Ông vua bình vôi cổ ở Miền Tây

ANTĐ - Biệt danh “vua bình vôi” chẳng còn xa lạ gì trong giới chơi đồ cổ ở Miền Tây, đó là ông Nguyễn Hoàng Trung (ở phường 5, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre). Gần nửa đời người xuôi dọc khắp nơi từ Nam ra Bắc, ông Trung  đã “gom” về cả một “kho tàng” bình vôi cổ đồ sộ hiếm có. Những “cụ” bình vôi cổ này gắn liền với nét văn hóa trầu cau của tổ tiên có từ nghìn xưa. Có những chiếc bình vôi nhỏ xíu như quả quýt có thể bỏ gọn vào túi áo bà ba, có chiếc to hơn quả bưởi, quả bóng… Có những chiếc bình vôi còn nguyên vẹn hình thù, có chiếc lại bị sứt sẹo chi chít... Tất cả đều đã nhuốm màu thời gian. Với ông hành trình đi sưu tầm bình vôi cổ để lưu truyền nét văn hóa về tục ăn trầu của tổ tiên vẫn chưa dừng lại ở đó...
 Ông vua bình vôi cổ ở Miền Tây  ảnh 1

Ông Trung bên “kho tàng” bình vôi cổ

Đổi xe máy lấy... bình vôi

Ông Trung năm nay đã bước sang tuổi lục tuần. Ông đã trải qua mấy chục năm hành trình lúc về xuôi, có khi lên tận vùng cao để săn tìm những chiếc bình vôi cổ, xưa đến mức không ai còn nhớ nổi. Và niềm đam mê ấy ngấm vào máu thịt ông không thể nào dứt ra được. Mỗi lần tìm mua được bất kì chiếc bình vôi cổ nào là ông vui mừng khôn tả, đem về lau chùi rồi đặt cẩn thận trong các tủ kính. Ông Trung kể, ông bắt đầu đam mê bình vôi cổ từ thời còn trai trẻ. Theo ông đó có lẽ là một cơ duyên.

Khoảng thập niên 80, lúc ông còn làm công cho xí nghiệp rượu bia ở Sài Gòn nên có dịp lui tới bảo tàng tham quan đồ cổ. “Trong một lần vào tham quan, tôi tình cờ thấy những chiếc bình vôi được trưng bày trong bảo tàng. Tôi rất thích thú và ngắm nghía, săm soi nó mãi. Càng nhìn tôi càng bị cuốn hút bởi những chi tiết họa trên bình. Nhìn chúng tôi như sống lại với quá khứ về tục ăn trầu của tổ tiên ta. Rồi niềm đam mê về chiếc bình vôi cổ trỗi lên trong tôi lúc nào cũng không hay”- ông Trung cho biết. 

Hỏi những cụ cao tuổi đi tham quan cùng thì ông Trung biết được, ngày xưa ông bà ta ăn trầu bằng chiếc bình đựng vôi này. Khi bình vôi đã đầy thì không dùng nữa mà đem bỏ ngoài gốc đa, cội đề hay trước miếu ở đầu làng. Từ đó trong suy nghĩ của ông Trung chợt lóe lên ước vọng sẽ đi sưu tầm những chiếc bình vôi cổ về làm “tài sản” của riêng mình.

“Dù khoái lắm nhưng thời gian đó tôi chưa có điều kiện để đi săn tìm bình vôi. Để thỏa lòng đam mê tôi tìm đến phố cổ sát bên hông chợ Bến Thành để xem những món đồ cổ. Tôi đi từ cửa hàng này đến cửa hàng nọ nhưng chỉ để ngắm xem cho thỏa lòng đam mê chứ hồi đó không đủ tiền mua”- ông Trung bộc bạch. 

Đến năm 1986, ông rời Sài Gòn về quê nhà ở tỉnh Bến Tre mở cửa hàng buôn bán xe máy cũ tại một con hẻm nhỏ gần chợ Ngã Năm (TP Bến Tre). Thời gian này, ông vừa kinh doanh vừa có điều kiện đi sưu tầm bình vôi cổ. Ông Trung nhớ lại hơn 20 năm trước, một dịp về quê nội ở xã Định Thủy (huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre) có người chú ruột của ông trong lúc đào mương gặp một chiếc bình vôi kì lạ to bằng quả bóng đá.

