguyện của thầy đã làm ấm lòng biết bao người dân nơi đây.

Sư thầy Thanh Lương và 8 "người con" của mình (bé út Tâm An còn nhỏ)

Duyên Phật và tình yêu con trẻ

Sinh ra ở xã Tân Hưng, huyện Gia Lộc (Hải Dương) và như duyên phận, sư thầy Thanh Lương quy y cửa Phật năm 14 tuổi. Khi thầy ngỏ ý muốn được theo nghiệp tu hành, trong gia đình thầy không có ai đồng ý. Nhà đông anh em (5 người con), thầy lại là con út, sinh ra lúc gia đình nghèo khó, từ nhỏ đã vất vả nên được cha mẹ rất thương. Họ lo lắng nếu thầy theo con đường ấy sẽ gặp nhiều gian truân.

Sau khi học xong kinh kệ (sách kinh của đạo Phật), thầy được dân làng Cự Lộc, xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ đón về làm trụ trì chùa Sùng Nghiêm (chùa Dọc). Ở quê, người dân còn nghèo khó nên chùa hoang sơ, các gian thờ Phật lúc ấy chưa có mấy. Thầy về, xắn quần, xắn áo… cùng người dân đào đất làm nền, móng để xây chùa, trồng cây, kiến thiết cảnh chùa cho khang trang, sạch đẹp.

Dù theo nghiệp tu hành nhưng sư thầy Thanh Lương lại rất mực yêu con trẻ. Mỗi lần tình cờ nghe ai đó kể chuyện về các bé có mảnh đời bất hạnh, nhỏ tuổi mà đã phải lang thang trên các thành phố, ngày đi xin ăn, tối đến ngủ dưới gầm cầu hay góc khuất nào đấy thầy đều không giấu nổi nước mắt.

Tháng 8 năm 2006, với tấm lòng yêu trẻ, sư thầy Thanh Lương đã nhận bé Phúc – mới sinh ra đã bị bỏ rơi về nuôi. Khi nhận về, bé vẫn còn đỏ hỏn, sư thầy 27 tuổi một mình vừa quán xuyến các việc của nhà chùa, vừa làm các việc của một người “mẹ trẻ”. Xuất gia khi vừa đến tuổi thiếu niên, chưa bao giờ quấn tã, thay áo, tắm rửa cho trẻ sơ sinh… những ngày đầu đón bé Phúc về, sư thầy Thanh Lương cũng phải nhờ người chỉ dẫn rồi thầy làm theo, dần dần thầy trở nên khéo tay lúc nào không biết. Thời gian đó, thầy phải chịu những lời ra tiếng vào không ít. Nhiều người không hiểu chuyện, họ xì xào bàn tán, nói “Hay là con của thầy, người ta sinh ra rồi bỏ đấy, thầy phải nhận về nuôi”… Đã bao đêm thầy nằm ôm bé Phúc khóc, vừa thương thân phận hẩm hiu của con trẻ, khi sinh ra đã không có bố mẹ chăm sóc, vừa thương phận mình chẳng may làm ảnh hưởng đến tiếng tăm của nhà chùa và cha mẹ, xóm giềng ở quê. Đến khi làm khai sinh cho bé, mọi thứ còn rắc rối và khó khăn hơn nữa. Thầy ở bên hội phật giáo của tỉnh, thủ tục nhận con và làm giấy khai sinh cho bé không dễ chút nào. Thầy đã phải rất kiên trì, cố gắng để có thể đặt tên cho Phúc và tiếp tục nuôi bé cho đến bây giờ.

Đến năm 2007, thầy lại nhận thêm bé Đức về nuôi. Bé chẳng may bị thoát vị bẹn, thầy phải chạy ngược chạy xuôi nhờ người quen giúp đỡ mới may mắn chữa khỏi bệnh cho bé. Lúc này, những tin đồn ngang trái cũng bớt đi và người ta tin vào tấm lòng từ bi, yêu thương chúng sinh, đặc biệt là các em bé vừa sinh ra đã bị bỏ rơi của thầy. Hiện giờ thầy đã trở thành cha của 9 cháu bé, gồm 6 bé trai và 3 bé gái là Vương Tâm Phúc (sinh năm 2006), Vương Tâm Đức (2007), Vương Tường Linh (2008), Vương Tâm Hiếu (2008), Vương Tâm Hòa (2008), Vương Tường Vi (2009), Vương Tường Mai (2010), Vương Tâm Thiện (2011), Vương Tâm An (2013).

