Nuôi rắn độc để cứu người

ANTĐ - Nhắc đến ông Nguyễn Văn Tẻo ở phường Thái Bình thuộc thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình,  không ai là không biết. Một phần bởi ông có phương thuốc gia truyền thừa hưởng từ cha để trị bệnh rắn cắn, phần nữa bởi sự nhân nghĩa lẫn chí tình của ông.

20 năm học nghề

“Sống ở Hòa Bình nhưng tôi sinh ra ở Thạch Thất (Hà Nội). Cha tôi là lương y chuyên trị rắn độc nên ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã được xem cách chữa trị và biết các bài thuốc chữa rắn độc cắn. Nhưng mãi sau này, tôi mới chính thức được cha truyền dạy”, ông Nguyễn Văn Tẻo bắt đầu câu chuyện.

Nuôi rắn độc để cứu người ảnh 1

Ông Tẻo nuôi hàng trăm con rắn độc để lấy nọc chiết xuất thuốc

Danh y vùng Chàng Sơn khi ấy là ông Nguyễn Văn Lập thấy con trai thông minh sáng dạ, lại có thiên hướng tốt, nên bắt đầu truyền lại những phương thuốc lạ khi cậu bé Tẻo tròn 10 tuổi. Chứng kiến không biết bao nhiêu bệnh nhân quằn quại trong đau đớn cùng những hoảng loạn khi bị rắn độc cắn, bản tính lại vốn thương người nên Tẻo muốn được học nghề thật nhanh. Thế nhưng, phải mất 5 năm trời, cậu bé ấy chỉ được ngồi xem để phân biệt các vết rắn cắn là do rắn độc hay rắn thường. Nếu là rắn độc thì thực chất là rắn gì, vì mỗi loại rắn có những độc tố khác nhau, để từ đó có thể chế thuốc và gia giảm cho hợp lý.

“Như rắn hổ chúa cắn sẽ để lại hai vết răng to và sâu. Loài rắn này thường cắn ngập sâu vào để phun độc tố. Còn vết răng như gai cây xấu hổ là rắn cạp nong, cạp nia, trông chỉ như một vết xước da nhưng nếu không cứu kịp thời thì chỉ hai tiếng đồng hồ sau là nạn nhân tắt thở”, ông Tẻo bật mí.

“Thực chất những phương thuốc chữa rắn độc đều là độc tố nguy hiểm. Tôi hành nghề 30 năm nay nhưng đến phút này chưa dám truyền lại nghề cho bất kỳ đứa con đứa cháu nào. Vì chỉ sơ suất một chút là bệnh nhân không những không khỏi mà còn nguy hại đến tính mạng”, ông Nguyễn Văn Tẻo nói.

Thế nên 5 năm trời chỉ học cách phân biệt vết rắn cắn, theo ông Tẻo không hề phí phạm. 10 năm sau mới là thời gian ông được cha truyền hết các loại cỏ cây để chế ra hàng trăm phương thuốc khác nhau trị độc. 5 năm cuối ông mới được trực tiếp chữa trị cho bệnh nhân từ khắp các vùng miền chuyển đến.

Nuôi rắn độc để cứu người ảnh 2

Suốt 30 năm nay, ông Tẻo cứu sống hàng nghìn người bị rắn độc cắn

“Cha tôi dặn, chữa rắn độc cắn tuy rất đơn giản nhưng nếu gia giảm vị thuốc mà không chuẩn thì có khi bệnh nhân không cứu được mà lại hại người ta. Thế cho nên nếu sau này cảm thấy cái tài không ở với mình nữa thì tuyệt đối không được chữa nữa. Còn nếu cái tài còn ở với mình thì việc chữa trị là bổn phận phải làm”, ông Tẻo cho biết.

Thuốc từ bèo cái, ráy dại

Trong số hàng trăm phương thuốc để chữa trị rắn độc rắn, ông Tẻo bật mí cho chúng tôi về một phương thuốc không mất tiền mua, cũng không khó để kiếm tìm trong vườn nhà vùng thôn dã. Đó là phương thuốc từ bèo cái và củ ráy dại. Phương thuốc này rất hiệu nghiệm, tuy nhiên cần cẩn trọng vì chỉ được dùng cho bệnh nhân bị rắn độc cắn, còn người bình thường uống vào có thể dẫn tới tử vong. Ông Tẻo giải thích: “Phương thuốc này nghe thì đơn giản nhưng có tác dụng đẩy độc tố ra ngoài. Người bị độc tố khi uống vào thì cảm thấy dễ chịu, nhưng người bình thường uống vào thì ngứa ngáy, quằn quại chẳng khác nào uống nhầm thuốc độc”.