Thấy vậy, ông Trung mân mê nó một hồi rồi xin đem chiếc bình vôi này về làm kỉ niệm. Đó là lần đầu tiên ông có được chiếc bình vôi như ý nguyện. Ông Trung nói: “Suốt đêm đó, tôi không thể nào chợp mắt được vì vui mừng quá đỗi. Rồi từ đó tôi lại bắt đầu đi sưu tầm bình vôi cổ cho đến hôm nay”. 

Cũng một dịp tình cờ mà cho tới bây giờ ông Trung không thể nào quên. Ông nói, lúc ông mới về quê nhà mở cửa hàng buôn bán xe máy cũ, không lâu thì có một thương lái buôn đồ cổ mang theo cả chục chiếc bình vôi đến gặp ông với nhã ý dùng nó để đổi xe máy. Nhìn thấy bình vôi, ông Trung gật đầu đồng ý đổi ngay.

“Lần đó có được 10 chiếc bình vôi trong nhà tôi hân hoan đến mất ăn, mất ngủ mấy đêm liền với nó”- ông Trung cười hóm hỉnh. Từ đó hễ có vị khách nào đem bình vôi đến đổi xe máy ông Trung luôn sẵn sàng. Dần về sau, khách đem bình vôi cổ đến cửa hàng ông đổi xe ngày càng hiếm đi thì ông lại lao đi săn tìm bình vôi cổ ở khắp nơi. 

Chính vì nghe những cụ cao niên kể lại, ngày xưa sử dụng hết vôi trong bình là ông bà ta đem bỏ ngoài gốc đa, trước miếu đầu làng. Lâu ngày đất sạt lở làm chúng bị rơi rớt xuống sông, hoặc vùi sâu trong lòng đất. Mấy chục năm qua, ông Trung không ngại vất vả băng rừng, vượt sông suối, xuống tận những vùng nông thôn, tìm đến những bác nông dân, những người thợ lặn để tìm mua bình vôi cổ.

“Trong những chuyến đi hễ gặp bất kì thợ lặn hay người nông dân cuốc đất nào tôi cũng đều đặt hàng họ, nếu gặp bình vôi cổ thì đem đến bất cứ giá nào tôi cũng mua”. Cũng có những lần gặp những thương lái buôn bình vôi khó tính, ông phải đi lên, đi xuống dăm ba lần, nài nỉ mãi mới mua được.

 Ông vua bình vôi cổ ở Miền Tây  ảnh 2

“Kho báu” của ông “vua bình vôi cổ” 

Căn nhà của ông Trung ngày càng trở nên chật chội với những món bình vôi cổ mỗi ngày càng nhiều thêm. Trong tủ trưng bày, gần 400 chiếc bình vôi đủ các kích cỡ, kiểu dáng và niên đại khác nhau. Chúng được chế tác tinh xảo từ chất liệu bằng gốm sứ, màu men đẹp đa sắc, họa tiết tỉ mỉ, đủ hoa văn rồng, tôm, cá, khi thì hoa văn là những quả cau... Có chiếc có cả minh văn (thơ Nôm) trên đó.

Khi sưu tầm được những chiếc bình vôi này đem về nhà, ông Trung thường nâng niu chúng không khác gì là “báu vật” và ông “chăm” chúng còn hơn cả chăm con. Trong hàng trăm chiếc bình vôi cổ, chiếc nào cũng có trổ một lỗ làm miệng ở quai bình. Có những bình vôi lâu ngày, những lớp vôi chết hóa cao bám chặt ở miệng bình và người ta gọi đó là lớp “cao” trắng. Và lúc sưu tầm về ông Trung vẫn để vẹn nguyên như vậy không cạo bỏ và cất cẩn thận trong tủ kính. 

Càng chơi càng say nghề, ông Trung quyết đi tìm xa hơn, có khi lặn lội vào đến tận đất Mũi Cà Mau, chưa thỏa chí ông lại  ra tận Miền Trung để săn lùng bình vôi. Cầm một chiếc bình vôi cổ trên tay, ông Trung tiết lộ, phần lớn những chiếc bình vôi này có từ thế kỉ 18, 19 và có nguồn gốc từ các lò gốm nổi tiếng ở Quảng Đức (Phú Yên) và Châu Ổ (Quảng Ngãi). Có những chiếc lâu đời hơn có từ thời nhà Trần (thế kỉ 14), có đôi ba bình vôi cực hiếm có thời Chămpa được đem vào từ phương Bắc. Ông cho biết, ông đã mua chúng mỗi chiếc thấp nhất vài triệu đến vài chục triệu đồng. 

