Người thầy thắp sáng những mảnh đời trong bóng tối

ANTĐ - Dãy hành lang của ngôi trường Nguyễn Đình Chiểu đã gắn liền với hình bóng của người thầy giáo đáng kinh Phạm Đình Thắng. Người thầy giáo với mái tóc bạc phơ, bước đi dò dẫm bởi chỉ một mắt còn nhìn được mờ mờ đã coi mái trường Nguyễn Đình Chiểu chính là ngôi nhà của mình và những học sinh khiếm thị chính là những người con mà ông hết mực thương yêu. 

Người thầy thắp sáng những mảnh đời trong bóng tối ảnh 1

Thầy Phạm Đình Thắng sinh năm 1938, nhà ở phố Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ông bị cận bẩm sinh, sức khỏe từ nhỏ cũng không tốt. Vượt lên số phận, ông đã không ngừng nỗ lực học, và đọc và trở thành một học sinh giỏi. Tốt nghiệp hệ Trung cấp sư phạm của ĐH Sư phạm Hà Nội, năm 1960 thầy giáo trẻ Phạm Đình Thắng tình nguyện lên vùng cao Lạng Sơn giảng dạy theo tiếng gọi của lời thề của người đoàn viên thanh niên "đâu cần thanh niên có, việc gì khó, có thanh niên". 27 năm công tác nơi đây, thầy đã  mang hết tâm huyết để đem cái chữ đến với nhiều thế hệ học trò miền biên ải.

Người thầy thắp sáng những mảnh đời trong bóng tối ảnh 2

Có một ký ức đặc biệt mà thầy Thắng vẫn nhớ như in. Năm 1979, chuẩn bị chiến tranh biên giới, sau khi đã sơ tán trường, thầy vẫn quay lại trường Đồng Đăng để làm và gửi nốt báo cáo về cho cấp trên. Về đến trường thì đúng lúc quân xâm lược đánh vào Lạng Sơn. Chúng đóng quân ngay cạnh trường. Đến đêm, thầy quyết định ra khỏi hầm và vượt vòng vây. Một ba lô, do mắt kém, không đi được đường tắt hiểm trở (mà sau này thầy Thắng mới biết kẻ thù đã phục kích đón lõng sẵn ở đoàn đường tắt), thầy Thắng đi đến vùng an toàn bằng đường nhựa. Cứ nghe thấy tiếng xe địch thầy lại nằm xuống giả chết. Cứ bền bỉ như thế, sau hơn một ngày thầy ra được đến vùng an toàn cách Đồng Đăng 30km. Tại đây, thầy Thắng đã tập hợp các thầy cô giáo sơ tán từ các trường khác tại một ngôi trường nhỏ và làm biển thông báo mời các em học sinh cửa các trường đang sơ tán về học tại đây. Cũng chính thầy Thắng là hiệu trưởng duy nhất trong vùng kịp mang theo con dấu của trường. Nhờ con dấu đó, các thầy cô tại ngôi trường “tập kết” vẫn có giấy giới thiệu để đi mua nhu yếu phẩm đảm bảo cuộc sống cho các em học sinh. Năm học đặc biệt đó đã hoàn thành với hơn 160 em học sinh đến từ nhiều vùng, từ nhiều trường.Người thầy thắp sáng những mảnh đời trong bóng tối ảnh 3

Thầy Thắng tâm sự rằng, nếu có được lựa chọn lại một lần nữa thầy vẫn xung phong đi dạy học ở vùng cao. “Nỗi buồn được sẻ chia sẽ vơi đi một nửa/ niềm vui sẽ được nhân lên khi sẻ chia...Với tôi, hạnh phúc nhất là được đứng trên bục giảng, được sẻ chia với học trò”,thầy Thắng tâm sự.

