Người truyền bá văn hóa Việt trên đất nước chùa Vàng

ANTĐ - Ngoài công việc chính là giảng dạy bộ môn tiếng Việt tại trường Đại học Chulalongkorn - một trong những trường đại học uy tín và lâu đời nhất tại Thái Lan, chị Đỗ Thúy Hà còn là người sáng lập Trung tâm Ngôn ngữ và Kiến thức Việt - trung tâm đầu tiên tại Bangkok chuyên dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam một cách bài bản nhất. Phóng viên ANTĐ đã có cuộc trò chuyện cởi mở với cô giáo Đỗ Thúy Hà.

Người truyền bá văn hóa Việt trên đất nước chùa Vàng ảnh 1

- PV: Chào chị, cơ duyên nào đưa chị đến với đất nước Thái Lan và trở thành giáo viên giảng dạy tại trường ĐH Chulalongkorn?

- Chị Đỗ Thúy Hà: Sau khi tốt nghiệp trường ĐH Ngoại Ngữ Hà Nội (nay là trường ĐH Hà Nội), tôi theo gia đình sang đây năm 1995, sau đó học tiếp lên cao học tại trường ĐH Chulalongkorn. Năm 1999, khoa Ngữ văn của trường ĐH Chulalongkorn có mời tôi làm thỉnh giảng viên và tôi ở lại giảng dạy tại khoa từ đó.

- Tiếng Việt là một bộ môn hay một khoa trong trường ĐH Chulalongkorn?

- Mỗi một khoa ở đây tương đối lớn. Ví dụ, khoa Ngữ văn phải tương đương với trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam, trong đó tiếng Việt chỉ là một bộ môn trong ngành Ngôn ngữ Phương Đông. 

- Với các bạn trẻ Thái Lan học tiếng Việt thì mục đích của họ thường là gì?

- Tại Trung tâm Ngôn ngữ và Kiến thức Việt hiện có một vài học sinh là con những gia đình rất khá giả, đang học ở các trường ĐH tư nổi tiếng của Thái theo học tiếng Việt. Hỏi học để làm gì, các em bảo học để biết thêm một ngôn ngữ ASEAN, sau này biết đâu khi tốt nghiệp có thêm cơ hội tìm việc làm. Các sinh viên tại trường tôi dạy đăng ký học tiếng Việt cũng vì mục đích có thêm cơ hội xin việc tốt. 

- Trước khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành vào năm 2015, nhiều bạn trẻ Thái Lan đã được khuyến khích học thêm một ngôn ngữ trong khối các nước Đông Nam Á để dễ dàng hội nhập. Tại sao tiếng Việt lại được nhiều người Thái lựa chọn?

- Trước khi hội nhập AEC, người Thái chuẩn bị rất tốt trong việc dạy ngoại ngữ, các trường cấp 2, 3 đều có môn ngôn ngữ ASEAN +3. Các em có quyền lựa chọn học tiếng gì nhưng vẫn hay nói với nhau là lựa chọn bắt buộc vì không có nhiều lựa chọn. Thường thì có 3,4 ngôn ngữ mở ra như tiếng Myanmar, Malaysia và Indonexia. Tiếng Lào thì không phải học vì người 2 nước có thể giao tiếp được với nhau. Học tiếng Việt ngữ pháp tương đương với ngữ pháp tiếng Thái nên hầu như không phải học lại từ đầu. Chọn đi chọn lại thì chỉ có tiếng Việt. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam cũng gần Thái Lan, dân số đông, văn hóa có nhiều nét tương đồng với văn hóa Thái. Suy nghĩ của người Việt về Thái cũng rất tốt, người Việt thích hàng Thái và quý người Thái, cho rằng người Thái tốt bụng, hiền lành nên người Thái cảm thấy yên tâm hơn khi sang Việt Nam làm ăn hoặc du lịch. Có lẽ, đó cũng là lý do người Thái quan tâm đến tiếng Việt hơn các tiếng khác trong khối ASEAN.