Rất nhiều bệnh nhân đến với ông Tẻo đã được áp dụng cách chữa trị này. Tuy nhiên, với mỗi bệnh nhân, ông đều phải xem xét cẩn thận để xác định vết răng của loại rắn nào. Trong thời gian chờ chế thuốc, ông cho bệnh nhân ăn vài quả chanh tươi để kiềm chế chất độc.

Nuôi rắn độc để cứu người ảnh 3

Ông Tẻo giới thiệu bài thuốc từ củ ráy dại

Còn những phương thuốc bí truyền khác mà ngay cả ông Tẻo cũng không biết tên của cây thuốc. “Cha tôi chỉ truyền dạy gọi bằng các ký hiệu như cây đỏ ngọn, cây màu mật. Nhưng lạ là những loại cây này chỉ sống ở vùng Chàng Sơn. Tôi đã đem những loại cây này lên Hòa Bình trồng thử nhưng cây không sống nổi”, ông Tẻo chia sẻ.

Nhờ các bài thuốc lạ này mà từ khi ông Tẻo lên Hòa Bình lập nghiệp năm 1974, có đến hàng nghìn người bị rắn độc cắn đã được chữa khỏi. Mới đây nhất, cụ Phan Bá Hiệu ở huyện Tân Lạc thò tay vào chuồng gà thì bị rắn hổ mang cắn. Sau khi buộc ga-ro xong, gia đình chuyển xuống nhờ ông Tẻo cứu giúp. Sau khi kiểm tra vết cắn, nặn hết máu độc, ông cho bệnh nhân uống hai chén thuốc, 30 phút sau, cụ Hiệu khỏe hẳn, da dẻ trở lại hồng hào, môi hết bợt, cánh tay có thể cử động bình thường. Gia đình cảm ơn rối rít lấy ví ra trả tiền công. Ông Tẻo xua tay: “Cứu người không phải để lấy tiền, gia đình thông cảm cho”. 

Nuôi rắn lấy độccứu người

Trong khi câu chuyện vẫn tiếp diễn, thi thoảng chúng tôi lại nghe thấy những tiếng phì phì rất lạ. Ông Tẻo bảo: “Tiếng phì của rắn hổ mang ở sau nhà tôi đấy. Tôi nuôi rất nhiều loại rắn độc để lấy nọc chiết xuất thuốc”.

Nói rồi, ông Tẻo dẫn chúng tôi ra sau nhà. Phía dưới hầm là hàng trăm con rắn độc đủ mọi thể loại. Như một thợ rắn rành nghề, cầm một thanh sắt cong, ông Tẻo thoăn thoắt lôi lên một con rắn hổ mang nặng đến 5kg. Ông bảo: “Con rắn này lớn nhưng lượng nọc độc lấy được không đáng là bao”.

Nói rồi ông biểu diễn cách trích nọc độc bằng đôi tay trần. Qua nhiều năm, ông Tẻo trở nên chuyên nghiệp, biết cách điều khiển con rắn để tránh sự tấn công của chúng và lấy nọc độc ra từ đôi răng nanh sắc nhọn. Rất nhiều người trong gia đình khuyên nên từ bỏ cách chiết xuất này nhưng ông Tẻo không nghe. Ông cho rằng đây là cách hay để có thêm phương thuốc cứu mạng người.

30 năm hành nghề chữa rắn cắn, thứ duy nhất ông Tẻo lãi được cho đến giờ phút này là tình người. Mỗi bệnh nhân được cứu sống đều tìm cách trả ơn ông bằng thứ này thứ kia, nhưng ông khước từ. Cuối cùng, họ hoặc nhận ông là bố nuôi, hoặc anh em kết nghĩa và cho đến lúc này, ông có đến 120 người con nuôi cùng hàng trăm người em chí tình chí nghĩa. 

“Ông Tẻo tuy không tham gia các hoạt động hội của ngành y tế địa phương nhưng thực tế chữa bệnh rất giỏi. Tôi cũng biết rất nhiều bệnh nhân bị rắn độc cắn đến với ông và được chữa khỏi. Cho đến nay, ông Tẻo chưa để xảy ra bất cứ một sơ suất nào với bệnh nhân”, bác sĩ Nguyễn Thị Đào, Trạm trưởng Trạm y tế phường Thái Bình cho biết.