Ước mơ dang dở của phó chủ tịch xã tử nạn trên đường đi công tác

ANTĐ -Trên đường đi công tác, Sơn không may gặp tai nạn và qua đời. Bao giấc mơ dang dở, lời hứa xây nhà để cưới vợ về chung sống với người mẹ già còn chưa kịp thực hiện.

Phó chủ tịch xã tử vong trên đường đi công tác

Hơn 10 ngày sau vụ tai nạn thương tâm khiến Lê Anh Sơn (SN 1988) ở xóm 2, xã Bắc Sơn, Đô Lương, tỉnh Nghệ An tử vong, nhiều người vẫn qua lại ngôi nhà nhỏ để hương khói cho anh. Trên chiếc ban thờ mới lập, nhang khói nghi ngút, bức di ảnh của chàng trai trẻ tuổi với khuôn mặt rạng ngời khiến nhiều người không cầm được nước mắt.

Sự việc xảy ra vào chiều ngày 13-11, bà Lê Thị Lạng (SN 1963) nhận được điện thoại của con trai là Lê Anh Sơn thông báo đang trên đường về quê để lấy một số giấy tờ cần cho công việc. Theo như lời Sơn báo, anh sẽ ghé qua nhà để đưa thuốc cho mẹ.

Ước mơ dang dở của phó chủ tịch xã tử nạn trên đường đi công tác ảnh 1
Di ảnh của Lê Anh Sơn

Bà Lạng bị lipit túi mật, u xơ tử cung nhưng chưa có điều kiện đi phẫu thuật nên Sơn hỏi được một bài thuốc của đồng bào dân tộc nơi mình công tác liền cắt về cho mẹ uống thử.

Trước khi xảy ra vụ tai nạn giao thông, Sơn đang là Phó chủ tịch xã Yên Hòa, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An theo dự án 600 tri thức trẻ công tác tại 62 huyện nghèo trong cả nước. Sơn nhận công tác từ cuối năm 2012, chỉ 1 năm nữa là dự án kết thúc.

Ông Lô Thái Sinh – Bí thư Đảng ủy xã Yên Hòa cho biết: “Do yêu cầu cấp rút phải hoàn tất hồ sơ đánh giá, xếp loại Đảng viên để báo cáo lên Huyện ủy nên chiều thứ 6 (ngày 13-11), cơ quan cử đồng chí Sơn về lấy xác nhận của cơ sở để xếp loại đảng viên cuối năm. Không ngờ trên đường về thì Sơn gặp tai nạn”.

Chân dung phó chủ tịch xã Lê Anh Sơn

Trước cái chết của Sơn, rất nhiều người thương cảm bởi chàng trai này đã gặp không ít bất hạnh từ bé. Ngày Sơn mới sinh được 8 tháng đã bị bố bỏ rơi. Một mình bà Lạng lao động để nuôi Sơn và ông bà ngoại già yếu. 7 năm sau, người em trai của Sơn ra đời khiến cho kinh tế gia đình ngày càng khó khăn. Thương mẹ, anh em Sơn bảo ban nhau học hành.

Ngày Sơn tốt nghiệp trường Đại học nông nghiệp với tấm bằng loại ưu chàng trai tình nguyện tham gia dự án 600 tri thức trẻ để xông pha vào nơi khó khăn của các huyện nghèo. Lê Anh Sơn nhận công tác trên cương vị là phó chủ tịch xã phụ trách nông – lâm – ngư ở xã Yên Hòa, huyện Tương Dương.

Thương và tôn trọng quyết định của con trai, bà Lạng chỉ biết động viên con cố gắng hoàn thành công việc. Ông Hoàng Văn Xuyên, bác rể của Sơn cho biết: “Nó là đứa hiểu chuyện, thương em và thương mẹ. Bao nhiêu năm công tác ở Yên Hòa dù cách nhà hơn 100km nhưng những lúc rảnh rỗi nó đều về thăm nhà. Thằng Sơn là niềm hi vọng của mẹ nó, giờ nó mất đi mẹ nó không biết sống thế nào. Chúng tôi chỉ sợ chị ấy suy sụp khiến bệnh tình ngày càng thêm nặng”.

