Từ bà trùm buôn ma túy hoàn lương thành người canh nghĩa trang liệt sỹ thầm lặng

ANTĐ - Bà Nguyễn Thị Hảo, ở phường 6, Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu từng là một trùm buôn bán ma túy, nhiều lần sa ngã, vào tù. Nhưng rồi bà đã chọn con đường hoàn lương bằng cách lặng lẽ đến quét dọn, nhang khói ở một số nghĩa trang liệt sỹ của miền Tây. Việc làm của bà không cần bất kỳ ai trả công, chăm sóc nghĩa trang này xong bà lại lặng lẽ qua nghĩa trang khác.
Từ bà trùm buôn ma túy hoàn lương thành người canh nghĩa trang liệt sỹ thầm lặng ảnh 1
Cuộc sống nhọc nhằn mưu sinh bằng phế liệu nhưng bà Hảo vẫn quyết hoàn lương


Ngày tháng truân chuyên

Già hơn nhiều so với tuổi gần 50 của mình, nhưng giọng nói của Nguyễn Thị Hảo vẫn còn tràn đầy nhiệt huyết. Có lúc nhiệt huyết đã nhen lên trong chị một ước mơ cháy bỏng được làm cô giáo. Nhưng như chị bảo; đàn bà, nhiều khi phận mỏng, duyên hờ. Một bước nhầm lẫn, một phút không tỉnh táo, không bản lĩnh có thể trượt dài mà không hãm lại được. Bao cuộc tình từng đến với chị nhưng rồi chẳng bấu víu được điều gì, trơ trọi lại với cô đơn. Sa ngã cũng một phần vì thế. Nhưng lí do cũng chỉ là lí do, tội gây ra thì phải trả. Nhưng bước đường hoàn lương của chị cũng không giống ai, nó khác như cuộc sống từ tấm bé của chị đã khác với bạn bè trang lứa. Cứ nhắc đến đâu liên quan đến kỷ niệm, mắt Hảo cũng nhòa đi, kí ức lùa về đầy nỗi niềm…

Sinh năm 1966 trong một gia đình có nhiều biến cố ở Sơn Lập, Bảo Lạc, Cao Bằng nơi gần như là địa đầu của Tổ quốc. Nhưng quãng thời gian cuối, Hảo lại xác định gắn bó với mảnh đất miền Tây, như một cách rũ bỏ quá khứ không vui. “Ngày tôi sinh ra, cũng đúng lúc gia đình li tán. Vì ghen tuông, bố tôi buông bỏ tất cả gia đình cùng con cái về Hà Nội mưu sinh rồi ở đó với người đàn bà khác. Chẳng lâu sau, mẹ tôi cũng gửi lại 3 chị em cho bà ngoại nuôi rồi vượt biên sang Trung Quốc chẳng còn có tăm tích gì. Đằng đẵng hàng chục năm không một dòng thư, không một dòng tin tức. Chị em tôi lớn lên trong nỗi tủi cực và xa lánh của bạn bè. Hai người chị của tôi khi bước qua tuổi 14, ông bà yếu quá nên cũng mỗi người một ngả đi mưu sinh, đến giờ không biết đang ở đâu. Khi ông bà còn khỏe cũng cho tôi đến trường, tôi khát vọng sẽ học nhưng học lên cấp 3 thì mọi ước mơ đều tan vỡ, ông bà ngoại mất…”. Sau khi ông bà ngoại mất, Hảo nghỉ học theo bạn vào Sài Gòn mưu sinh. Cứ ngỡ đó là mảnh đất hứa, sẽ kiếm được cuộc sống sung túc. Nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại.

Sau hai tháng lang bạt, sống nhờ ở đậu với một người đồng hương ở đường Lý Chính Thắng, Quận 3, Hảo bắt đầu đi kiếm việc. Cô được tuyển vào làm công nhân may cho một công ty nhưng làm 4 tháng bị nợ lương, công ty bỗng nhiên giải thể, chẳng được nhận đồng nào. Chủ nhà trọ đuổi cô ra đường mà không cho lấy bất cứ đồ đạc gì vì nợ tiền trọ suốt 3 tháng. Không những thế, con gái bà chủ còn đánh Hảo một trận tơi bời. Lang thang với độc nhất một bộ quần áo đang mặc trên người, cô thấy như tất cả sụp đổ trước mặt mình, nỗi cay đắng tràn ngập, hận đời. Xin vào công ty doanh nghiệp thành nỗi ám ảnh, cô sống lang thang trên đường phố. Cuộc sống trong môi trường này đầy cạm bẫy và cám dỗ nghiệt ngã. Chẳng lâu sau Hảo sa vào con đường hút chích ma túy từ một sự lôi kéo của đám bụi đời.

