Những mảnh đời lương thiện dưới chân núi Bà Đen

ANTĐ - Núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh cao gần 1.000m. Nơi đây có điện núi Bà linh thiêng mà những ngày tuần rằm, đặc biệt là tháng Giêng, hàng nghìn khách thập phương lại đổ về cúng lễ cầu mong một năm mới mùa màng bội thu, làm ăn phát đạt. Trong dòng người hành hương thấp thoáng hình ảnh những người phu khuân vác mưu sinh nơi cửa thiền. Họ lặng lẽ, khiêm nhường, cần mẫn…

Tranh thủ giờ nghỉ giải lao giữa lưng chừng núi, ông Phết tâm sự với những người đồng nghiệp

Công quả chốn cửa thiền

Ông Hà Văn Phết ở ấp Ninh Nghĩa, xã Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh làm nghề khuân vác ở núi Bà Đen đã ngót nghét 20 năm. Dáng chắc đậm, người đàn ông 60 tuổi vẫn còn tráng kiện lắm. Với nghề khuân vác ở chùa Bà, ông đã chứng kiến những cảnh đời, những phận người đến chùa Bà tìm niềm tin và cõi tĩnh lặng của lòng người. Với ông, ông chọn nghề phu vác - một nghề mưu sinh và làm công quả cho khách thập phương. Ông bảo tôi, lòng người thanh thản nhất khi làm điều mình thích, sống vui, bình yên tự tại… dầu công việc có vất vả, khó khăn, cực nhọc. 

Ông Phết tin lắm: “Có Bà độ trì phù hộ, mấy chục năm qua, tôi cũng ít đau ốm, mỗi ngày tôi vẫn vác được 4 chuyến, mỗi chuyến vác 1 bao gạo 50kg từ chân núi lên đỉnh, được nhà chùa trả công 60.000 đồng/chuyến”. Nhìn từng giọt mồ hôi lăn xuống mặt, cằm ông Phết trong cái nắng của đầu mùa khô vùng đất nắng cháy Tây Ninh, tôi ái ngại. Ông Phết cười… Khuân vác cho nhà chùa và nhiều quán, hàng có nhu cầu vận chuyển nhu yếu phẩm, thực ra, tiền công chẳng là bao, nhưng với ông, bất cứ công việc gì của nhà chùa, ông đều tự nguyện nhận lấy như là một phần thiện căn mà ông phải có trách nhiệm, nghĩa vụ hoàn thành. Nhiều du khách cũng xót xa khi nhìn ông Phết khuân bao hàng trĩu nặng lên núi, người thì biếu năm ba chục để ông mua nước uống, người thì tặng bắp ngô luộc còn bốc khói… Ông đón nhận vui vẻ tấm lòng thơm thảo của người đời. Và ông cũng vô tư xốc tới đòi cõng nhiều bậc cao tuổi, mỏi gối chùn chân, mà không nhận một đồng tiền công nào…  

Đội khuân vác trong đó có ông Phết là tập hợp chừng 20 người từ tứ xứ tụ về: Người gốc gác nông dân, người thợ hồ, người thì giang hồ hoàn lương... Họ đều khó khăn, cùng nhau chia sẻ công việc: Người khuân vác nước đá, người mang trứng gia cầm, người thì gạo, muối, nhang, đèn… Nhà ông Phết có 3 cha con cùng làm nghề, anh Nguyễn Văn Hải, con rể út làm nghề khuân vác hàng gạo cho Chùa Hang,  anh Hà Văn Nhu, con trai ông Phết vác nước đá bỏ mối cho các quán lưng chừng núi còn gọi là chùa Trung. Mỗi chuyến tiền công cơ bản là 60.000 đồng. Mỗi ngày nếu sức thanh niên như con trai ông Phết cũng làm được 5 chuyến, tằn tiện đủ sống. 

Hòa vào dòng người đi lễ chùa Bà, họ vẫn lặng lẽ mưu sinh

Tình người níu lại

Những giây phút nghỉ giải lao hiếm hoi giữa lưng chừng núi, chỉ tay về mé dưới chân núi, nơi những vườn mãng cầu xanh mướt ẩn quanh làng mạc bình yên, ông Phết bảo: “Nhà tôi có 2 công đất trồng mãng cầu, mùa màng cũng thu hoạch được chút đỉnh, không tới nỗi quá vất vả. Tuy nhiên làm nghề này đã lâu, bỏ thì thấy tiếc, thấy nhớ… Cứ hòa vào dòng người, được giúp đỡ mọi người, thấy yêu cái phút chộn rộn của khách thập phương đi lễ, thành kính có, nhốn nháo có… Mình thấy mình trong đó, lưu luyến lắm chú ạ”.  

Anh Nguyễn Văn Hải,  quê ở Phú Yên, gia cảnh khó khăn. Năm 2005, anh khăn gói quả mướp vào Tây Ninh lập nghiệp. Như sự đưa đẩy của duyên số, anh lấy con gái út của ông Phết và bắt đầu nghề khuân vác nơi cửa chùa.  Trìu mến nhìn người con rể, ông Phết thủ thỉ: “Nó cũng là thằng làm việc và khuân vác khỏe ở chân núi Bà, nhưng năm ngoái nó nghỉ một năm không làm vì bị ngươi ta tông xe. Nhà chùa biết chuyện đã hỗ trợ 30 triệu.  Tôi cứ lẩn thẩn nghĩ rằng, 30 triệu đồng với nhiều người không phải là lớn, nhưng với những người lao động nghèo như chúng tôi, thì đó không chỉ là tiền, mà lớn hơn, đó là tình người trong hoạn nạn… có nhau!”. Hai vợ chồng đã có con gái 5 tuổi, cuộc sống nhiều khi chật vật, nhưng Hải chia sẻ, anh đã yêu cái công việc khuân vác và mảnh đất Tây Ninh đầy nắng, gió này nên sẽ làm nghề khuân vác lên chùa Bà đến khi nào sức cạn, lực tàn mới thôi.

