Nửa đời giã thuốc chữa bệnh méo miệng miễn phí

ANTĐ - Nắm trong tay bài thuốc bí truyền chữa méo miệng, hay gọi đúng hơn là bệnh liệt dây thần kinh số 7 nhưng bà Nguyễn Thị Thiệp (SN 1948, thôn Tòng Thái, Tòng Bạt, Ba Vì, Hà Nội) chưa bao giờ dùng “tài sản” quý giá đó để kiếm tiền. Với nắm lá cây rừng giã nhỏ, áp vào má người bệnh, hơn 30 năm nay, bà Thiệp đã “chỉnh hình” cho không biết bao nhiêu người không may gặp phải căn bệnh khổ sở này.
Nửa đời giã thuốc chữa bệnh méo miệng miễn phí ảnh 1

Bài thuốc bí truyền

Nghề của bà Thiệp không phải làm thuốc mà là một nông dân chính hiệu. Ngày ngày, cái dáng gầy gò, nhỏ thó của bà vẫn bươn bả đồi nương với cây sắn, cây màu dù tuổi đã gần thất thập, tóc bạc hết mái đầu. Như một định mệnh, bà Thiệp về làm dâu nhà họ Đỗ, vốn là láng giềng chỉ cách nhau “dậu mồng tơi”. Thời con gái, thỉnh thoảng bà vẫn nghe tiếng chày giã thuốc bên nhà hàng xóm nhưng chỉ biết đó là bài thuốc quý chứ không biết gì thêm. Cưới nhau, chồng bà xách ba lô vào mặt trận và cứ biền biệt. Ở nhà bà được bố chồng truyền lại bài thuốc chữa méo miệng và dặn dò những quy tắc cần thiết.

Bà Thiệp là truyền nhân đời thứ năm của bài thuốc bí truyền này. Bài thuốc này chỉ được truyền cho con dâu hoặc con trai chứ không truyền cho con gái bởi gia đình quan niệm gái lớn gả chồng sẽ thành con nhà người khác. Thành phần bài thuốc có sẵn trong rừng, ngay dưới chân núi Cẩm Lĩnh. Bà Thiệp chỉ tiết lộ một loại lá, đó là lá cây dó rừng. Khi dùng lá cây dó rừng kết hợp cùng nhiều loại lá khác theo một tỉ lệ nhất định sẽ thành bài thuốc quý. Khi có người bệnh đến tìm, bà Thiệp thăm khám sơ qua, chẩn đoán mức độ nặng, nhẹ rồi chọn thời điểm vào rừng hái thuốc. Thông thường, bà đi từ lúc tinh mơ, khi giọt sương mai còn lóng lánh trên lá thuốc. Theo bà Thiệp, nếu đi muộn quá lá cây sẽ không đạt được công hiệu như mong muốn. Ngoài vị thuốc, tỉ lệ phối trộn thì thời điểm hái thuốc cũng là điều phải ghi nhớ rất kĩ và tuyệt đối tuân thủ.

Hái thuốc về, theo trình tự, từng loại lá được bà Thuận bỏ vào cối đá, dùng chày lim giã nhuyễn. Muốn bài thuốc công hiệu, bắt buộc bà phải giã bằng cối chứ không được phép dùng máy xay. Khi giã xong, bà Thiệp áp thuốc vào má bệnh nhân, buộc lại. Quy tắc buộc thuốc là bị méo bên trái thì buộc bên phải và ngược lại. Nhìn qua, thuốc của bà vẫn nguyên màu xanh của diệp lục, có mùi thơm nóng nhè nhẹ. Nếm thử, thuốc có vị chát, đắng và không thể đoán định được sự tương đồng với bất cứ loại lá nào từng biết.

Khi thuốc đắp vào má người bệnh, phải buộc khăn cả ngày lẫn đêm. Khi nào miếng thuốc khô lại, rút hết nước mới được tháo ra, nếu chưa khỏi lại phải tiếp tục đến chỗ bà để đắp thuốc. Theo bà Thiệp, thuốc có vị mát, đắp vào má vài ngày sẽ cảm nhận được phản ứng của thuốc khi chỗ đắp đôi lúc giật giật, tê tê và nóng ran. Thông thường, bệnh nhẹ chỉ vài lần đắp thuốc là khỏi, nếu nặng thì phải nhiều lần. Vị thuốc sẽ kích thích dây thần kinh, khi dây thần kinh số 7 có phản ứng tự khắc sẽ điều chỉnh lại các cơ vùng mặt, đầu làm cho người bệnh khỏi méo miệng.

