Tội phạm có tổ chức ở Mexico: Cá quý bán sang Trung Quốc đắt hơn ma túy

ANTĐ - Buôn lậu trái phép loài cá đặc hữu của vùng biển ở Mexico sang Trung Quốc đang thu hút sự tham gia của các tổ chức tội phạm Mexico, bởi độ rủi ro thấp mà lợi nhuận khổng lồ. Được biết, bong bóng của loài cá totoaba có thể có giá lên tới hơn 60.000 USD/kg, được giá hơn cả... cocaine.

Bong bóng cá totoaba là đặc sản quý hiếm trong các nhà hàng

Đầu cơ sinh vật sắp tuyệt chủng

Phóng sự điều tra mới đây trên Tạp chí Reporte Indigo của Mexico đã đi sâu vào hoạt động buôn lậu cá totoaba đến châu Á của các băng nhóm tội phạm Mexico. Totoaba là loài cá chỉ sống duy nhất ở khu vực Vịnh California của Mexico và việc đánh bắt, sở hữu loài cá đặc hữu này được coi là tội ác chống lại đa dạng sinh học. Giá trị của loài cá totoaba chính là phần bong bóng cá.

Sau khi đánh bắt được, người ta bỏ đi cả thân cá (có thể nặng tới 50kg), chỉ giữ lại phần bong bóng ướp muối và buôn lậu chủ yếu sang Trung Quốc. Món hàng này quý vì nó có thể làm món súp bồi bổ sức khỏe, kích thích sinh lực và làm nguyên liệu thuốc chữa bệnh theo y học cổ truyền. Theo Reporte Indigo, trên thị trường chợ đen, bong bóng cá totoaba có thể bán với giá 60.000 USD/kg, còn cao hơn cả giá… cocaine.

Đã có dấu hiệu cho thấy những kẻ buôn ma túy đang ngày càng bị cuốn vào hoạt động buôn lậu totoaba. Đơn cử như năm 2014, một trùm tội phạm ma túy ở Mexico bị giết hại mà nguyên nhân được cho là liên quan đến việc buôn lậu totoaba của ông ta. Trước đó, vào tháng 4-2013, chính quyền một bang của Mỹ giáp biên giới với Mexico đã thu giữa hơn 200 chiếc bong bóng cá totoaba trị giá 3,6 triệu USD trong một ngôi nhà ở California.

Theo thống kê của Văn phòng Tổng Thanh tra Mexico, lực lượng chức năng Mexico đã bắt giữ được hơn 7 tấn cá totoaba trong vòng 4 năm qua. Các chuyên gia cho biết, trong những năm 1970, người ta còn câu cá totoaba như một môn thể thao, nhưng loái cá này bỗng trở thành mặt hàng có giá trị kinh tế cao kể từ đầu thế kỷ 21, khi mà nhu cầu từ Trung Quốc ngày càng tăng. 

Hiện nay, Totoaba đã được liệt vào danh sách loài cực kỳ nguy cấp trong sách đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN). Đáng lo là, chính nguy cơ tuyệt chủng đã tạo ra thị trường đầu cơ loài cá này. Chuyên gia Miguel Rivas của Tổ chức Hòa bình xanh giải thích: “Có người thu mua bong bóng cá totoaba càng nhiều càng tốt, dựa theo suy đoán về giá cả thị trường. Họ cho rằng, một ngày nào đó loài cá này sẽ biến mất và giá của nó thậm chí có thể tăng gấp ba”.

Totoaba không phải là thứ hàng cấm duy nhất bị buôn lậu trái phép từ vùng biển của Mỹ Latinh tới chợ đen châu Á, những mặt hàng đem lại lợi nhuận khổng lồ khác còn có vây cá mập, cá ngựa, hải sâm… Vịnh California cũng là quê hương của cá heo California, đây là loài sinh vật biển có vú nguy cấp nhất trên thế giới, do 2 năm mới sinh con 1 lần nhưng cũng đang bị những kẻ buôn lậu truy sát.

Nỗ lực ngăn chặn

Mexico có bờ biển rộng, cùng với đội tàu cá ước tính hơn 100.000 tàu nhỏ hoặc thuyền động cơ, vì vậy nhà chức trách gặp nhiều khó khăn trong giám sát hoạt động trên biển. Không ngạc nhiên khi một nghiên cứu ước tính rằng, sản lượng thủy sản đánh bắt trái phép chiếm khoảng 45-90% sản lượng quốc gia. Đánh bắt totoaba là nguồn thu nhập dễ dàng của ngư dân, chính là nguyên nhân khiến cho các hoạt động vơ vét tài nguyên quý hiếm ngày càng gia tăng.

Bên cạnh đó phải kể đến sự yếu kém của lực lượng thực thi pháp luật. Trong số 1.501 người bị Văn phòng Tổng thanh tra Mexico bắt giam từ năm 2009 đến giữa năm 2016 do tội danh liên quan đến buôn bán hay gây tổn hại cho hệ thực vật và động vật (theo Điều 420 của Bộ luật Hình sự của Mexico), chỉ có 918 trường hợp bị khởi tố, tức chiếm trên 60%. “Phần lớn những kẻ buôn lậu mặt hàng này không bị phạt, họ chỉ bị bắt giữ, bị tịch thu hàng hóa và sau đó được trả tự do”, ông Miguel Rivas nói và nhấn mạnh rằng các hoạt động bất hợp pháp này gắn chặt với các nhóm tội phạm có tổ chức.

Gần đây, nhà chức trách Mexico đang đẩy mạnh các nỗ lực bảo vệ tài nguyên biển bằng cách tăng cường tuần tra và giám sát trong Vịnh California. Theo đó, kể từ tháng 4-2015, lực lượng tuần tra ở khu vực này đã được trang bị 13 chiếc thuyền nhỏ, máy bay trực thăng chở theo thuyền, 5 ô tô và 135 thủy thủ để thực thi nhiệm vụ chống đánh bắt cá bất hợp pháp và buôn bán các loài sinh vật biển quý.