Khi tôi thắc mắc, hỏi sao các bé đều có họ Vương, thầy cười hiền từ nói: “Vương là họ của thầy. 9 bé đều là các con thầy. Trong mỗi tên bé trai, thầy đều có đệm chữ “Tâm” với mong muốn các con lớn lên sẽ trở thành những công dân tốt, sống có tâm, có đức, hiền lành và lương thiện. Còn tên đệm của các bé gái, thầy lấy chữ “Tường” với hàm ý cát tường và an lành.”

Năm 2009, sư thầy Thích Thanh Lương lại được đón về làm trụ trì chùa Vinh Quang (chùa Luồi, xã Hùng Sơn, huyện Thanh Miện). Không giống như nhiều địa phương ở vùng thôn quê, hầu như mỗi làng, mỗi thôn đều có một ngôi chùa riêng để thờ tự, Hùng Sơn chỉ có một ngôi chùa duy nhất để dân làng đến bái Phật và cầu bình an. Từ chối không đành, lúc này thầy lại ngược xuôi, tất bận với công việc của cả hai nhà chùa. Hai chùa cách nhau khoảng 15 cây số, vậy mà có những ngày thầy đi đi về về 4, 5 lượt. Trời mưa, gió rét hay nắng to, nóng nực, phật tử ai cũng thương thầy phải long đong, vất vả, thầy chỉ cười và nói rằng: “Thầy phải qua chùa trên để xem bọn trẻ ra sao, xem các con đã tắm chưa, ăn uống thế nào, không nhìn thấy chúng thầy không an tâm”.

Buổi trưa, lũ trẻ đã ngủ yên, sư thầy Thanh Lương chăm chú đọc kinh kệ
Về chùa Sùng Nghiêm gặp sư thầy có 9 người con ảnh 3

3 bé (từ trái qua phải) Tường Vi, Tâm Hiếu, Tường Mai đã đi học mẫu giáo 
Về chùa Sùng Nghiêm gặp sư thầy có 9 người con ảnh 4
Gian nhà tại chùa Sùng Nghiêm được phật tử và các nhà hảo tâm quyên góp
xây dựng làm nơi ngủ nghỉ cho các em

Về chùa Sùng Nghiêm gặp sư thầy có 9 người con ảnh 5

Chùa Vinh Quang đang xây dựng nên 5 em bên này ngủ tạm ở đây

Làm cha khó vô cùng

Khi tôi đang nói chuyện với thầy thì có một phật tử đến. Thầy hỏi thăm con cái họ hiện giờ học lớp mấy. Cô ấy trả lời và rất tự nhiên, thầy nói: “Bao giờ bọn trẻ con nhà thầy mới được như vậy”. Rồi thầy nói, mong ước lớn nhất của thầy bây giờ là các con được mạnh khỏe, học hành tốt, biết nghe lời, còn chuyện sau này ra sao, thầy sẽ tính sau.

9 bé được sư thầy Thanh Lương nhận về nuôi đều là từ lúc mới sinh ra đã bị cha mẹ bỏ. Bây giờ thì bé Phúc – “con trai cả” của thầy cũng đã học đến lớp 2. Lũ trẻ đều quấn thầy, nhác thầy bóng thầy về là các bé chạy ùa ra và reo to “ba về, ba về” rồi theo vào phòng thầy làm nhiều lúc thầy cũng khóc khi phải xa chùa mấy ngày mới được gặp lại các con. Phải chăng tình yêu trẻ, sự gần gũi và quan tâm của sư thầy Thanh Lương đã làm các bé đều lớn nhanh và ngoan ngoãn? Thầy không giấu niềm vui khi bảo với tôi: “Thầy bận việc của chùa nên các con  phải ở nhà với các bà. Bà nấu cơm và đưa đón các bé đi học, đến trường mẫu giáo, trường tiểu học. Người ta cứ bảo đứa nào cũng nhác giống thầy”.

Thầy nói: “Nuôi trẻ là cái khó nhất rồi. Các cụ nói có gì dễ mà thành công đâu. Nhiều người nói, tại thầy mà họ cứ mang bầu, sinh ra rồi bỏ đấy thầy nuôi nhưng thầy bảo mình cứ biết nuôi thôi, nước đến đâu thì bắc cầu đến đấy. Bảo là mình làm từ thiện thì cũng không đúng vì nếu mình nuôi dạy các con không tốt thì vô hình chung mình còn làm hại chúng”. Kỷ niệm vui nhất với thầy là có lần thầy nằm mà tám đứa đều đòi gối tay thầy, thầy không biết phải làm sao. Hôm trước, thầy vắng nhà, bé Tâm Thiện – bé thứ 8 đòi bà cho uống sữa, bà không cho (vì thầy đã dặn, phải hạn chế cho Tâm Thiện uống sữa vì bé mập rồi, thầy lo bé sẽ bị béo phì) nên khóc và đòi ra nhà bác Bảo – hàng xóm gần đó ở. Thầy về, nghe bà kể chuyện lại, thầy giải thích với Tâm Thiện nguyên nhân vì sao bà không cho bé uống sữa và yêu cầu bé ra xin lỗi bà.