Khát vọng ngày về

Chị Hảo nhớ lại: “Khi nghiện nặng, lại không muốn rơi vào các ổ mại dâm nên tôi quyết định móc nối đi buôn ma túy. Vừa bán vừa hút. Ban đầu thì bám víu vào các đối tượng đã quen địa bàn và quen các mối lấy hàng, sau này thì tự tôi tách ra hoạt động”. Năm 1990, trong lúc vận chuyển ma túy, Hảo bị bắt quả tang và lĩnh án 7 năm tù. Vốn “cứng” là thế nhưng khi vào trại, Hảo chỉ biết khóc, không muốn tiếp xúc với ai. Lúc đầu vào trại Hảo được làm ở đội may. Cải tạo được một thời gian, Hảo luôn cố gắng và thường xuyên được xếp loại khá và tốt. Nhận thấy những nỗ lực của nữ phạm nhân này, Ban Giám thị Trại giam đã cho Hảo tham gia đội văn nghệ vì cô có khiếu hát ca. Hát những ca khúc tươi vui trong những buổi sinh hoạt tập thể để tuyên truyền tinh thần sám hối với các phạm nhân khác. Năm 1995, Hảo được tha trước thời hạn. Cứ ngỡ với những ưu ái và sự thức tỉnh ban đầu sẽ giúp Hảo về với cuộc sống hoàn lương. Nhưng không, cô lại tiếp tục ngựa quen đường cũ. Hảo nhớ lại, ra khỏi trại giam Xuân Lộc tôi cũng đã tính chuyện đi xin vào một công ty nào đó làm việc nhưng xin đến chục nơi mà vẫn không được. Về quê thì chẳng còn biết nương tựa vào đâu. Lúc đầu tôi đi bán hàng dạo. Nhưng đụng phải các “đồng nghiệp” của mình một thời chúng quá hỗn hào, xem thường và cướp hàng của tôi. Chúng còn chế diễu tôi hèn và không khác ăn mày”. Không vượt qua được những lời khích bác đó lại đang bức bí việc làm nên Hảo lại mò mẫm móc nối lại các đầu mối cung cấp ma túy trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Năm 1998, nhận được mối đặt hàng, Hảo vận chuyển khối lượng lớn ma túy về Biên Hòa để tiêu thụ. Đội lốt là một nhân viên kinh doanh khảo sát thị trường nhưng từ lâu, Hảo đã bị cơ quan chức năng theo dõi. Thế nên đúng lúc đang tiến hành giao dịch hàng hóa, Hảo bị bắt quả tang. Với đầy đủ tang chứng, Hảo tiếp tục lĩnh án 9 năm tù giam. Lần vào tù này dài hơn lần trước, tuổi lại chẳng còn trẻ nữa. Những cơn đau khớp chân trở về vật vã Hảo hàng đêm. Cô bộc bạch, cán bộ trong trại thì tốt nhưng điều kiện ở đó thì mệt lắm, nhất là khi đau bệnh, chẳng có phạm nhân nào đoái hoài đến cả, có những đêm chỉ biết nằm co ro run bần bật trong nỗi sợ hãi. Lần này thì Hảo thực sự thấm thía những ngày tháng trong nhà giam. Chính thế nên cô bắt đầu ý thức và khát vọng sẽ hoàn lương trở lại. Trong một buổi sinh hoạt tập thể, Hảo mạnh dạn xin các cán bộ tiếp tục cho cô được tham gia đội văn nghệ tuyên truyền trong trại giam. Thế nhưng nghiệt ngã thay, giọng của Hảo chẳng còn được như trước, nói tiếng được tiếng mất do hút thuốc phiện quá nhiều. Cô phải lao động cải tạo như những phạm nhân khác.

Trả nợ đời bằng cách riêng

Gia đình chẳng còn ai có mối liên hệ với mình. Năm 2006 ra tù, tuổi chẳng còn son trẻ gì nên Nguyễn Thị Hảo tắt hẳn ý định kiếm một chỗ dựa, dù là người đàn ông tồi tệ mà trước đây Hảo đã từng nghĩ. Hảo giãi bầy, “Khi trẻ mới ước mơ rồi sẽ làm lại và kiếm một gia đình. Nhưng giờ có tuổi lại vô gia cư thế này thì chẳng nên nghĩ đến điều đó làm gì. Hơn nữa cũng không có nhiều cảm giác. Dường như nỗi buồn và day dứt từ những ngày nằm trong tù của đợt tuyên án thứ hai đã làm tắt lụi mọi niềm vui vẻ của tôi. Thay vào đó chỉ còn lại những niềm tủi phận và hối hận mà thôi”. Sống vạ vật nay đây mai đó. Trong những ngày lang bạt, có lúc ngang qua nghĩa trang thấy cây cối rậm rạp, chẳng có sự ấm cúng của nhang khói. Lại nhớ khi nhỏ, từng có lúc hâm mộ những người bộ đội ra chiến trận. Giờ nhiều người đã hi sinh, bà Hảo nảy ra ý định sẽ đến các nghĩa trang âm thầm dọn vệ sinh, âm thầm thắp nhang khói lên những ngôi mộ Liệt sỹ hữu danh lẫn vô danh. “Cứ âm thầm làm thế thôi, có khi mấy hôm dọn dẹp nhang khói ở nghĩa trang này rồi lại chuyển sang nghĩa trang khác. Liệt sỹ nào cũng đáng tri ân cả mà. Chăm sóc được những nấm mộ cao cả này thấy lòng như có thêm sự thanh thản” bà Hảo tâm sự. Có những nghĩa trang không có người canh ban đêm, bà Hảo còn tự nguyện đến đó canh. Để có tiền trang trải cho cuộc sống và làm công việc đặc biệt và tự nguyện này, hàng ngày từ 6 giờ sáng đến 2 giờ chiều bà Hảo vẫn miệt mài đi khắp phố phường nhặt nhạnh phế liệu vừa để có tiền ăn uống vừa để có tiền mua nhang khói cho các Liệt sỹ.