Nối tình thương, lại mong nối một cây cầu

ANTĐ - Hành trình vượt đèo dốc của đoàn công tác chúng tôi có lẽ chẳng thấm vào đâu nếu so với quãng đường gian nan không gì đo đếm được mà người dân và học sinh vùng núi cao Bành Trạch (huyện Ba Bể, Bắc Kạn) đã vượt qua. Nhìn những đứa trẻ háo hức, sung sướng khi lần đầu được khoác trên vai chiếc balo chứa đầy sách vở và bánh kẹo, chúng tôi càng thấu hiểu những khó khăn còn đeo bám bà con nơi đây.
Nối tình thương, lại mong nối một cây cầu ảnh 1

Đồng chí Nguyễn Thanh Bình - Phó Tổng biên tập Báo ANTĐ và các thành viên nhóm từ thiện Minh Tuệ trao quà cho học sinh Bành Trạch

Niềm vui trước thềm năm học mới

Mưa liên tiếp trong những ngày qua khiến việc di chuyển vào Bành Trạch gặp nhiều khó khăn hơn dự kiến. Chở đầy nhu yếu phẩm và đồ dùng học sinh, đoàn xe không chỉ “đánh vật” với đèo dốc hiểm trở mà còn đối diện với tình trạng cây đổ, nước thượng nguồn tràn về ngập đường và sạt lở đất đá.

Chẳng lạ gì những sự cố vẫn diễn ra như cơm bữa dọc tuyến tỉnh lộ từ Phủ Thông dẫn vào Ba Bể, đồng chí Nguyễn Văn Thạch - Bí thư Đảng ủy xã Bành Trạch tỏ rõ sự lo lắng, liên tục gọi điện thoại cho đoàn cập nhật tình hình. May có những chiếc máy xúc cỡ lớn túc trực tại các khu vực xung yếu, sẵn sàng di chuyển các chướng ngại vật cản trở lối đi nên đoàn công tác xã hội báo An ninh Thủ đô cùng nhóm từ thiện Minh Tuệ và Tổng công ty Điện lực Hà Nội đã đến đích đúng như lịch hẹn.

Nối tình thương, lại mong nối một cây cầu ảnh 2

Lâu lắm rồi trụ sở UBND xã Bành Trạch mới đông vui như thế. Người dân địa phương bảo rằng, vì xã nhà nằm ngay sát tỉnh lộ nên thoạt nhìn chẳng ai nghĩ địa phương còn nhiều khó khăn. Song thực tế, Bành Trạch có đến 10/13 thôn bản nằm rải rác trên các sườn núi heo hút.

Đường xá và phương tiện giao thông khó khăn nên cả năm họa hoằn lắm bà con mới tề tựu về khu vực trung tâm một lần. Giúp đám trẻ chỉnh lại bộ quần áo lấm lem bùn đất, thầy Đặng Văn Lanh - Phó Hiệu trưởng trường tiểu học Bành Trạch mừng rỡ: “Xưa nay chưa bao giờ học sinh nơi đây được nhận quà. Nghe tin đoàn công tác mang theo nhiều ba lô, sách vở lại có cả bánh Trung thu, các em háo hức lắm”. 

Quả thực, ở những xã vùng cao Ba Bể, cái ăn, cái mặc còn thiếu thốn thì học sinh nơi đây lấy đâu ra balo, bút sách và bánh kẹo mỗi dịp Rằm tháng Tám. Từ hôm nghe tin có đoàn công tác về tặng quà, các em nhỏ mong ngóng từng ngày. Sáng 29-8, nhiều học sinh đã dậy sớm, đi bộ hơn chục cây số về trụ sở UBND xã.

Dù mặt mũi, áo quần lấm lem bùn đất nhưng ánh mắt em nào cũng sáng rõ sự mong chờ. Đón nhận quà tặng cùng lời chúc từ những bạn nhỏ cùng trang lứa đi theo đoàn công tác, phần lớn học sinh vùng cao đều tỏ ra ngại ngùng. Chỉ có một vài bạn nam mạnh dạn mới biểu lộ hết sự phấn khích của bản thân. Kéo nhau sang một góc để ngắm thật kỹ những món quà ý nghĩa, nhóm học sinh này hân hoan hô lớn lời cảm ơn bằng tiếng Tày.