9 bé với 9 tích cách khác nhau, chẳng bé nào giống bé nào. Nhiều lúc thầy phải làm mặt nghiêm để các bé chịu nghe lời bà, ăn uống và học hành chăm chỉ. Nghe tôi hỏi đến chuyện cha mẹ của các em đến xin nhận lại con, thầy đáp: “Thầy không ngăn cản họ nhưng họ phải đúng là cha mẹ thật của các con và cam kết với thầy, khi về sẽ không hắt hủi trẻ, phải thương yêu chúng. Còn không, thầy sẽ nuôi đến khi chúng lập gia đình, có vợ có chồng thì mới thôi.”

Vườn bắp cải xanh mướt có bàn tay chăm sóc của sư thầy Thanh Lương

Tấm gương cho phật tử

Ngoài những giờ lên chùa tụng kinh, những ngày không phải đi đâu, sư thầy Thanh Lương lại cùng mọi người trong chùa dọn dẹp vườn tược, cuốc đất, trồng rau… Thầy chăm chỉ, chịu khó, không quản công việc nặng nhọc. 

Bà Phạm Thị Thái, 63 tuổi (thôn Phù Nội, xã Hùng Sơn) – người được sư thầy Thanh Lương nhờ chăm sóc 5 bé ở chùa Vinh Quang nói với tôi: Thầy niềm nở, gần gũi với dân lắm, không phân biệt người nào. Thầy vắng chùa mấy ngày là không ít người hỏi thăm thầy, hỏi thầy đi đâu, có người còn nói nhớ thầy. Thầy về chùa Vinh Quang, ổn định nhà thờ Tổ, nhà Mẫu rồi thầy hỏi ý kiến làng xã và các phật tử, mọi người đồng ý để thầy đưa 5 bé xuống dưới này để chùa trên bớt đông và để ở đâu thầy cũng được thấy con trẻ cười vui, nô đùa. Cũng may là các bé ngoan, ít ốm nên thầy cũng đỡ vất vả. Người dân nơi đây ai cũng quý trọng thầy, khâm phục thầy vì thầy nói là làm.

Cô Trọn chăm chú nhìn Tâm An, dù mới gần 3 tháng rưỡi nhưng nom bé rất cứng cáp

Còn cô Trần Thị Trọn, 49 tuổi (quê ở xã Nghĩa An, huyện Ninh Giang) – người làm nghề trông giữ trẻ từ lúc mới sinh, nay được hơn 10 năm, sau khi nghe mọi người kể về những việc làm thiện nguyện của sư thầy Thanh Lương cũng đã đồng ý ở lại chùa Sùng Nghiêm để chăm sóc bé Tâm An (vừa sinh ra đã bị bỏ ở bệnh viện huyện Tứ Kỳ, nay được gần 3 tháng rưỡi). Cô Trọn kể: Thầy vừa đón bé về được mấy hôm, Tâm An đã bị viêm phổi, đêm thầy phải đưa bé đi bệnh viện cấp cứu trong khi thầy bị cảm, ăn được một chút là lại nôn ra hết. Lúc ấy nhìn thầy vậy, ai cũng thương. Cũng may là bé không sao. Thầy còn bảo cô Trọn ở đây hơn chục năm nữa, khi nào Tâm An lớn mới để cô về. Cô nói với tôi: “Mọi người cứ bảo, đang trông trẻ ở Quảng Ninh được nhiều tiền mà giờ lại về đây, nhưng với tôi tiền tiêu thì chừng nào cũng hết, biết thế nào là đủ. Trông trẻ là vui rồi, thầy cho bao nhiêu thì cho, mình không đòi hỏi. Cái tình là chính”. Thầy rất chu đáo, quần áo của 9 bé, ngoài được mọi người xa gần tặng cho thì chủ yếu là thầy mua, thầy nói “Con tôi, tôi phải mua quần áo cho chúng nó chứ”. Những ngày cuối tuần, bọn trẻ không phải đến lớp, thầy lại đưa các bé ở chùa Vinh Quang về gặp anh chị, các em ở chùa Sùng Nghiêm và ngược lại. Thầy luôn nhắc nhở các bé đều là anh em một nhà, phải thương yêu, nhường nhịn nhau .