Dang dở ước mơ về mái ấm gia đình nhỏ

Ngày nhận công tác, hành trang của Sơn là một ba lô các loại sách chuyên ngành và chiếc xe đạp cũ. Với địa hình đồi núi, chiếc xe đạp của Sơn không thể sử dụng được. Thương chàng trai trẻ, ông Lô Thái Sinh đã động viên Sơn mua chiếc xe máy để tiện đi lại. Tháng lương đầu tiên và số tiền 10 triệu đồng tiền thu hút, Sơn đã mua chiếc xe máy cho riêng mình. Đây cũng là tài sản có giá trị nhất của chàng trai này.

Trên cương vị công tác của mình, Sơn đã tham mưu cho Đảng ủy chính quyền, đề ra các chủ trương, kế hoạch, phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt là công tác phát triển nông nghiệp, hướng dẫn nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăm lo xây dựng các mô hình kinh tế hộ gia đình phát triển, góp phần trong công cuộc xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Bà Lạng suy sụp trước cái chết của con trai

Sau cái chết của con trai, bà Lạng suy sụp hẳn, người làm mẹ lúc tỉnh, lúc mê thường gọi tên con trong vô vọng. Nghẹn ngào bà kể lại: “Cách đây 1 tháng, Sơn về nói vay tiền xây căn nhà nhỏ để sang năm cưới vợ. Nghe con nói, tôi vui lắm. Cảnh nhà mẹ con côi cút bao nhiêu năm nay, em trai nó đi học xa, nếu có con dâu thì vui quá. Tôi đang đếm từng ngày để thấy con trai mình hạnh phúc thế mà ông trời đã cướp đi niềm vui, niềm hi vọng của tôi”.

Dòng nước mắt trào ra nơi khóe mi, người nhà lo lắng bà Lạng nghĩ quẩn nên cử người túc trực chăm sóc cho bà. Tâm nguyện của Sơn là khi hết thời hạn dự án sẽ xin về công tác gần nhà để chăm sóc cho mẹ. Căn nhà mơ ước của Sơn mới chỉ hoàn thành xong phần móng với diện tích vẻn vẹn có 36 m2. Nếu chuyện đau lòng không xảy ra thì có lẽ đây sẽ là mái ấm gia đình của Sơn và người con gái mà chàng trai này thương yêu.

Suốt 3 năm công tác địa phương, Sơn được Chi bộ, Đảng bộ xếp loại cán bộ hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được bà con dân bản tin yêu, đồng chí đồng đội quý mến. Bởi vậy sự ra đi đột ngột của Lê Anh Sơn khiến cán bộ, nhân dân xã Yên Hòa không khỏi thương tiếc. Ngày tiễn Sơn về đất mẹ, dù xa xôi cách trở nhưng tất cả cán bộ, đảng viên trong Đảng ủy, UBND xã Yên Hòa đã vượt đường xa về tiễn đưa anh.

Những kỷ vật là chiếc ba lô, những quyển sách hay những tờ giấy khen của Sơn được bà Lạng gói ghém cẩn thận. Dường như trong căn nhà nhỏ đó, hình bóng của Sơn vẫn hiện diện. Mỗi lần nhìn di ảnh của con, bà Lạng lại không cầm được nước mắt: “Con ơi, con bỏ mẹ mà đi sớm quá, sao không để mẹ chịu nỗi đau này cho con chứ con ơi”.

Cái chết của Sơn là một mất mát lớn của gia đình và đồng nghiệp. Do Sơn tử nạn trong lúc thi hành công vụ nên lãnh đạo chính quyền địa phương đang có phương án sẽ làm việc với Huyện ủy, UBND huyện Tương Dương xem xét, đề nghị các cơ quan chức năng giải quyết chế độ cho Sơn.

Rời căn nhà nhỏ của gia đình Sơn khi trời đã về chiều, tiếng khóc nỉ non, tiếng gọi tên con của người mẹ như rời vào khoảng không vô tận. Chàng trai trẻ đoản mệnh khi bao dự định, mơ ước còn dang dở.