Tâm sự của một cán bộ đoàn đã từng nghiện ngập, sa ngã

ANTĐ - Cuối chiều, công nhân về nghỉ. Ông chủ bễ rèn Trần Ngọc Phúc ở thôn Bất Di, xã Quang Trung, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, cũng vừa ngơi tay công việc ở xưởng rèn. Nụ cười tươi, mắt anh sáng, đầy lạc quan, mọi người tin anh bước ra con đường sáng và kiếm sống bằng niềm đam mê, sức lao động của mình.

Tâm sự của một cán bộ đoàn đã từng nghiện ngập, sa ngã ảnh 1Anh Phúc tạo sản phẩm

Vấp ngã

Câu chuyện của tôi và Phúc diễn ra khá tự nhiên. Anh không ngại khi nói rằng, gia đình mình từng rất nghèo và bản thân anh từng sống rất cơ cực. Hồi nhỏ, khi còn học phổ thông ở trường làng, anh cũng thường chơi với người bạn có ông nội làm thợ rèn thế nên anh cũng biết đôi chút về nghề này. Biết rồi mê, anh bắt đầu học nghề rèn và cũng khá giỏi nghề. Không những thế Phúc còn là một thanh niên sôi nổi, yêu văn nghệ và rất tích cực tham gia các phong trào đoàn thể của xã. Cũng chính thế mà Phúc được bầu làm Bí thư Đoàn xã, rồi tiếp tục được bầu làm Ủy viên Hội đồng nhân dân xã. Anh cũng vinh dự được kết nạp vào Đảng khi còn rất trẻ.

Với những gì Phúc đang có trong tay khi ấy thì ai cũng tin rằng Phúc là chàng trai có tương lai. Anh có cơ hội để tiếp tục học thêm và mở rộng con đường của mình nếu “xuôi chèo mát mái”. Gia đình cũng rất tự hào về anh. Thời gian đó, anh đã cưới chị Phạm Thị Hạnh, người con gái anh yêu suốt thời trai trẻ. Cuộc sống tưởng cứ êm đềm như vậy nhưng…

Là một thanh niên sôi nổi, lại có nhiều bạn bè. Trong một cuộc vui, Phúc đã bị bạn xấu rủ hút thử ma túy. Hút thử một lần, hai lần, rồi nhiều lần… Những lần hút thử ấy đã cuốn người đàn ông có vợ con, một cán bộ đoàn xã năng nổ lao vào vòng oan nghiệt của ma túy. Để rồi từ đó, cuộc đời anh rẽ sang một ngã rẽ khác, một con đường khác, con đường của bóng tối, của tội lỗi.

Đến bây giờ, mỗi khi ngẫm lại quá khứ của mình, Phúc không thể quên được cái lần đầu tiên dính vào ma túy: “Thực ra, lần đó là do tôi uống rượu. Khi uống rượu vào không còn kiểm soát được hành động của mình nữa. Bạn bè rủ tôi hút ma túy, tôi đã làm. Làm được một lần thì có lần hai, lần ba. Thế rồi tôi trở thành con nghiện lúc nào đến chính tôi cũng chẳng biết.  Nhiều lúc nghĩ lại thấy như mình vừa làm vuột mất một cái gì đó khỏi tay mà không thể lấy lại được. Thế rồi tôi cứ lún sâu dần, sâu dần, mà nghiện ngập thì có làm chủ được bản thân mình nữa đâu”.

Ma túy đã trở thành cơn bão cuốn biết bao nhiêu tổ ấm và tấm gương vào guồng quay khốc liệt của nó, cũng khiến biết bao chàng trai khỏe mạnh trở thành nô lệ cho nó. Phúc biết điều đó, chứng kiến những người chết vì ma túy, những gia đình lụn bại vì ma túy, nhưng anh không thể rút chân ra được khỏi cái vũng lầy đó. 

Để có tiền nuôi những cơn nghiện ngập của mình, Phúc bán gần hết gia sản mà hai vợ chồng tích cóp được. Của núi thì cũng hết, rồi đến lúc tài sản trong nhà cũng cạn kiệt, đến bước đường cùng, không thể chịu được những cơn nghiền thuốc, Phúc bắt đầu dấn thêm một bước nữa vào con đường trộm cắp.

Phúc đã liều đi trộm một chiếc tivi ở xóm bên. Bị bắt, bị kết án 8 tháng tù giam, Phúc gần như sụp đổ. Nhớ lại phiên xét xử hôm đó, Phúc tâm sự: “Có bao giờ tôi nghĩ mình sẽ trở thành tội phạm trước tòa đâu. Tôi vẫn nghĩ, tôi chỉ có thể nhìn thấy các phiên tòa trên ti vi thôi. Nào ngờ… Đến bây giờ tôi vẫn chưa quên được giây phút tuyên án. Nhìn thấy khuôn mặt khổ sở của vợ mà tôi ân hận muốn chết đi!”.

Những tháng ngày đen tối

Phúc cải tạo tại Trại tạm giam Công an tỉnh Nam Định. Thời gian đầu ở trại, anh luôn cảm thấy bi quan chán nản vô cùng. Ngay chính Phúc cũng không thể ngờ được cái kết cục đen tối ấy lại đến với anh nhanh như vậy. Mọi thứ tưởng như đã hết. Xung quanh anh chỉ là những ngày u ám với những bức tường trại giam và sự dằn vặt trong tâm tưởng. Đang là một Đảng viên, một cán bộ Đoàn xã, tương lai rộng mở với biết bao ước mơ hoài bão bỗng cánh cửa tương lai đóng sập lại. 

