Kỳ bí ngôi đền được mệnh danh là "Thần giữ của"

ANTĐ - Đền thờ tướng Ngô Ngạo ở xã Nghĩa Hợp, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An từ lâu đã có tiếng là một ngôi đền linh thiêng. Nếu câu chuyện chỉ có vậy là chưa đủ bởi lẽ từ hàng chục năm nay, lớp lớp người dân khắp vùng Bắc Trung bộ mỗi khi bị mất của lại tìm đến ngôi đền này cầu xin thần linh phù hộ với một niềm tin rằng, chỉ cần gia chủ sắm sửa hương hoa đến cầu khẩn với lòng thành tâm thật sự là những tài vật bị mất bỗng dưng… quay về. Từ đó, theo lời truyền miệng của người dân, ngôi đền được mệnh danh là “Thần giữ của”. 
Kỳ bí ngôi đền được mệnh danh là "Thần giữ của"  ảnh 1

Ngôi đền được xây dựng từ giấc mơ lạ 

Đền thờ tướng Ngô Ngạo nằm trên một ngọn đồi khá cao thuộc khu rừng Cồn Vè thuộc đất Nghĩa Hợp. Xung quanh ngôi đền được bao bọc bởi cây cối um tùm, rậm rạp, cỏ mọc hoang vu che phủ cả đường đi lối vào. Bên trong ngôi đền được bài trí khá đơn sơ giản dị với độc một chiếc bàn thờ gỗ nhỏ không trang trí màu mè, kiểu cách làm nơi thờ phụng. Trải qua năm tháng, ngôi đền tồn tại song hành cùng đời sống văn hóa tâm linh của người dân nơi đây và cùng ngần ấy thời gian chứng kiến biết bao thăng trầm lẫn sự đổi thay của làng quê ven bờ sông. 

Tương truyền, ông Chinh Bỉnh là một người quyền quý thuộc họ Nguyễn nhà ở một xã khác cùng nằm trong huyện Tân Kỳ. Trong một lần đi qua đất Nghĩa Hợp do trời đã tối nên ông Chình Bỉnh đành phải nghỉ lại ở đây. Đêm hôm đó, đang nằm ngủ thì ông Chinh Bỉnh mơ thấy một người đàn ông to lớn, vạm vỡ, mặc áo giáp, đội mũ quan, tay cầm kiếm, tự xưng tên là Ngô Văn Ngạo, tướng lĩnh đời nhà Lê, trên đường đi đánh giặc bị thất trận nên bị giặc đuổi từ dưới phủ Diễn, ngày nay là huyện Diễn Châu cho đến khi chạy về đến rừng Cồn Vè thuộc đất Nghĩa Hợp, xã Nghĩa Hợp thì ông bị thương nặng rồi mất.

Trong giấc mơ, ông Chinh Bỉnh được vị tướng xấu số thỉnh cầu xây dựng giúp một ngôi đền để làm nơi trú ngụ, giúp họ mạc, con cháu đời sau của ông có chốn thờ cúng. Giật mình tỉnh giấc, ông Chinh Bỉnh bèn quay trở về quê thu xếp việc nhà rồi sai người chở nguyên vật liệu sang Nghĩa Hợp xây dựng ngôi đền. Từ đó, người dân nơi đây thường gọi đó là đền tướng Ngô Ngạo hoặc đền Cồn Vè hay đền thờ ông Chinh Bỉnh. 

Người trông coi ngôi đền hiện giờ là ông Ngô Trí Quế (65 tuổi) kể lại tích xưa rằng: “Qua những câu chuyện mà các bậc cao niên trong làng hay chính cha của ông kể lại thì ngay sau khi xây dựng ngôi đền này gia đình ông Chinh Bỉnh làm ăn ngày càng phát đạt. Ngôi đền tuy được xây dựng bởi một người thuộc dòng họ Nguyễn nhưng ông tổ của ngôi đền này thuộc dòng họ Ngô nên ngôi đền này vẫn thuộc dòng họ Ngô chăm sóc, bảo tồn và trùng tu. Sau khi ngôi đền được xây dựng xong, rất đông du khách thập phương đã tìm về đây để cầu bình an cho gia đình hay xin quẻ may mắn trước khi làm những việc trọng đại. Có thời điểm du khách ghé thăm đông đến mức cả khu hạ viện rộng lớn chật kín người”.

Ngôi đền chuyên bắt “trộm” (?)

Có lẽ đền thờ tướng Ngô Ngạo cũng chỉ là nơi thờ tự, điểm tín ngưỡng của người dân trong vùng và cũng không có gì đặc biệt nếu như vào năm 1996 gia đình ông Nguyễn Văn Hạo (61 tuổi, ở xóm 1B) không bị kẻ gian lẻn vào nhà lấy trộm tài sản có giá trị khoảng 1 cây vàng lúc bấy giờ. Đây là một số tiền lớn, được gia đình ông Nguyễn Văn Hạo dành dụm được sau bao nhiêu năm tháng lao động. Nhiều ngày sau đó, gia đình ông Nguyễn Văn Hạo liên tục nghe ngóng khắp nơi, kiếm tìm những đồng tiền là mồ hôi nước mắt mà không có được bất kỳ thông tin nào. Xót của nên vợ chồng ông Nguyễn Văn Hạo sinh ra buồn bã, chán nản không thiết làm lụng, ăn uống gì.