Nối tình thương, lại mong nối một cây cầu ảnh 3

Rạng rỡ nhận quà sau nhiều ngày mong ngóng

Mong lắm một cây cầu

Ngoài hàng trăm suất quà tặng học sinh khó khăn xã Bành Trạch và trường THCS Nam Mẫu, đoàn từ thiện còn dành tặng nhu yếu phẩm và đồ dùng sinh hoạt cho hơn 100 hộ nghèo nằm trên địa bàn. “Thời điểm này muốn lên thăm bà con thì chỉ có cách đi bộ. Xe máy cũng có thể leo dốc nhưng phải chờ ngày ngớt mưa. Ngoài bà con vùng cao, không ai điều khiển xe lên đó được” – đồng chí Bí thư xã cho biết và chia sẻ, nhiều năm qua Bành Trạch đã kêu gọi đầu tư tài trợ nâng cấp cơ sở hạ tầng nhưng đến nay nhiều thôn bản vẫn chưa có đường dân sinh, điện sinh hoạt.

Gọi là đường nhưng thực tế đó chỉ là những lối mòn nhỏ do người và gia cầm, gia súc tạo ra sau nhiều ngày qua lại. Vì cái nghèo còn đeo bám nên chính quyền cũng như người dân nơi đây không đủ điều kiện để tự đổ bê tông hay đơn giản là rải đá để giảm bớt khó khăn khi đi lại.

Anh Đặng Văn Tiến, một trong những người được tặng quà kể, một số hộ dân và học sinh ở mãi trên cao không thể xuống núi vì đợt này mưa chưa dứt. Để về trụ sở ủy ban, anh Tiến và một số người cùng xóm đã phải quấn xích vào lốp xe máy để vượt qua quãng đường gần hai chục cây số vòng vèo quanh núi trơn trượt như đổ mỡ.

Khó khăn chưa dừng lại ở đó vì địa hình nơi đây bị chia cắt bởi nhiều sông suối. Lúc nắng ráo, người và phương tiện có thể vượt sông bằng bè gỗ nhưng mùa mưa, chẳng ai dám mạo hiểm tính mạng trước dòng nước dâng cao. Vì thế chạy xe dọc bờ sông vẫn là lựa chọn duy nhất của người dân Bành Trạch.

Giống như giao lưu, buôn bán, việc thiếu cầu bắc qua sông cũng làm cho việc theo đuổi con chữ của trẻ em địa phương thêm khó khăn bội phần. Ngày ngày đánh vật với cung đường vừa xa mà lại nguy hiểm, thầy và trò miền núi cao Bành Trạch khao khát có một cây cầu bắc qua dòng nước dữ. “Có đường xá, giao thông thuận tiện, chúng tôi mới mong nâng cao được trình độ dân trí, giữ chân học sinh đến trường và đưa vật tư lên sửa chữa các điểm trường xa xôi, biệt lập”, nỗi trăn trở của thầy Lanh cũng là suy nghĩ chung của người dân địa phương cũng như những ai từng đặt chân đến vùng núi cao Ba Bể. 

Ngay sau khi chuyển quà đến các hộ dân, đoàn công tác đã khảo sát và lên kế hoạch tổ chức quyên góp ủng hộ xây dựng cầu dân sinh trên địa bàn xã Bành Trạch. Trong tương lai không xa, mảnh đất nghèo khó này sẽ chấm dứt cảnh “khát” cầu. Cùng với việc hy vọng cuộc sống của người dân nơi đây sẽ được cải thiện, mong lắm có nhiều hơn những tấm lòng thiện nguyện giống như nhóm từ thiện Minh Tuệ và Tổng công ty Điện lực Hà Nội, đồng hành cùng Báo An ninh Thủ đô đến với Bành Trạch cũng như các địa phương nghèo khó khác.