Khi đó, ở trong lao tù, Phúc suy nghĩ rất tiêu cực. Có lúc muốn buông xuôi, phó mặc cho số phận. Nhiều đêm trong buồng giam anh chỉ biết thầm khóc, trách mình và chán nản vô cùng. Nhưng số phận vẫn còn ưu ái với anh khi có một người vợ tảo tần. Hàng tháng chị vẫn đều đặn đưa con vào thăm, động viên anh quyết tâm cố gắng cải tạo cho tốt để sớm trở về với mẹ con chị. 

Có lẽ tình cảm của chị là một liều thuốc tinh thần vực anh dậy trong lúc chán nản đến tột cùng, tình thương của chị và con đã làm anh thức tỉnh và có động lực để đứng dậy sau những năm vấp ngã. Không chỉ thăm anh thường xuyên, chị Hạnh còn viết thư động viên chồng với những lời lẽ thủ thỉ, tình cảm. Chị đã dày công đi tìm mua các tờ báo tạp chí viết về những con người lầm lỗi biết vượt qua chính mình để làm lại cuộc đời, chị photocopy những bài báo gửi vào trại cho anh đọc. Và chị đã mang lại ánh sáng, niềm tin cho anh, khiến anh tin vào tương lai tươi sáng của một tổ ấm, của một con người bình thường. Anh vững tâm hơn rất nhiều vì có chị. 

Trò chuyện với tôi, anh Phúc bảo: “Tôi không thể để vợ mãi gánh vác việc nặng nhọc thay người đàn ông, càng không thể để gia đình, vợ con chịu mang tiếng xấu mãi. Thêm nữa, bố của tôi là một cựu chiến binh cũng thường xuyên nhắn nhủ, động viên con trai giữ vững bản lĩnh của người lính, quyết tâm dứt hẳn với ma túy. Không muốn để mắc nợ với người thân, tôi đã quyết tâm cai dứt nghiện”.

Phúc nhớ như in thời gian vật vã để cắt cơn nghiện. Ở trong trại  Phúc chủ yếu dùng… nước lã để trị bệnh. Cứ khi nào lên cơn vật, Phúc lại phi đầu vào chum nước. Dứt cơn lại chui ra. Rồi dần dần những cơn thèm thuốc cũng qua đi, Phúc được tham gia lao động cùng các trại viên.

Ngày anh đi lao động, khi đêm xuống Phúc lại không ngủ được. Phúc nhớ da diết những ngày được tự do, những buổi đi tập văn nghệ, những ngày tham gia hoạt động tình nguyện tại các gia đình chính sách mà Phúc là người phụ trách. Phúc ao ước thời gian trôi qua mau, để anh được trở lại với đời, sửa chữa những lỗi lầm.

Làm lại cuộc đời

Nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của cán bộ trại giam, với quyết tâm của chính mình, Phúc đã cai được nghiện. Tháng 2-2011, Phúc được ra trại. Đó quả là một niềm vui vô bờ bến khi Phúc được trở lại với gia đình, vợ con và anh em họ hàng. Nhưng, khó khăn chưa buông tha anh. Lúc này, kinh tế gia đình eo hẹp, nỗi mặc cảm chưa dứt, một số người còn kỳ thị. Cũng không ít bạn nghiện ngày nào cũng tìm đến rủ Phúc quay lại đường cũ. Phải chọn lựa thế nào đây? Anh sợ mình sẽ tiếp tục sa ngã.

Nhưng nhờ có các đồng chí công an động viên và người vợ thân yêu đã giúp Phúc vững tin ở cuộc sống. Phúc nghĩ nhiều hơn tới trách nhiệm của một người chồng, người cha, nghĩ về tương lai của các con, anh kiên quyết đoạn tuyệt với những người bạn xấu. 

Sau một thời gian ra tù, tâm lý anh được ổn định. Phúc lao vào tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm cách thức phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình. Vùng quê anh sẵn có nghề thợ mộc, thủ công mỹ nghệ. Phúc lại giỏi nghề rèn. Vậy là anh đã đầu tư nghiên cứu, mở một xưởng rèn để sản xuất các dụng cụ dùng để chế tác đồ mỹ nghệ như đục, tràng, dũa… rồi mở rộng ra các sản phẩm dùng trong cơ khí, máy móc.

Sau một thời gian kiên trì gõ cửa các cơ sở chế tác đồ gỗ để giới thiệu sản phẩm, khách thấy hàng của Phúc tốt, giá cả phù hợp nên đã đặt hàng. Cán bộ xã còn cho anh vay vốn, giúp Phúc giới thiệu sản phẩm. Đầu ra được mở rộng, Phúc cũng luôn cố gắng tạo ra những sản phẩm tốt nhất để gây dựng thương hiệu. Sản phẩm của anh tiêu thụ rất tốt. Chưa dừng lại ở đó, Phúc tiếp tục đầu tư phát triển, mở rộng cơ sở sản xuất, mua máy móc trang thiết bị như máy đột, máy dập tự động cung cấp cho nhiều cơ sở chế tác đồ gỗ mỹ nghệ trong và ngoài tỉnh. Công việc làm ăn thuận lợi, anh đã dạy nghề và tạo công ăn việc làm cho một số người địa phương. Đặc biệt là một số người cũng từng có thời gian lầm lỡ như anh.

Lãnh đạo xã Quang Trung cho biết, Phúc là người nhiệt tình, có nghị lực. Anh đã vươn lên, trở thành tấm gương thanh niên tái hòa nhập cộng đồng của Nam Định. Năm nay Trần Ngọc Phúc “ngấp nghé” tuổi 40. Con cái anh đã lớn. Anh cũng vui mừng khi mình đã xóa được nỗi mặc cảm cho các con để chúng học tập tiến bộ, bước vào đời. Điều mà anh cho là vô giá là lúc này, anh có một gia đình rất hạnh phúc.