Kỳ 3: Lấy lại niềm tin

(ANTĐ) - “Trải qua những tháng năm biệt ly, tôi càng thêm thấm thía những đớn đau, mất mát quá lớn mà tôi phải trả giá cho tội lỗi của mình…” - Đó là một phần lời tựa trong cuốn nhật ký “Viết từ trái tim” của phạm nhân Trần Hồng Chương (SN 1972, quê huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) hiện đang thụ án tại Trại giam số 3 - Bộ Công an.

Khi trí thức trở thành tội phạm:

Kỳ 3: Lấy lại niềm tin

(ANTĐ) - “Trải qua những tháng năm biệt ly, tôi càng thêm thấm thía những đớn đau, mất mát quá lớn mà tôi phải trả giá cho tội lỗi của mình…” - Đó là một phần lời tựa trong cuốn nhật ký “Viết từ trái tim” của phạm nhân Trần Hồng Chương (SN 1972, quê huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) hiện đang thụ án tại Trại giam số 3 - Bộ Công an.

>>>Kỳ 1: Lòng tham che mờ nhân cách

>>>Kỳ 2: “Hết cơm hết rượu, hết ông tôi”

Chương bên cuốn nhật ký "Viết từ trái tim"
Chương bên cuốn nhật ký "Viết từ trái tim"

Bước chân lạc lối

Với tố chất thông minh từ nhỏ, khi còn học bậc tiểu học, trung học cơ sở Trần Hồng Chương đã được tuyển chọn vào học trường năng khiếu của huyện giành được nhiều giải thưởng học sinh giỏi các cấp. Năm 1989, Chương dự thi ba trường đại học đều đỗ cả. Với sở thích làm kinh tế nên Chương đã chọn theo học khoa Kinh tế của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Để giảm bớt gánh nặng cho gia đình, sau khi tan học, Chương lại xách túi đồ nghề ra đường bơm vá xe đạp, khi thì đi phụ hồ, bán hoa, tối tranh thủ lên thư viện ôn bài.

Năm 1994, Chương tốt nghiệp đại học nhưng phải mất một thời gian dài mới tìm được việc làm ở một dự án cai nghiện ma túy tỉnh Hòa Bình. Tuy nhiên, việc chưa quen thì Chương đã phải ra đi vì dự án có sự thay đổi. Sau năm lần bảy lượt làm hết việc nọ đến việc kia, năm 2000 Chương quyết định về quê mở trung tâm đầu tư về lĩnh vực công nghệ thông tin. Ý tưởng này bắt nguồn sau một thời gian Chương công tác tại Trung tâm Thông tin Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) ở phía Nam.

Cũng tại thời điểm này, bố Chương vào tù khiến gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Để có tiền lo cho cuộc sống gia đình, Chương mạo danh trung tâm mình là Văn phòng đại diện khu vực miền Trung (thuộc Trung tâm Thông tin - Bộ Thương mại), có chức năng đưa người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Chương làm giả con dấu và đứng ra lo thủ tục cho người đi lao động tại Hàn Quốc, Đài Loan.

Qua một số đơn vị môi giới và bằng thủ đoạn gian dối như trên, chỉ trong một thời gian ngắn Chương thu của 38 người có nhu cầu đi lao động ở nước ngoài với tổng số tiền hơn 76.000 USD, hơn 540 triệu đồng và 1 lượng vàng. Sau đó, Chương đã đưa người vượt biên trái phép sang Campuchia để tiếp tục xuất cảnh sang Hàn Quốc và Đài Loan nhưng không thành. Sự việc bị bại lộ, Chương bị bắt và bị truy tố phạm vào hai tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”.

Tháng 11-2001, Trần Hồng Chương bị TAND tỉnh Hà Tĩnh tuyên phạt 24 năm tù.