Ông Võ Hồng Công, 55 tuổi, một phu khuân vác trong đội của ông Phết thì nói với tôi rằng: “Nơi cửa thiền … Bà độ phúc cho chúng sinh. Và trong năm mới, chúng tôi mong Bà phù hộ độ trì cho có sức khỏe, cái chân dẻo dai để mang vác đồ phục vụ bà con, để kiếm đồng tiền lương thiện về nuôi gia đình”. Nhìn khuôn mặt của ông Công, không ai biết được ông đã từng là một giang hồ khét tiếng ở bến xe Tây Ninh những năm 80 của thế kỷ trước. Ngày đó, người dân buôn bán hàng trái cây từ Tây Ninh về TP.HCM phải đi xe đò, xe khách hết cả ngày trời mới về đến nơi. Biết được, những người dân buôn chuyến thường có tiền giắt lưng, đựng đầy túi, Công đã thu thập dưới trướng hơn chục đệ tử vô công rồi nghề hành nghề cướp. Ban ngày, băng nhóm của Công lẩn sâu vào  núi Bà Đen, mượn hang hốc để trốn sự truy đuổi của công an. Nhập nhoạng tối, Công dẫn đàn em xuống núi. Dân buôn chuyến chẳng bao giờ dám về trễ, mà sẩm tối, đi qua những khúc quanh heo hút là phát run. Rất nhiều công an giăng bẫy, truy bắt nhiều năm mà không bắt được nhóm của Công. Thế mà, theo như Công kể thì chỉ một câu nói của sư thầy trên chùa hang, núi Bà: “Con hãy về làm người lương thiện… trước khi quá muộn”, gã đàn ông ngang tàng, cướp, chém không ghê tay bỗng nhiên giải tán băng cướp, ra đầu thú cơ quan công an, chịu án mấy năm… Ra tù, người dân ở chân núi Bà Đen ngạc nhiên khi thấy người đàn ông giang hồ ngày nào đang nhẫn nhịn chờ đợi để có hàng khuân vác, khó nhọc nhấc từng bước chân lên đỉnh núi... 

Trong đội bốc vác của ông Phết, không ai là không biết Của “chín ngón”. Của là tên gọi cha mẹ đặt cho anh. Sinh ra chỉ có 9 ngón tay, nhưng Của móc túi trên các chuyến xe đò, xe khách ở các bến xe liên tỉnh từ TP.HCM đến Bình Dương, Sông Bé, Tây Ninh, thì vào hàng “cao thủ”. Tiền móc trộm của người dân lương thiện ngày nào cũng lưng túi, song Của đều nướng vào cờ bạc và gái. Rồi tình cờ một hôm, Của ghé qua nhà, thấy vợ ôm đứa con thơ đang ốm ngồi khóc vì không có tiền thuốc thang. Giúi vội vào tay vợ nắm tiền đưa con đi chữa bệnh ở trạm xá. Của vội ra đi, chạy như điên, và bất chợt dừng lại trong bóng tối. Một đêm giáp Tết năm 1994,  Của uống hết 1 lít rượu và cạo trọc đầu… hoàn lương. Ngước đôi mắt xếch lên bầu trời, nơi có những ngọn nắng đang nhảy trên những mầm lộc mùa xuân, Của bảo tôi: “Ngày xưa, tối nằm cứ nghĩ đến vợ con và những đồng tiền không trong sạch mà mình lấy được. Nếu mình cứ so sánh, vợ mình có một ít tiền đem con đi khám bệnh, mà bị kẻ nào đó nẫng mất… Đứt từng khúc ruột”. Của lấy cái nghề khuân vác nơi chùa Bà mưu sinh để nuôi con. Của bảo: “Con nó biết tôi vất vả, nó muốn tôi chuyển nghề khác, nhưng tôi không chịu. Tôi đã yêu và chọn một công việc hành xác, hành thiện nhưng tâm thanh sạch… Năm nay đứa con thơ ngày nào của tôi đã học Đại học Bách khoa năm thứ hai” – anh Của mừng vui chia sẻ.

Ni trưởng, Thích Nữ Diệu Nghĩa, Viện Chủ các chùa núi Bà Đen cho biết: Nhà chùa rất cảm ơn những người khuân vác. Vì có họ, những mặt hàng nhu yếu phẩm, chuyển lên cúng Phật và phục vụ du khách. Nhờ có lòng hiếu độ, những người như bác Phết, anh Hải, anh Nhu… đã dần nảy sinh một tình yêu cao cả, họ làm việc công quả không đòi hỏi đền đáp. Đó chính là Phật pháp hiện diện trong tâm thế của mỗi người khi đến cửa Phật bằng lòng bác ái, nhân từ. 

Tôi lại nghĩ, 20 năm sau sẽ thay đổi, và sẽ có máy móc tải hàng lên trên đỉnh núi Bà Đen nhưng những người phu khuân vác chọn sự cực nhọc, vất vả làm lẽ sống, làm niềm tin trong cuộc đời sẽ mãi mãi là hình ảnh đẹp chốn cửa thiền.