Niềm đam mê bình vôi cổ của ông Trung dần dà được nhiều người biết đến. Bạn bè, người quen gần xa hễ ai gặp bình vôi cổ ở đâu họ đều đem đến tận nhà để bán cho ông. Ông Trung còn kể vui, “nhớ lúc trước có người đem bình vôi cổ tới bán, nhưng tôi chưa bán được xe nên chưa có vốn. Vì quá đam mê, không để vuột mất món đồ ưng ý tôi mới “xin” vợ tôi cho đem bán một phần “sính lễ” để đổi cho bằng được những bình vôi đó”. Biết được niềm đam mê của chồng, người bạn đời của ông cũng lẳng lặng giúp ông. 

Mấy mươi năm nay, bao nhiêu tiền bạc tích cóp đều được ông Trung đổ vào đi sưu tầm bình vôi cổ. Khổ nhất là khi gặp được món đồ vừa ý mà không có tiền, không mua được là về nhà ông lại buồn đến mất ăn, mất ngủ.

“Tôi rất tự hào về nghề làm gốm của ông bà ta ngày xưa, bởi chúng được nhào nặn từ những nghệ nhân Việt có thể nói là tay nghề của họ đạt đến tuyệt đỉnh, không thua gì gốm sứ trên thế giới”- ông Trung nói. Ông Trung quan niệm rằng, đây là những bình vôi đáng tuổi cụ được tôn kính. Thay vì gọi chúng là những chiếc bình vôi, ông kính cẩn gọi bằng những cái tên như: “ông cụ vôi” hay “ông bình vôi”. 

Hàng ngày, mỗi tối đều đặn cơm chiều xong, ông pha ấm trà, vừa nhấp ngụm trà vừa bày những chiếc bình vôi ra ngắm nghía cho thỏa lòng đam mê. Và thói quen này đã trở thành nếp sống hàng ngày của ông đã hơn 20 năm nay. Thời gian gần đây, nghe danh tiếng ông sưu tầm được nhiều bình vôi cổ quý hiếm, có nhiều người trong giới săn lùng đồ cổ khắp cả nước đã tìm đến tận nơi ở của ông. Họ trả giá rất cao để mua nhưng ông Trung nhất định không bán. 

Hiện ông Nguyễn Hoàng Trung là Phó chủ nhiệm Chi hội cổ vật tỉnh Bến Tre. Chi Hội này được thành lập vào năm 2002. Các thành viên trong Chi hội có đủ các thành phần từ doanh nhân đến kỹ sư, bác sĩ, viên chức… Họ có chung niềm đam mê sưu tầm cổ vật quý, giữ gìn nét văn hóa truyền thống cổ xưa để lại. Chi hội không chỉ giao lưu với nhau mà còn tổ chức nhiều cuộc triển lãm mang nét văn hóa dân tộc đến với người dân.

Với ông Trung, việc sưu tầm những chiếc bình vôi cổ không chỉ vì những nét đẹp tinh hoa chạm trổ mà còn bởi trên mỗi chiếc bình vôi đều mang trên mình cái hồn của nét văn hóa trầu cau của ông cha ta ngày trước. Dù bỏ nhiều công sức và tiền bạc sưu tầm bình vôi cổ, ông Trung vẫn cảm thấy chưa đủ. Ông nói rằng, vẫn còn một chặng đường dài thực hiện ước mơ đi săn tìm bình vôi cổ để làm phong phú thêm “bảo tàng” bình vôi cổ của mình.

Khi được người đời xưng tụng là “ông vua bình vôi cổ” ở Miền Tây, ông Trung chỉ cười hóm hỉnh nói: “Tôi chưa bao giờ nghĩ tới việc sưu tầm bình vôi cổ để đem ra thi thố với đời hay mua bán, trao đổi mà chủ yếu là để thỏa mãn cái niềm đam mê, và để bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa trầu cau của ông cha ta ngàn xưa để lại cho con cháu đời sau biết đến”.