Người truyền bá văn hóa Việt trên đất nước chùa Vàng ảnh 2

- Được biết chị là người sáng lập Trung tâm Ngôn ngữ và kiến thức Việt từ năm 2006. Chị có thể nói qua về trung tâm được không?

- Có thể nói đây là trung tâm đầu tiên ở Bangkok chuyên dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam. Trung tâm có giáo trình giáo án đầy đủ cho từng nhóm đối tượng học, sau đó phải thi đạt mới được học lên lớp tiếp. Giáo viên đều là người Việt Nam, là những người tốt nghiệp đại học ngành tiếng Thái tại Việt Nam rồi sang đây học cao học. Trước đây, phần lớn học viên là cán bộ các sứ quán như Thái Lan, Pháp, Mỹ chuẩn bị sang công tác tại Việt Nam, các tùy viên quân sự hoặc con cháu Việt kiều, bây giờ có thêm các doanh nghiệp. Nhiều lớp có cả vợ chồng cùng đi học, họ học rất nghiêm túc, vì biết sang Việt Nam phải nghe, nói được. 

- Mục đích khi mở trung tâm của chị là gì, có phải là một hình thức kinh doanh?

- Mục đích của tôi khi mở trung tâm xuất phát từ việc lúc đó nhiều người quan tâm đến tiếng Việt nhưng không có nơi nào dạy tại Bangkok, kể cả các trường ĐH tại đây cũng vậy. Có thể nói, trường ĐH Chulalongkorn là trường đầu tiên ở Bangkok mở dạy tiếng Việt. Mọi người gọi điện đến, hỏi học thêm mà lúc đó chỉ có một mình tôi dạy ở đó. Trong trường lại không nhận dạy cho người ngoài nên tôi mới nghĩ mở trung tâm để giúp những người có nhu cầu chứ hoàn toàn không phải mở vì mục đích kinh doanh. Khi đó, người Việt ở Thái Lan nhiều nhưng ít có nơi để gặp gỡ. Ngoài mục đích giới thiệu tiếng Việt, đây còn là nơi để giao lưu, trao đổi văn hóa. Một số người Thái cho rằng, người Việt Nam khó gần và không dễ làm bạn, tuy nhiên sau khi đến học tại trung tâm, với sự tận tình của giáo viên tại đây, họ đã thay đổi suy nghĩ và có thiện cảm hơn với người Việt Nam. 

- Được biết ngoài quản lý và giảng dạy tiếng Việt tại trung tâm, chị còn rất tích cực trong hoạt động của cộng đồng người Việt tại đây?

- Tất cả các khoản thu nhập có được của trung tâm, trừ chi phí vận hành ra còn lại sẽ “bỏ ống”, được khoản nào thì lại làm công tác xã hội. Các hoạt động của trung tâm chủ yếu là quảng bá về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam, góp phần trợ giúp các hoạt động nhân đạo và từ thiện xã hội, hỗ trợ các hoạt động của sinh viên Việt Nam tại Bangkok. Làm những việc này không chỉ mình tôi mà có nhiều người khác. Nếu không có các bạn hỗ trợ thì mình cũng không thể ôm hết được. Mình thực sự thấy may mắn vì các hoạt động của trung tâm luôn được nhiều người ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình.

- Chồng chị là người Thái phải không? Các con chị có nói được tiếng Việt không?

- Ông xã tôi là người Thái, làm kinh doanh. Chúng tôi có 2 cháu, cháu đầu đang học đại học. Các cháu đều biết tiếng Việt. Trước đây nghỉ hè 2 vợ chồng thường cho các cháu về Hà Nội chơi với ông bà ngoại. Bây giờ phải học nhiều nên ít về hơn nhưng lúc nào các cháu cũng muốn về Việt Nam.

- Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện. Chúc chị một năm mới sức khỏe, thành công và hạnh phúc.