Nỗi đau của 1 gia đình 3 thế hệ sống cảnh mù lòa

ANTĐ - “Tại sao bao nhiêu nỗi bất hạnh, oan trái lại trút hết lên gia đình tôi thế này? Ông trời có mắt hay không chứ?”. Tiếng than cùng những giọt nước mắt lăn dài trên má cụ bà Dương Thị Thang, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, người đang phải đối mặt với nỗi đau khi cả 3 thế hệ chịu cảnh mù lòa, câm điếc khiến bất kỳ ai có dịp gặp gỡ không khỏi xót xa. 

Éo le một kiếp người

Chúng tôi tìm đến nhà cụ Dương Thị Thang theo lời chỉ của những người dân xã Minh Trí, cái gia đình mà theo hàng xóm láng giềng thì đúng là có một không hai, nhà 9 người đều bị câm điếc, mù lòa.

Sau một hồi dò dẫm rót nước mời khách, cụ lặng người khi chúng tôi hỏi thăm về hoàn cảnh gia đình. Trấn tĩnh một lúc, cụ bắt đầu kể câu chuyện về cuộc đời mình trong nước mắt với những chuỗi ngày gian khổ và nỗi đau bệnh tật cùng cụ và những người thân trong gia đình.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo tại Thanh Hóa, cô bé Thang ngày ấy đã không được may mắn như các bạn cùng trang lứa. Ngay từ nhỏ đôi mắt của cô bé sớm có biểu hiện bị mờ dần. Dù đã được cảnh báo là nếu không được chữa trị kịp thời có thể sẽ dẫn đến mù lòa vĩnh viễn nhưng vì cái nghèo và hoàn cảnh đất nước đang chiến tranh nên gia đình và cả cô bé Thang chỉ biết cúi đầu trước số phận, cha mẹ cô chỉ biết nuốt nước mắt vào trong.

Nỗi đau của 1 gia đình 3 thế hệ sống cảnh mù lòa ảnh 1

Năm 1945, cả gia đình cụ về miền Bắc tản cư, những tưởng rằng về miền đất mới, sẽ có một cuộc sống mới, gia đình sẽ bớt nghèo hơn, có cái ăn cái mặc, nhưng ai ngờ rằng cả gia đình cô bé cũng như bao gia đình khác lại phải đối mặt với nạn đói lịch sử - nạn đói năm 1945. Trận đói ấy đã cướp đi sinh mạng của cả cha lẫn mẹ, chỉ để lại bé Thang và người chị gái vừa mới 7 tuổi bơ vơ giữa đời. 

Mất cha, mất cả mẹ khi mới tròn 6 tuổi, cô bé Thang phải đi ở cho một nhà địa chủ để kiếm miếng cơm cho qua những cơn đói. Rất may, gia đình chủ nhà tốt bụng nên yêu thương Thang, tìm thuốc chạy chữa nên đôi mắt cô bé không bị mù hẳn mà chỉ bị lòa.

Dù vậy nhưng cô bé ngày ngày vẫn phải làm việc vất vả, quần quật từ sáng đến tối. Bù lại, vì tính tình tháo vát, ngoan ngoãn, hiền lành, nên cô được ông bà chủ hết lòng thương yêu, dạy bảo và nhận làm con nuôi.

Cái tuổi “trai lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng” cũng đến, cô thôn nữ Thang hiền lành, chăm chỉ, xinh xắn được rất nhiều trai làng để ý, muốn hỏi làm vợ, nhưng mặc cảm số phận mình mù lòa nên cô chưa dám gật đầu với ai. Nhiều lần cha mẹ nuôi giục cô về chuyện tìm lấy một người để có chỗ dựa sau này, nhưng cô cũng chỉ dám hứa lần khất cho qua chuyện.

Vừa tròn 20 tuổi, độ tuổi đẹp nhất của thời con gái, cô được cha mẹ nuôi gả cưới cho con trai của một người trong làng. Chàng thanh niên ấy tên Dương Văn Oa tại xóm Đông Thanh Trí, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội cũng là người không may bị câm điếc từ nhỏ, nhưng được tính hiền lành, chịu thương chịu khó.

Tìm thấy sự đồng cảm từ hai trái tim, họ đến với nhau làm bạn đồng hành cho quãng đời còn lại, để cùng nhau chia sẻ, nương tựa. Đám cưới diễn ra giản dị chỉ có mâm cỗ đơn sơ làm lễ cúng tổ tiên và ra mắt họ hàng. Không mặc cảm với số phận tật nguyền, họ cùng xây dựng cuộc sống gia đình, dù thiếu thốn nhưng hạnh phúc bình dị.

Thế nhưng hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, bất hạnh lại đổ xuống gia đình đôi vợ chồng khiếm khuyết, đứa  con cái dầu lòng Dương Thị Sáng sinh ra cũng sớm bị mù lòa. Lúc đó ông bà cũng hụt hẫng lắm, nhưng rồi động viên nhau mình sống thiện ắt trời sẽ thương, hy vọng những đứa con sau sẽ lành lặn.