Lúc này, chợt nhớ cách nhà vài trăm mét có đền tướng Ngô Ngạo, nên ông Nguyễn Văn Hạo đã nói với vợ rằng: “Tôi nghĩ là số tiền đó chưa mất được đâu, hôm nay mình thử mang hương lên đền tướng Ngô Ngạo cầu xin xem thế nào, biết đâu ngài linh thiêng lại bày đường chỉ lối cho vợ chồng mình tìm lại được. Nghĩ là làm, ngay ngày hôm sau hai vợ chồng ông Nguyễn Văn Hạo mua chút lễ quả, hương hoa rồi mang lên đền thành tâm khấn xin. Thật kỳ lạ là mấy hôm sau kẻ trộm tiền bỗng dưng tự tìm đến nhà ông bà Nguyễn Văn Hạo trả lại số tiền và nói lời xin lỗi.

Từ khi xảy ra chuyện gia đình ông Nguyễn Văn Hạo mất của, đến đền tướng Ngô Ngạo khẩn cầu rồi tìm lại được của, tiếng lành về ngôi đền thờ tướng Ngô Ngạo ngày càng lan rộng. Không chỉ người từ các xã, huyện lân cận trong tỉnh mà ngay cả các tỉnh ngoài như Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Bình... cũng đều biết tiếng và tìm về xin lộc của đền. “Bản thân tôi cũng đã không ít lần lên đền để xin lại của bị mất cho người dân, ngay như ở trong xã này đã có rất nhiều gia đình như nhà ông Thơ mất bò, nhà bà Lành mất trộm tiền... sau khi làm lễ xin đều đã tìm thấy”, ông Ngô Trí Quế cho biết. 

Một cụ bà ngồi kế bên ông Ngô Trí Quế kể lại: “Mới nghe, nhiều người có vẻ như không tin lắm vào sự linh thiêng của ngôi đền tướng Ngô Ngạo, nhưng tôi đã tận mắt chứng kiến gia đình ông Hảo bị mất trộm một cái đài và một số tiền. Sau khi ông Hảo mang lễ lên đền xin thì người lấy trộm đó đã tự động mang đồ lấy trộm đến trả. Được biết, kẻ trộm đã mang những thứ đồ đó lên tận Nghĩa Đàn để bán nhưng không hiểu sao hắn bỗng dưng nghĩ lại mang về trả lại một cách khó hiểu”.

Ông Nguyễn Thành Nam (59 tuổi, xóm 1B), nhà ở sát cạnh ngôi đền tướng Ngô Ngạo chia sẻ: “Gia đình tôi chuyển sang định cư ở đây từ năm 1970 thế kỷ trước đến nay.  Trong suốt thời gian sinh sống ở đây, tôi nhiều lần chứng kiến những điều kỳ lạ diễn ra ở ngôi đền này. Ngay như gia đình tôi vào năm 2000 cũng bị mất một con bò, ngày đó con bò là cả một gia tài lớn đối với người làm nông như chúng tôi. Tìm bò mãi không được, chúng tôi đành mang lễ lên đền khấn xin “ngài” giúp đỡ. 1 ngày, 2 ngày, 3 ngày... không thấy gì. Khi chúng tôi nghĩ chắc là mất hẳn rồi thì khoảng 15 ngày sau, con bò tự nhiên tìm về nhà khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng".

"Tuy nhiên trong số hàng trăm, nghìn người đến xin không phải ai đến đây xin cũng được cả, có người xin mãi mà không được, nhưng cũng có nhiều người được toại nguyện như gia đình chúng tôi”, ông Nguyễn Thành Nam cho biết.

Theo một bậc cao niên ở xã Nghĩa Hợp cho biết, chuyện người dân mất của đến đền thờ tướng Ngô Ngạo cầu khấn xin, rồi có người xin được và cũng có người không, có thể chỉ là một sự trùng hợp. Việc người dân tin vào ngôi đền đó cũng là một nét tâm linh và tự do tín ngưỡng rất riêng của vùng, nhưng tự do và tín ngưỡng phải trong khuôn khổ cho phép chứ không thể mượn điều đó để hành nghề mê tín dị đoan được. Chính quyền xã cũng đã tuyên truyền, quán triệt rằng nếu phát triển theo hướng mê tín dị đoan thì sẽ có những biện pháp xử lý ngay lập tức.

Sự kỳ bí cũng như sự linh thiêng của đền thờ Ngô Ngạo ở xã Nghĩa Hợp, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An mà người dân nơi đây lâu nay vẫn tin tưởng cho đến nay chưa ai dám khẳng định là chuẩn xác, nhưng cũng không ai bác bỏ. Nhưng với người dân trong vùng, qua trò chuyện mới biết không một ai chấp nhận sự kỳ bí của ngôi đền ở góc độ tiêu cực, và nếu chuyện “đền thiêng” bị kẻ xấu lợi dụng biến thành một câu chuyện mê tín dị đoan thì sẽ bị người dân lên án.

Còn ở góc độ tích cực, sau tất cả những chuyện đã xảy ra, chừng nào người dân nơi đây còn có niềm tin rằng bất cứ ai trộm cắp tài sản của người khác đều không qua được mắt của vị tướng được thờ tự tại ngôi đền, bất cứ ai không trả lại của đều sẽ bị trừng phạt cũng góp phần phòng, chống tội phạm và trở thành chỗ dựa bình an trong tiềm thức của người dân nơi đây.