Người thầy thắp sáng những mảnh đời trong bóng tối ảnh 4Nhờ thành tích hoàn thành năm học đặc biệt thời chiến mà thầy Thắng được đi dự đại hội giáo viên 6 tỉnh biên giới tại Hà Nội. Cơ duyên ấy đã giúp thầy được về lại đất Hà thành với vai trò giáo viên của trường Nguyễn Đình Chiểu năm 1987. Nỗi nhớ quê nhà đã với đi phần nào nhưng, đôi mắt thầy đã không còn như xưa. Những năm tháng hào hùng, gian khó trên đất Lạng Sơn, thầy Thắng đã phải đeo kính đến 18 đi ốp. Và sau quãng thời gian dài khó khăn đủ bề nơi đất Lạng, năm 1972, căn bệnh cận thị nặng dẫn đến bong võng mạc và ảnh hưởng của bệnh tiểu đường đã khiến mắt phải của thầy đã hỏng hoàn toàn, mắt trái thị lực chỉ 1/10. "được về chăm sóc các em học sinh khiếm thị tôi thấy mình vẫn còn may mắn lắm...”, thầy Thắng tâm sự.
Người thầy thắp sáng những mảnh đời trong bóng tối ảnh 5

28 năm ở mái trường đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, thầy Thắng gắn bó với công tác giảng dạy và hơn chục năm phụ trách khu ký túc xá, với công việc hàng ngày luôn bận rộn như người chăm con mọn. Tự học chữ nổi, rồi tìm những tấm gương nghị lực về trò chuyện với các em học sinh. Bao năm tháng qua, đã có bao mảnh đời bất hạnh được thầy chăm sóc, vun tưới để trưởng thành là những bông hoa đẹp, những người có ích cho xã hội. “

Người thầy thắp sáng những mảnh đời trong bóng tối ảnh 6"Điều quan trọng nhất là phải làm thế nào để có thể xóa đi mặc cảm tự ti, giúp các em có niềm tin để vươn lên trong cuộc sống. Và thực tế đã có nhiều học sinh của tôi trưởng thành như thủ khoa đại học Sư phạm Đào Thu Hương (một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2010); Hiệp sĩ công nghệ thông tin Khúc Hải Vân... hay đơn giản là những học trò dù bị khuyết tật nhưng vẫn có được một công việc ổn định, một gia đình hạnh phúc với tiếng cười trẻ thơ… “, thầy Thắng tự hào nói. Với thầy, ngôi trường đặc biệt cho trẻ em khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu từ lâu đã là mái nhà thân thuộc của mình
Người thầy thắp sáng những mảnh đời trong bóng tối ảnh 7

Giờ đây thầy Thắng vẫn trăn trở rằng, làm sao để khiếm thị không còn bị xã hội kỳ thị: “Người ta nghĩ đến mù lòa là nghĩ đến xoa bóp, đến vót tăm, đến bán hàng rong, ăn xin... Tôi và các đồng nghiệp, các bạn tình nguyện trẻ ở trường Nguyễn Đình Chiểu đang muốn chứng minh rằng: đếu được quan tâm, giảng dạy đúng cách, các em khiếm thị vẫn có thể học hành tốt, vẫn có thể thành công trong cuộc sống”.

Người thầy thắp sáng những mảnh đời trong bóng tối ảnh 8

Công việc còn nhiều bộn bề, năm nay đã 77 tuổi, mong muốn duy nhất của thầy Thắng là sức khỏe để được cống hiến đến hơi thở cuối cùng cho những học sinh  thân yêu của mình. Mắt thầy nay đã nhòe lắm rồi nhưng trái tim và tấm lòng của thầy vẫn luôn rộng mở, vòng tay thầy luôn nắm chắc để chở che, giúp đỡ những mảnh đời thiếu may mắn bởi tâm nguyện bao năm nay của thầy: “hạnh phúc chính là được sẻ chia.”

Người thầy thắp sáng những mảnh đời trong bóng tối ảnh 9
Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng thầy Thắng và tấm ảnh hiếm hoi của thầy chụp thời điểm năm 1999.