Vậy mà đến cô con gái thứ hai Dương Thị Ánh cũng chung cảnh ngộ, cũng bị mù đôi mắt. Hai cậu con trai là Dương Văn Khuynh, Dương Văn Thiều thì bị câm điếc bẩm sinh giống bố. 

Liên tục những bất hạnh đổ xuống, ước mơ, niềm hy vọng của hai vợ chồng đặt vào những đứa con cứ cạn dần rồi tắt, từ đứa con gái đầu đến đứa thứ tư đều không mù lòa thì câm điếc. Cuộc đời bao nghiệt ngã dường như trút hết lên cái gia đình khốn khổ này.

Không chỉ khốn khổ vì số phận không may mắn mà ông Oa, bà Thang còn khổ sở vì những lời xầm xì của xóm làng. Hồi ấy, người ta truyền tai nhau rằng “nhà này âm đức mỏng”, kiếp trước sống sao nên giờ mới bị trời phạt.

Vừa lau những giọt nước mắt, nghẹn trong tiếng nấc cụ chia sẻ: “Sinh con ra, tôi chỉ mong chúng nó được bình thường như bao đứa trẻ khác, được chạy nhảy, được nhìn thấy ánh sáng, để được tới trường chứ đừng như tôi, không biết ngày không biết đêm, không được nhìn thấy cái chữ nó thế nào, đến việc đi lại cũng không nên, dò dẫm từng bước khổ lắm. Mong được nương tựa con khi về già, vậy mà…”.

Nói đến đây, hai hàng nước mắt lại lăn dài trên đôi gò má của bà. “Ở cái tuổi gần đất xa trời  rồi mà đến ăn cơm, mặc quần áo bà vẫn phải hầu hạ con cái, thì còn nói gì nữa” - tiếng nấc dài làm nghẹn lời bà cụ khốn khổ.

Tột cùng nỗi đau

Vậy mà ông trời vẫn không thương, bất hạnh không chỉ dừng lại ở thế hệ các con cụ, mà còn đến cả đời các cháu. Anh con trai Dương Văn Khuynh sau khi lập gia đình, sinh hạ được 2 cháu: Dương Thị Hoài và Dương Thị Chi cũng đều mang bệnh mù lòa như những người lớn trong gia đình. Anh Dương Văn Thiều cũng sinh ra đứa con giống bố, bị câm điếc bẩm sinh.

Vậy là lại thêm những đứa trẻ phải sống trong bóng tối không biết ngày không biết đêm giống như ông bà và bố mẹ chúng. Nhìn bọn trẻ hồn nhiên vui đùa trong bóng tối và sự câm lặng, chỉ có những tiếng ú ớ thi thoảng vang lên, chúng tôi không khỏi xót xa.

“Đời chúng tôi đã thế rồi, đời con cũng khổ cũng đành chịu, nhưng đến đời các cháu, ở cái thời này mà không thấy ánh sáng, không biết con chữ a nó tròn hay méo, thì không biết chúng nó sống sao.” - cụ Thang chua xót.

Hiện nay, cụ Oa đang ở với gia đình anh Dương Văn Chút, người con trai duy nhất trong nhà có sức khỏe bình thường và không mang bệnh tật. Còn cụ Thang sống cùng chị Sáng, những người mù lòa câm điếc khốn khổ, dò dẫm nương tựa vào nhau,  kiếm kế sinh nhai cho qua tháng đoạn ngày. 

Dòng nước mắt cứ chực trào ra lăn dài trên đôi gò má nhăn nheo, khắc khổ của người mẹ già bất hạnh.

“Cực lắm, chẳng những vậy, những khi trái gió trở trời là bệnh phong thấp lại hành hạ, khiến khắp người tôi đau nhức như kim đâm vào xương tủy vậy. Muốn gọi con sang nhà thằng em nhờ nó mua thuốc cho nhưng cũng đành chịu, có nói nó cũng chẳng nghe được gì, khi nào bớt đau tôi lại phải dò đường chống gậy sang bảo thằng út đi mua cho.

Đấy, đã nghèo lại sinh ra nhiều bệnh, cái thân già đã không được nhìn thấy ánh sáng  rồi, đã thua thiệt cả cuộc đời người rồi vậy mà già trời cũng không tha cho, còn lắm bệnh nhiều tật. Nghĩ mà oán cho số phận mình, sao làm gia đình tôi phải sống trong bóng tối suốt cả cuộc đời. Một thế hệ thôi đã đủ lắm rồi sao còn bắt con, cháu tôi mù nữa”. Lời tâm sự của cụ Thang cứ kéo dài, buồn bã trong sự đau khổ. 

Sau những lời kể và tâm sự về hoàn cảnh éo le của gia đình cụ Thang, chúng tôi đã nghĩ thật nhiều về những con người trong cái gia đình bé nhỏ này. Với họ, còn nỗi đau nào hơn 1 gia đình - 3 thế hệ chôn vùi cuộc sống trong bóng tối. Ấy vậy mà họ vẫn đang nỗ lực từng ngày để sống.