Đây là bài thuốc gia truyền, chưa được khoa học công nhận, song bà Thiệp cho biết đã chữa khỏi cho nhiều người.  “Tôi chữa nhiều lần khỏi nhưng cũng không ít lần phải bó tay vì bệnh tình của họ rất nghiêm trọng, bị trong thời gian dài, lại tuổi cao nên sự nhạy cảm của cơ địa, của dây thần kinh không còn thuận lợi cho sự tiến triển của bệnh” - bà Thiệp cho hay. Bà cũng chia sẻ thêm rằng, đôi lúc còn do tâm lý người bệnh, do cơ địa, cũng quyết định nhiều đến hiệu quả chữa bệnh. Bệnh nhân càng trẻ, đem đến càng sớm thì càng có cơ nhiều cơ hội chữa khỏi. 

Chữa bệnh miễn phí

Tuân thủ di huấn nhà chồng, bà Thiệp chữa khỏi bệnh cho hàng trăm người nhưng không bao giờ yêu cầu thù lao, có chăng người bệnh đem biếu chút quà bánh cảm ơn, vì nể mà bà nhận. Cách đây không lâu, có một câu chuyện mà khi nhắc lại bà Thiệp vẫn không nhịn được cười. Đó là trường hợp của anh Nguyễn Văn Tuấn ở cùng làng. Tuổi thanh niên cập kê, một tối anh Tuấn đến cổng nhà “đối tượng”, định huýt sáo đánh tiếng thì đột nhiên thấy lạnh cả người, má trái cứng đơ, mắt nheo lại, chỉ biết ú ớ. Ngay hôm sau Tuấn được đưa đến nhà bà Thiệp.

Theo quy trình cũ, bà Thiệp nhanh chóng chữa khỏi cho Tuấn chỉ chưa đến một tuần. Ngoài ra, rất nhiều trường hợp khác, như anh Dũng ở Ninh Bình đưa vợ đến nhà bà sau nhiều năm chạy chữa không khỏi, bất kể ở các bệnh viện lớn, dùng mọi phương pháp đông tây y. Vợ anh Dũng nhiều ngày phải ăn cháo, thậm chí đưa thìa cháo vào miệng rất khó khăn. Nghe người quen mách, anh Dũng cùng vợ đến nơi và cũng bài thuốc ấy, bà Thiệp chữa khỏi cho vợ anh chỉ sau hơn một tuần đắp lá. Bà Thiệp kể, cũng nhờ bài thuốc này mà bà suýt… cưới được vợ cho con trai.

Đó là khi bà mới được truyền nghề, nhiều người không tin bà có thể chữa khỏi. Có nhà hàng xóm không may có con gái bị bệnh méo miệng, bà cam đoan chữa được nên họ đồng ý giao con gái cho bà. Họ nói, nếu chữa được thì gả luôn con gái cho con trai bà. Dù chữa khỏi nhưng duyên trời không đậu, đôi trẻ không thành vợ chồng. Tuy thế, tình cảm hai gia đình vẫn khăng khít từ đó đến giờ.

Kỉ niệm đáng nhớ nhất của bà Thiệp là trường hợp về một người bệnh từ tận Hội An (Quảng Nam) tìm đến. Người bệnh không chỉ méo miệng mà đầu còn mềm nhũn vì mất đi nửa hộp sọ,  nước uống bao nhiêu trào ngược ra bấy nhiêu. Nguyên nhân của sự thể là do chấn thương vì tai nạn giao thông. Hai vợ chồng già đem người con trai đã hơn 30 tuổi chạy chữa khắp nơi, 8 lần đem ra nước ngoài chữa trị nhưng đều không thành công. Nghe người quen mách, vợ chồng họ tìm đến bà Thiệp với mong muốn còn nước còn tát, có bệnh phải vái tứ phương.

Bà Thiệp hết sức bất ngờ bởi tình trạng của người bệnh và bà nghĩ rằng ca bệnh quá sức của mình. Người nhà nằn nì, bà lại hái thuốc đắp với niềm tin khá mong manh. Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày đắp thuốc liên tục, bệnh nhân đã có tiến triển. Tin rằng phương pháp có hy vọng, bà Thiệp đều đều mỗi sáng vào rừng hái thuốc và giã cho người bệnh. Khi bệnh thuyên giảm, người bệnh về quê, bà Thiệp còn gửi thuốc về tận nhà cho họ. Đến nay, triệu chứng méo miệng của người bệnh đã khỏi hoàn toàn.

Bà Thiệp cho biết, bệnh này thường phát tác nhiều nhất vào mùa lạnh, trong khi đó đây lại là mùa ít lá nhất của cây thuốc này nên đã hiếm lại càng hiếm. Nhiều lần bà Thiệp đem cây thuốc về vườn nhà trồng nhưng đều không thể sống nổi. Tiếp xúc với chúng tôi, ông Đỗ Văn Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã Tòng Bạt cho biết, việc làm của bà Thiệp trong nhiều năm qua rất đáng hoan nghênh. Nhờ bài thuốc của bà, rất nhiều người bệnh ở địa phương cũng như ở nhiều nơi khác tìm đến đã khỏi bệnh méo miệng.