Cuộc đời là một lỗ thủng

Gần 10 năm tối ngày quanh quẩn với bốn bức tường và những song sắt của phòng giam, có lẽ điều làm Chương lấy làm thú vui, niềm an ủi là ghi lại những dòng nhật ký về quá khứ và cả những ngày ở trại giam. Tuổi thơ và quá khứ ấy dường như cũng rất đỗi quen thuộc trong tâm trí của Chương. Chẳng vậy mà cho dù là lần đầu gặp nhau trò chuyện, Chương chẳng hề giấu giếm điều gì mà cứ kể vanh vách cho tôi về tuổi thơ của mình như thể nó vừa mới diễn ra.

Dưới vòm lá xanh của những hàng cây cổ thụ trong khuôn viên trại giam, mỗi khi cơn gió thổi qua đã làm cho phạm nhân “lắm tài nhiều tật” này thêm phần hứng khởi. Chương kể, được sinh ra trong một gia đình bố mẹ đều là cán bộ công chức, nhà có 3 chị em nhưng Chương là con trai duy nhất. Bố mẹ Chương chiều con. Từ nhỏ Chương đã thích đá bóng, quê Chương có con sông Nghèn yên bình êm ả và núi Ngạn hùng vĩ. Chiều chiều, Chương cùng đám bạn ra triền đê đá bóng rồi lại nhảy ào xuống tắm. Cứ thế ngày tháng qua đi, tuổi thơ cũng qua đi và tâm trí Chương lại đầy thêm kỷ niệm.

Có một điều khiến Chương mãi bị ám ảnh, thấy cuộc đời mình cũng như một lỗ thủng. “Lúc nhỏ, nhớ một lần trường THCS bị lụt, ở trường có một cô giáo tên Thanh mặc dù nhiều tuổi nhưng chưa có chồng. Trong lúc chuyển đồ cho cô, nước ngang đến cổ, hai cô trò mải miết cố đẩy cho bằng được chiếc xe đạp lên trên đường. Khi đẩy được xe lên thì cô mệt quá xỉu đi, phải đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Trong lúc cô mê man cô đã lồng ngón tay vào một lỗ thủng ở vạt áo và khi tỉnh lại, cô hỏi Chương: “Cuộc đời có phải là một lỗ thủng không em?”. Ngẫm lại, cuộc đời có lẽ là như vậy. Tất cả cái gì đều có sự khiếm khuyết, nếu muốn hoàn thiện thì cần phải cố gắng tu dưỡng để hàn gắn lỗ thủng đó” - Chương nói!

Trong khi Chương đang còn trầm tư, suy nghĩ về chuyện cái lỗ thủng tôi hỏi: “Chương ở đây gia đình có hay đến thăm không?”. Những cảm xúc chất chứa trong lòng từ lâu bất ngờ bị đánh thức, Chương ứa nước mắt: “Em thương bố mẹ lắm! Nhớ ngày nhỏ, mặc dù nhà cũng không phải là giàu có nhưng nếu Chương thích cái gì thì bố sẵn sàng mua cho. Cuộc đời bố, mẹ cũng khổ, cả hai thời trẻ đều là thanh niên xung phong tham gia chống Mỹ và cả hai đều bị thương.

Giờ đây bố mẹ già, hàng ngày hai ông bà thường rủ nhau đi chùa. Chương biết là bố, mẹ buồn chán nhiều lắm! Mỗi lần nghĩ về gia đình, em chỉ biết cố gắng cải tạo tốt mong sớm trở về được nhìn thấy mặt bố, mẹ. Mang tiếng là con nhưng chưa ngày nào Chương báo hiếu được cha mẹ. Những lỗi lầm của Chương gây ra giờ đây Chương phải trả một cái giá quá đắt. Nhưng Chương tin vào bản thân, tin vào chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước sẽ tạo điều kiện cho những người phạm tội nếu biết ăn năn hối cải.

Như chứng minh cho lời mình nói, Chương không giấu nổi niềm vui khoe, Chương cũng đã ba lần được xét giảm án. Các phong trào được phát động trong trại Chương đều tham gia, mới đây Chương được hai giải B về sáng tác bài hát do Tổng cục phát động…

Thanh Quang