Tình yêu cổ tích của người thương binh mù

ANTĐ - Cô sinh viên Đại học Bách khoa ngày nào đã gắn bó cuộc đời mình với người thương binh mù được gần 40 năm. Người phụ nữ ấy đã hi sinh bao ước mơ bình dị để chăm sóc chồng đến cuối đời. “Tôi chỉ ước khoa học phát triển sẽ giúp tôi cho anh Thành được một bên mắt, để một lần anh được nhìn thấy các con, một lần được anh chở xe đi trên phố”- chị Sang rơm rớm nước mắt.

Những lá thư thời chiến

Năm 1971, chàng sinh viên Đại học Bách khoa Cao Văn Thành gác lại giấc mơ giảng đường để lên đường nhập ngũ. Tiễn anh lên đường là lời hẹn ước của cô bạn sinh viên cùng trường Phạm Thị Kim Sang: “Anh cứ yên tâm chiến đấu. Em sẽ đợi anh về”.

“Em hậu phương, anh nơi tiền tuyến”, họ thường xuyên viết thư cho nhau để vơi đi nhớ nhung xa cách. Đó là những dòng viết vội từ chiến trường, những lá thư nắn nót viết thâu đêm dài đầy mong nhớ, lo lắng từ ký túc xá ĐH Bách khoa…

Đến một ngày, vẫn nét chữ quen thuộc ấy nhưng nguệch ngoạc hơn rất nhiều khiến cô kỹ sư ĐH Bách khoa có một linh cảm xấu. “Sang, anh bị thương ở mắt phải và vai. Em yên tâm học tốt” - cô Sang nhớ như in từng câu chữ ngắn ngủi trong bức thư đó.

Tình yêu cổ tích của người thương binh mù ảnh 1

Khi được chuyển ra Viện Quân y 109 (tỉnh Vĩnh Phúc), mắt còn lại của Cao Văn Thành đã bị nhiễm trùng và ánh sáng đã khép lại với đôi mắt của người chiến sỹ. “Khi về đến nơi, tôi chỉ kịp viết cho Sang bức thư thông báo mình đã được chuyển ra Viện 109 và đó cũng là bức thư cuối cùng tôi viết cho cô ấy!” - người thương binh mù kể lại.

Nhận tin, Kim Sang vội vã đi tìm người yêu, đến khi gặp anh Thành, chị đã không cầm được nước mắt khi nhận được câu hỏi: “Sang, có phải em đấy không?”. Ôm lấy anh, chị dần hiểu tại sao anh lại không nhận ra mình.

Những ngày người thương binh Cao Văn Thành điều trị tại Viện Quân y 109, cô sinh viên Phạm Thị Kim Sang cứ tất bật đi đi lại lại giữa Việt Trì và Hà Nội, vừa làm đồ án tốt nghiệp, vừa lo chăm sóc người yêu. Chứng kiến cảnh tượng ấy, các y bác sỹ và bệnh nhân đều vô cùng xúc động…

Một đám cưới kỳ lạ

Năm 1976, đám cưới của cô kỹ sư Đại học Bách khoa và anh thương binh mù vẫn diễn ra dù có không ít lời can ngăn. Cô dâu chở chú rể trên chiếc xe đạp cũ, đạp như bay, bỏ lại sau lưng tiếng kêu khóc của nhà gái. “Con ơi! Tại sao con lại khổ thế? Chị ơi! Em thương chị quá!” - một thoáng bùi ngùi, chị Sang kể về những câu gọi với theo của mẹ và những người em của mình. Duy chỉ có bố chị là ủng hộ đám cưới. Ông đã khóc trong đám cưới: “Con lấy một người vì dân vì nước nên bố sẽ luôn động viên con!”. 

Tình yêu cổ tích của người thương binh mù ảnh 2

Về Thanh Hóa, vượt qua số phận, anh Thành xin ra khỏi trung tâm điều dưỡng thương binh và ngày ngày nhờ vợ chở đi dạy nhạc cho trẻ em trong vùng. Trong thời gian đi dạy, anh Thành thường tìm gặp và động viên những người đồng cảnh ngộ lạc quan để vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

Và cũng từ đó, anh đã lập  một chiến công mới trong thời bình khi là sáng lập viên của Hội Người mù tỉnh Thanh Hóa. Chị Kim Sang cũng bỏ việc để về giúp anh Thành làm công tác Hội.

Do làm tốt công tác Hội của tỉnh, năm 1998, anh Thành được tổ chức đưa ra làm ở Trung ương Hội Người mù Việt Nam. Để tiếp tục được theo và giúp đỡ chồng, chị Sang đã theo học văn bằng hai của Học viện Hành chính quốc gia để đáp ứng đủ yêu cầu công tác tại Trung ương Hội. 

Những ước mơ dang dở…

Từ đó, chị Sang lại tiếp tục với công việc quen thuộc của mình khi là ánh sáng đưa đường và phụ giúp công việc cho chồng. Để đáp ứng tốt công việc, chị Sang đã làm quen và học chữ nổi Braille (chữ cho người mù) để giúp anh trong việc đọc và chỉnh sửa văn bản. 

40 năm chung sống hạnh phúc, hai anh chị đã có với nhau 3 người con. Người con gái lớn bị nhiễm chất độc da cam từ bố nên không nói và không nghe được nhưng rất may mắn là 2 người con sau của anh chị đều rất giỏi và thành đạt. Tuy nhiên, với chị Sang, vẫn còn đó những ước mơ giản đơn của người phụ nữ mà có lẽ chị sẽ không bao giờ có được.

“Tôi chỉ ước khoa học phát triển sẽ giúp tôi cho anh Thành được một bên mắt, để một lần anh được nhìn thấy các con, một lần được anh chở xe đi trên phố”- chị Sang rơm rớm nước mắt.

Nhưng, sau một vài lần đến Viện Mắt Trung ương, đến nay, y học vẫn chưa thể cứu chữa được mắt cho anh. “Vợ chồng tôi cùng sinh vào ngày 2-2-1951. Nguyện vọng cuối cùng của tôi bây giờ là được mất sau chồng để được chăm sóc anh ấy đến tận cuối đời”, chị Kim Sang nói.